Bệnh viện Chợ Rẫy lo đóng cửa vì "không được dùng máy đặt, máy mượn"

Nguyễn Thạnh |

Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy nêu thực trạng bệnh viện tự chủ nhưng nguồn thu do nhà nước quy định trong khi nguồn chi theo giá trị trường nên không bao giờ đi đến điểm chung.

Bức bách này được nêu ra tại buổi làm việc của Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về giám sát việc thực hiện cơ chế tự chủ và đấu thầu mua sắm thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 30-9.

Theo ông Tôn Văn Tài, Trưởng Đơn vị Đấu thầu Bệnh viện Chợ Rẫy, bệnh viện đang tự đảm bảo toàn bộ hoạt động chi thường xuyên theo Nghị định 60/2021. Trong 6 tháng đầu năm 2022, bệnh viện thu 3.134 tỉ đồng, thấp hơn 6 tháng đầu năm 2019 (3.244,9 tỉ đồng). Thời gian qua, Bệnh viện Chợ Rẫy gặp nhiều khó khăn trong đấu thầu, mua sắm y tế, dẫn đến thiếu thuốc, vật tư y tế điều trị bệnh nhân và đã kiến nghị hướng giải quyết nhiều lần.

Bệnh viện Chợ Rẫy lo đóng cửa vì không được dùng máy đặt, máy mượn - Ảnh 1.

Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM làm việc tại Bệnh viện Chợ Rẫy sáng 30-9

Khung giá dịch vụ khám chữa bệnh chỉ mới tính 4/7 cấu phần; thuốc, hóa chất, vật tư tiêu hao thanh toán bằng giá mua vào, chưa tính chi phí quản lý, hao hụt, bảo quản, kho lưu trữ. Chi phí duy tu bảo dưỡng được tính 2-5%, nhưng hầu hết trang thiết bị y tế cũ nên cao hơn mức này…

Việc đặt máy, thuê máy hay mua máy móc phục vụ khám chữa bệnh hiện cũng là một câu hỏi lớn cần một quyết sách khẩn cấp giải quyết bức bách.

Bà Nguyễn Nhật Hải, Trưởng Phòng Tài chính Kế toán Bệnh viện Chợ Rẫy, cho rằng bệnh viện tự chủ nhưng nguồn thu do nhà nước quy định trong khi nguồn chi theo giá trị trường nên không bao giờ đi đến điểm chung. Nghị định quy định giá dịch vụ y tế do nhà nước ban hành, bệnh viện không được quyền quyết định nhưng hiện nghị định này cũng chưa ban hành.

Quy định "không được dùng máy đặt máy mượn" trong bệnh viện khiến công việc điều trị gặp không ít khó khăn. Hiện giá khám chữa bệnh chưa tính khấu hao máy móc trong khi bệnh viện không được dùng máy đặt máy mượn thì nguy cơ đóng cửa.

Ông Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM, nhìn nhận những khó khăn trên bệnh viện đã kiến nghị rất lâu mà chưa giải quyết được. Theo ông Nhân, bệnh viện, trường học… không phải là doanh nghiệp. Vậy luật nào điều tiết các đơn vị hoạt động sự nghiệp này? Khi Chính phủ xây dựng nghị định nhưng phải căn cứ vào luật. Luật Khám chữa bệnh áp dụng vào trường hợp này có tạo ra sự xung đột hay không?

Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP cho biết đoàn sẽ nghiên cứu để chắt lọc các kiến nghị của thành phố đến Quốc hội về vấn đề liên quan tự chủ bệnh viện, đấu thầu nhằm giải quyết nhanh các bức xúc hiện nay; tạo động lực phát triển căn cơ lâu dài cho ngành y tế TP.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại