Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tăng: Ai có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc biến thể phụ Omicron?

Ngọc Minh |

Theo ghi nhận của Bộ Y tế, số bệnh nhân chuyển nặng do mắc COVID-19 trong 2 ngày qua 3/8 và 4/8 tăng cao với các ngày trước đó.

Bệnh nhân mắc COVID-19 giai đoạn đầu khi dịch bùng phát. (Ảnh minh hoạ)

Bệnh nhân mắc COVID-19 giai đoạn đầu khi dịch bùng phát. (Ảnh minh hoạ)

Số bệnh nhân nặng tăng

Cụ thể, vào ngày 3/8 theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, số bệnh nhân phải thở oxy do mắc COVID-19 tăng 80 ca. Tới ngày 4/8, số bệnh nhân phải thở oxy do mắc COVID-19 đã tăng lên 112 ca. Trong đó, thở oxy qua mặt nạ: 101 ca; thở oxy dòng cao HFNC: 4 ca; thở máy không xâm lấn: 1 ca; thở máy xâm lấn: 6 ca.

Trước đó, vào ngày 25/7, lãnh đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết những ngày gần đây, cơ sở 2 của viện này liên tục tiếp nhận các ca bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch chuyển về viện.

Theo một lãnh đạo khoa Hồi sức tích cực, hiện khoa đang điều trị cho 25 bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch. Trong số này có 13 bệnh nhân phải thở máy, số còn lại phải thở oxy mask hoặc HFNC (oxy dòng cao).

Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tăng: Ai có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc biến thể phụ Omicron? - Ảnh 1.

Số bệnh nhân mắc COVID-19 tăng trong những ngày qua. (Ảnh minh hoạ)

Theo Bộ Y tế, trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam có những diễn biến mới phức tạp, gia tăng số ca mắc bệnh với sự xuất hiện của nhiều ca mắc biến thể mới BA.4, BA.5… Bộ Y tế nhấn mạnh việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là biện pháp hiệu quả và có ý nghĩa chiến lược trong phòng, chống dịch bệnh.

Với tổng số hơn 72 triệu liều đã được cung ứng tới Việt Nam, vắc xin AstraZeneca là một trong những loại vắc xin COVID-19 được sử dụng nhiều nhất trong nước. Theo ước tính, vắc xin này đã ngăn ngừa 232.766 ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam.

4 nhóm có nguy cơ dễ chuyển nặng khi mắc COVID-19

PGS.TS.BS Lê Thị Tuyết Lan, Chủ tịch Liên chi hội Hen – Dị ứng - Miễn dịch Lâm sàng TP.HCM (Chuyên gia Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM), cho biết hiện nay, virus SARS-CoV-2 luôn biến đổi để lẩn tránh miễn dịch. Việt Nam đã ghi nhận biến thể phụ Omicron do vậy vẫn cần rất cảnh giác.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tổng số ca COVID-19 trong tuần từ 25-31/7 là 10.062; trong đó ngày 29/7 ghi nhận 1.803 ca COVID-19 – cao nhất trong 75 ngày qua. Số lượng người mắc COVID-19 có diễn biến nặng và phải nhập viện đang tăng lên.

Trong đó, nhóm nguy cơ mắc COVID-19 diễn biến nặng thường rơi vào những đối tượng như:

- Nhóm bệnh nhân suy giảm miễn dịch do bệnh lý hoặc do điều trị.

- Nhóm bệnh nhân có bệnh lý nền như ung thư, ghép thận…

- Nhóm người lớn tuổi.

- Nhóm bệnh nhân béo phì.

Bệnh nhân mắc COVID-19 nặng tăng: Ai có nguy cơ chuyển nặng nếu mắc biến thể phụ Omicron? - Ảnh 2.

Người cao tuổi nên tiêm phòng vắc xin COVID-19 để giảm nguy cơ tử vong.

Lý giải về nguyên nhân COVID-19 dễ mắc và chuyển nặng ở các nhóm đối tượng trên, PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bạch Yến - Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Hà Nội), cho rằng trong bất cứ đại dịch nào cũng sẽ có tỷ lệ tử vong ở một số nhóm đối tượng nhất định.

Bộ Y tế đã đưa ra 20 bệnh lý cần phải lưu ý khi mắc COVID-19 trong đó chủ yếu là các bệnh lý mạn tính như tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, thừa cân béo phì, suy thận, bệnh phổi tắc nghẽn, ung thư, bệnh nhân dùng thuốc ức chế miễn dịch…

"Về bản chất những bệnh nhân này sức đề kháng đã kém nên dễ mắc COVID-19 hơn. Và khi họ mắc sẽ dễ bị nặng. Nguyên nhân là do đáp ứng miễn dịch của các bệnh nhân này thường kém hơn những người khác.

Ngoài ra, bản thân người có bệnh nền khi nhiễm virus sẽ khởi phát các phản ứng viêm làm nặng các bệnh lý nền khiến bệnh nhân tăng nguy cơ bệnh nặng, tử vong do bệnh lý nền", PGS Yến nói.

Theo PGS Tuyết Lan, việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 là cách chủ động tạo miễn dịch để chống lại virus, qua quá trình tiêm kháng nguyên vào cơ thể, kích thích cơ thể chủ động tạo ra kháng thể để phòng bệnh. Biện pháp này là hiệu quả với phần lớn dân số là những người khỏe mạnh.

Tuy nhiên, với nhóm bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, dù đã tiêm đủ 2 liều vắc xin vẫn có tỷ lệ bệnh chuyển nặng cao hơn khi mắc COVID-19. Đó là do đáp ứng miễn dịch chủ động với vắc xin để tạo ra kháng thể ở mỗi người là khác nhau. Với nhóm đối tượng nguy cơ cao, đáp ứng miễn dịch sẽ kém hơn người thường về cả số lượng, chất lượng và độ bền của kháng thể.

Để bảo vệ nhóm đối tượng không đáp ứng miễn dịch đầy đủ với vắc xin, và những người không tiêm được vắc xin do có tiền sử phản ứng ngoại ý nghiêm trọng, PGS Lan khuyên nên tạo miễn dịch thụ động bằng cách bổ sung kháng thể đơn dòng nếu thuộc chỉ định.

Vào 3/2022 Bộ Y tế đã cấp phép nhập khẩu đặc biệt một hỗn hợp kháng thể đơn dòng của AstraZeneca tác dụng kéo dài bảo vệ cho những bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch và thuộc nhóm nguy cơ cao trước COVID-19. Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, bộ đôi kháng thể này có tác dụng trung hòa chống lại các biến thể phụ Omicron của virus SARS-CoV-2 và tất cả các biến thể đã được nghiên cứu cho đến nay.

PGS Lan cho hay kháng thể đơn dòng chủ yếu được phát triển trong phòng thí nghiệm, lấy từ tế bào lympho B của những người đã mắc virus SARS-CoV-2 và khỏi bệnh. Khi đưa vào cơ thể sẽ cung cấp cho người bệnh lượng kháng thể giúp ngăn ngừa việc mắc bệnh, cũng như nếu có mắc sẽ nhẹ, giảm nguy cơ tiến triển nặng và tử vong.

Theo chuyên gia, miễn dịch thụ động bằng kháng thể đơn dòng là giải pháp song hành với vắc xin để tăng cường bảo vệ cho những nhóm có nguy cơ mắc COVID-19 nặng và người không thể tiêm vắc xin trong đại dịch.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại