Bệnh nhân tố có thai nhưng bệnh viện lại cho thuốc phá thai để "đẩy dịch ứ"
Ngày 23/6, trên trang Facebook của Chau Nguyen có chia sẻ thông tin liên quan đến việc nhập viện điều trị của cá nhân tại Bệnh viện FV, quận 7, TP.HCM. Chia sẻ cá nhân này đã thu hút sự chú ý của cộng đồng.
Theo như lời "tố" của chị Châu, sáng ngày 19/6/2018 chị có hẹn khám tại Bệnh viện FV, quận 7. Sau khi khám, siêu âm và thử nước tiểu, bác sĩ kết luận: không có thai nhưng có dịch ứ trong lòng tử cung.
Buổi trưa cùng ngày 19/6 chị Châu trở lại Bệnh viện FV để siêu âm tử cung và 2 bác sĩ kết luận: "kinh nguyệt nhiều và bất thường không đúng chu kì kinh nguyệt" (excessive and frequent menstruation with irregular cycle) và kê đơn thuốc uống để đẩy "dịch ứ" ra ngoài gồm 10 viên Misoprotol tab 200mcg. Uống 2v/lần, ngày 2 cữ trong 2 ngày...
Đơn thuốc chị Châu chia sẻ được bác sĩ Bệnh viện FV kê cho chị
Chị Châu uống thuốc theo lời dặn của bác sĩ và được 1 tiếng đau bụng kèm theo đi vệ sinh ra máu. Buổi tối, chị đang ngủ thì bị máu chảy dữ dội. Sau đó chồng chị vội đưa vợ vào bệnh viện FV cấp cứu.
Tại đây chị được bác sĩ truyền máu. "Sau đi khám và đặt ống dẫn tiểu. Bác sĩ chuẩn đoán tôi bị băng huyết do xảy thai và tiến hành test nước tiểu. Kết quả: Dương tính" – chị Châu chia sẻ.
Chị Châu cho rằng mình bức xúc vì buổi sáng bác sĩ cho biết chị không có thai đến tối lại kết luận có thai khiến chị phải mổ cấp cứu.
Hiện tại, thông tin của chị Châu đăng trên trang cá nhân đã được hơn 2000 lượt chia sẻ. Sự việc ầm ĩ hơn vì đơn vị bị "tố" là bệnh viện FV - một bệnh viện được chứng nhận đạt chuẩn quốc tế và có chi phí điều trị khá đắt đỏ.
Bệnh viện FV: Người bệnh thông tin trên mạng xã hội không đầy đủ, bóp méo sự thật
Theo xác nhận của Bệnh viện FV TP.HCM, bệnh viện này có tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân Nguyễn Thị Mộng Châu. Thông tin bệnh nhân Mộng Châu cung cấp cho bác sĩ khi khám bệnh như sau:
Khoảng 3 đến 4 tuần trước khi đến Bệnh viện FV (cuối tháng 5 hoặc đầu tháng 6), bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp sau khi quan hệ tình dục để tránh thai. Những tuần sau đó, bệnh nhân bị chảy máu bất thường và quyết định đến FV.
Bệnh nhân khám với bác Lê Thanh Hùng, bác sĩ Khoa Sản Phụ Khoa Bệnh viện FV, vào sáng ngày 19/6 và được thực hiện 2 khảo sát sau:
- Xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu (que thử thai), kết quả âm tính (xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu không có độ chính xác 100%).
- Siêu âm thai: Chị Châu được bác sĩ Ngô Trung Nam, chuyên gia siêu âm thai thực hiện, có sự hiện diện của bác sĩ Hùng. Kết quả siêu âm cho thấy không có túi thai (dĩ nhiên không có phôi thai) mà có túi dịch, nhiều khả năng là máu đông.
Bệnh viện FV nơi chị Châu vào khám và cấp cứus
Bác sĩ quyết định tháo lưu máu trong lòng tử cung bằng phương pháp hút hoặc thuốc Misoprostol - một loại prostaglandin, để tử cung co bóp tống máu ra ngoài. Bệnh nhân muốn dùng thuốc Misoprostol vì lo ngại phương pháp hút gây đau.
Bác sĩ Hùng đã kê toa Misoprostol. Sau đó, bệnh nhân đã được giải thích rõ rằng, nếu tình trạng chảy máu vừa phải thì không cần quay lại bệnh viện, nếu chảy máu nhiều thì bệnh nhân phải quay lại bệnh viện ngay.
Misoprostol có tác dụng sau vài giờ. Bệnh nhân bắt đầu chảy máu nhiều vào tối muộn và quay lại bệnh viện lúc 11giờ 30 đêm cùng ngày (19/6). Lúc đó, xét nghiệm thử thai nhanh bằng nước tiểu có kết quả dương tính.
Bệnh nhân đã được thăm khám bởi bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Minh - bác sĩ trực Khoa sản và được điều trị bằng hút lòng tử cung cầm máu. Bệnh nhân ngưng xuất huyết sau đó và nằm viện vài ngày trước khi xuất viện.
Phía bệnh viện FV kết luận:
Khi bác sĩ Hùng thăm khám cho bệnh nhân vào buổi sáng, bác sĩ không thể nói với bệnh nhân là bệnh nhân có thai (bởi vì kết quả xét nghiệm thai nhanh qua nước tiểu là âm tính). Tuy nhiên, vì có tụ dịch máu trong tử cung nên bác sĩ Hùng phải quyết định điều trị tháo lưu máu. Đó là quyết định đúng về mặt chuyên môn.
Nếu như xét nghiệm thai nhanh bằng nước tiểu được thực hiện vào buổi sáng cho kết quả là dương tính, thì bác sĩ đã có thể thông báo là bệnh nhân có thai và thai đã bị hư, nguyên nhân có thể do bệnh nhân đã dùng thuốc ngừa thai khẩn cấp vài tuần trước đó.
Trong trường hợp này, bác sĩ cũng sẽ quyết định điều trị như vậy vì đây là một tình trạng thai đã hư gây tụ dịch máu trong lòng tử cung, vì vậy cần phải điều trị để tháo lưu máu.
Nói cách khác, cho dù kết quả thử thai là dương tính hay âm tính, việc điều trị vẫn không thay đổi, đây là một trường hợp thai đã hư và cần phải được chấm dứt.
Đối với bệnh viện FV, việc thăm khám và chữa trị bệnh nhân được thực hiện theo quy trình của bệnh viện và dựa trên các chứng thực của y khoa. Các bác sĩ FV đã làm những gì tốt nhất cho sức khỏe của bệnh nhân trong trường hợp này.