Bệnh thủy đậu tăng trở lại

Đức Trân |

Thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, sau nhiều tuần liên tục giảm mạnh thì tuần qua, số ca mắc bệnh thủy đậu trên địa bàn TP Hà Nội tăng nhẹ trở lại.

Nếu như trong tuần vừa qua, Hà Nội chỉ ghi nhận 7 ca mắc thủy đậu thì đến tuần này đã tăng lên 33 ca. Như vậy, cộng dồn từ đầu năm 2023 cho đến nay, thành phố có 1.911 ca mắc thủy đậu (tăng gấp 11,5 lần so với cùng kỳ năm 2022).

Trong các quận, huyện ghi nhận số ca mắc thủy đậu cao nhất từ đầu năm đến nay thì huyện Mê Linh dẫn đầu với 452 ca, tiếp đến là huyện Chương Mỹ với 417 ca, huyện Ba Vì có 273 ca, quận Nam Từ Liêm có 187 ca, huyện Thạch Thất có 95 ca, huyện Thanh Oai có 83 ca…

Tại Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, thời gian gần đây đã tiếp nhận nhiều ca mắc thủy đậu trong tình trạng nặng, phải nhập viện. Trước đó, có 2 trường hợp tử vong.

Bệnh thủy đậu tăng trở lại - Ảnh 1.

Điều trị bệnh nhân bệnh thủy đậu tại Bệnh viện Bạch Mai.

Theo PGS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới Bệnh viện Bạch Mai, hiện nay các ca bệnh thủy đậu có diễn biến khá phức tạp. Trong một tháng vừa qua đã có những ca tử vong, mặc dù tiền sử bệnh nhân không có bệnh nền. Thủy đậu thường mắc ở trẻ em do không có tiêm phòng, nên chưa có miễn dịch và lây qua đường hô hấp. Nhiều người dân vẫn nghĩ rằng chỉ trẻ em mới mắc thủy đậu nên rất chủ quan, dẫn đến những biến chứng khó kiểm soát. Những trường hợp bệnh nhân có biểu hiện nặng mắc các bệnh nền như ung thư, viêm phổi, viêm não, suy gan, nằm trong bệnh cảnh suy đa phủ tạng, hay đang phải sử dụng các loại thuốc như Corticoid, loại thuốc ức chế miễn dịch để chữa bệnh gút, phổi, thận. Đây là những đối tượng đặc biệt khi mắc bệnh thì virus sẽ bùng lên và gây tổn thương nặng. Bệnh nhân có thể tử vong nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, một số trường hợp có biến chứng như viêm phổi, viêm não, hoặc suy gan, thậm chí là suy đa phủ tạng cần lọc máu.

PGS Cường khuyến cáo, người dân nên đi tiêm phòng vaccine thủy đậu, không nên chủ quan và nghĩ bệnh thủy đậu chỉ mắc ở trẻ em, vài ngày rồi khỏi. Người lớn cũng phải có ý thức phòng bệnh, khi thấy trẻ em hoặc người xung quanh mắc bệnh, phải có biện pháp đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc vì bệnh lây qua đường hô hấp. Người lớn khi mắc thủy đậu thường có biến chứng nặng hơn vì thường có bệnh nền. Tuyệt đối không chủ quan để hạn chế các biến chứng do bệnh thủy đậu gây ra.

Để chủ động phòng chống bệnh thủy đậu, Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt các biện pháp tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu cho trẻ em từ 12 tháng tuổi; Hạn chế tiếp xúc với người bị bệnh để tránh lây lan.

Những trường hợp mắc bệnh thủy đậu cần được nghỉ học hoặc nghỉ làm từ 7-10 ngày bắt đầu từ khi phát hiện bệnh để tránh lây lan cho những người xung quanh. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, sử dụng các đồ dùng sinh hoạt riêng, vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý. Thường xuyên vệ sinh nhà cửa, trường học, vật dụng sinh hoạt bằng các chất sát khuẩn thông thường.

Tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu là biện pháp phòng tránh bệnh hiệu quả và lâu dài nhất. Vì vậy, trẻ em và người lớn, đặc biệt là phụ nữ trước khi mang thai hãy tiêm vaccine phòng bệnh thủy đậu để bảo vệ sức khỏe bản thân và cộng đồng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại