Tại Việt Nam có khoảng 3,5 triệu người mắc đái tháo đường. Bệnh đái tháo đường ngày càng trẻ hoá ở tuổi dưới 40 tuổi. Nguyên nhân chủ yếu thừa cân béo phì và lười vận động.
TS BS Nguyễn Trọng Hưng – Viện dinh dưỡng quốc gia, Phó trưởng khoa Dinh dưỡng tiết chế và lâm sàng, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, cho biết đối với bệnh nhân đái tháo đường, bên cạnh sử dụng thuốc, tập thể dục hàng ngày, chế độ ăn là vấn đề quan trọng nhất.
Chế độ ăn của bệnh nhân đái tháo đường với mục đích cung cấp đủ về số lượng và chất lượng các chất dinh dưỡng cho bệnh nhân, điều chỉnh đường máu, duy trì cân nặng theo mong muốn, đảm bảo cho người bệnh có đủ sức khỏe để hoạt động và công tác phù hợp với từng cá nhân. Bệnh nhân đái tháo đường nhiều khi kiêng khem thái quá cũng không tốt vì nhu cầu năng lượng của họ gần giống như người bình thường.
Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Việc ăn uống tăng hay giảm theo TS Hưng còn phụ thuộc vào cá thể từng người ví dụ tuổi tác, công việc lao động, thể trạng và có biến chứng kèm theo như thế nào để có chế độ ăn phù hợp nhất, khoa học nhất đáp ứng được mục tiêu kiểm soát đường huyết.
Đối với năng lượng, mỗi người cần khoảng 25-30 Kcal/kg cân nặng/ngày. Ví dụ, một người nặng 60kg, một ngày cần ăn khoảng 1.500-1.800 Kcal.
Chất bột đường: Bệnh đái tháo đường, đường huyết có chiều hướng tăng vọt sau khi ăn nên điều cơ bản trong chế độ ăn của bệnh nhân là phải hạn chế glucid, tuy nhiên không được giảm quá nhiều để cơ thể vẫn có thể duy trì được cân nặng và hoạt động bình thường, không bị hạ đường máu.
Chất đạm: lượng protein nên đạt 0,8 kg/ ngày đối với người lớn. Khẩu phần ăn có quá nhiều đạm sẽ không tốt cho thận. Nên sử dụng phối hợp cả protein động vật (thịt, cá, trứng, sữa) với protein thực vật như vừng, lạc, đậu đỗ.
Chất béo: bệnh nhân đái tháo đường ăn chất béo vừa phải và giảm chất béo bão hòa (mỡ động vật) vì dễ gây xơ vữa động mạch. Nhưng khẩu phần của người đái tháo đường cũng rất cần chất béo để cung cấp năng lượng bù lại phần năng lượng do glucid cung cấp bị giảm đi.
Vi chất: Cần đảm bảo đủ các vitamin và yếu tố vi lượng (vitamin nhóm B, caroten, sắt, kẽm, iốt,…). Các thành phần này thường có trong rau quả tươi. Do chế độ ăn kiêng khem hàng ngày chưa phù hợp, nên một số vitamin và chất khoáng hay bị thiếu; do vậy định kỳ nên bổ sung thêm viên đa vitamin và chất khoáng.
Chất xơ: Bệnh nhân đái tháo đường cần nhiều chất xơ. Chất xơ giúp hệ tiêu hóa hoạt động tốt, giúp tăng cảm giác no - giảm đường máu. Những thức ăn có nhiều chất xơ, đặc biệt là chất xơ hòa tan có nhiều trong gạo giã dối (gạo lức, bánh mỳ toàn phần; rau; củ, quả, khoai củ có tác dụng chống táo bón, giảm cholesterol sau bữa ăn.
TS Hưng cũng cho biết các thực phẩm người bệnh tiểu đường nên hạn chế như gạo lứt rang, bánh mì trắng, miến dong, khoai tây chiên, khoai nướng, cháo, xôi. Các loại hạt như hạt hướng dương, hạt bí, hạt điều…
Các trái cây không nên ăn như quả mít, sầu riêng, nhãn, vải, dưa hấu… Các loại thịt không nên ăn như thịt nhiều mỡ, trứng vịt lộn, thịt chế biến sẵn như xúc xích, lạp xưởng, thịt hun khói…
Các loại bánh kẹo, bánh kem, nước ngọt, sữa đặc có đường không nên ăn. Các loại đồ chiên rán, mỡ động vật cũng cần hạn chế tối đa.
TS Hưng cho biết bệnh viện Nội tiết trung ương đã đưa ra thực đơn tham khảo cho bệnh nhân đái tháo đường:
Bữa sáng: Một tô phở gà vừa phải: Bánh phở 70g, 30g thịt gà, 30g giá đỗ
Bữa phụ sáng: 140ml sữa loại dành cho người bị tiểu đường
Bữa trưa:
- 1 chén cơm
- Thịt sốt: 50g
- Đậu phụ: 1 bìa 100g
- Cà chua: 40g
- Su hào luộc: 200g
- Canh cải: 30g
- Dầu TV: 5G
Bữa tối
- Một chén cơm
- Thịt lợn kho: 80g
- Lạc rang: 20g
- Su su luộc: 200g
- Canh chua
- Dầu TV: 1g
- 3 trái táo ta nhỏ
Bữa phụ trước khi đi ngủ: 230ml sữa dành cho người bị tiểu đường.