Trong những dịch bệnh đang lưu hành, nhiều chuyên gia y tế lo ngại khi bệnh tay chân miệng đang bùng phát tại nhiều địa phương trong bối cảnh ngày tựu trường cận kề. Bởi đây là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn nếu vệ sinh không bảo đảm.
Lo ngại chủng độc EV71
Đối tượng mắc tay chân miệng thường ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là dưới 3 tuổi. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào tháng 3-5 và tháng 9-10. Trong môi trường sinh hoạt ở trường học, chỉ một trẻ bị tay chân miệng, những trẻ xung quanh có thể bị lây nhiễm bất cứ lúc nào.
Theo thống kê mới nhất từ Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 49.006 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó 16 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số ca mắc tay chân miệng tăng. Đáng lưu ý, từ đầu năm 2023 đến nay có sự gia tăng tỉ lệ trẻ mắc tay chân miệng dương tính với chủng Enterovirus 71 (EV71), nhiều diễn biến nặng so với các năm trước.
Tại Bệnh viện Nhi Trung ương (Hà Nội), từ đầu năm 2023 đến nay đã tiếp nhận hơn 1.200 trẻ mắc tay chân miệng đến khám với gần 500 trẻ phải nhập viện điều trị. Trong số đó có 20% - 30% trường hợp nhiễm chủng virus EV71.
Bác sĩ Đỗ Thị Thúy Nga, Phó Trưởng Khoa nội tổng quát Trung tâm Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết nếu như các trường hợp tay chân miệng nhiễm chủng Coxsackie A16 thường biểu hiện bệnh nhẹ, có thể chăm sóc và điều trị tại nhà thì EV71 sẽ gây bệnh nặng hơn với nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy hô hấp, suy tuần hoàn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
"Gần đây, khoa tiếp nhận nhiều trẻ biến chứng thần kinh, điển hình nhất là viêm não. Các bệnh nhi vào viện thường trong tình trạng tỉnh táo, không rối loạn tri giác nhiều nhưng có biểu hiện giật mình, đặc biệt là giật mình ở đầu giấc ngủ và cuối giấc ngủ. Ngoài ra còn có biểu hiện run chi, đi lại loạng choạng..." - bác sĩ Nga thông tin.
Bác sĩ thăm khám cho trẻ mắc tay chân miệng tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) Ảnh: HẢI YẾN
Hiện nay, khu vực miền Bắc chưa phải là đỉnh dịch tay chân miệng nhưng với việc phát hiện 20% bệnh nhi mang chủng EV71, các bác sĩ cảnh báo phụ huynh không được chủ quan.
Trong khi đó, ở TP HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay có 15.753 ca mắc tay chân miệng. Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), cho biết bệnh tay chân miệng có dấu hiệu chững lại nhưng vẫn ở mức cao. Tại bệnh viện, trung bình 1 ngày có 80-120 trẻ mắc tay chân miệng nhập viện. Hiện bệnh viện đang điều trị khoảng 100 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 9 trường hợp nặng. "Tình hình thuốc điều trị bệnh tay chân miệng được bảo đảm" - bác sĩ Tiến cho hay.
Theo các chuyên gia, bệnh tay chân miệng hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu nên quan trọng nhất vẫn là phòng ngừa. Cần thường xuyên rửa tay bằng xà phòng diệt khuẩn cho cả người lớn và trẻ nhỏ; đặc biệt là trước khi thay tã, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi chăm sóc trẻ, trước khi ăn và chế biến thức ăn, sau khi tiếp xúc với người bệnh…
Các trường học ngay từ đầu năm học mới cần vệ sinh trường lớp, làm sạch bề mặt vật dụng và đồ chơi hằng ngày bằng xà phòng hoặc các chất tẩy rửa thông thường; cung cấp đủ nước sạch; phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh để tổ chức khám, điều trị, xử lý kịp thời ổ dịch.
Khi trẻ bị tay chân miệng, cha mẹ cần theo dõi các dấu hiệu nặng để cho trẻ nhập viện; không bôi các loại thuốc không rõ nguồn gốc.
Giám sát chặt sốt xuất huyết
Ngoài bệnh tay chân miệng, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cũng cảnh báo số mắc và tử vong do sốt xuất huyết (SXH) tuy giảm so với cùng kỳ năm 2022 nhưng ca bệnh có xu hướng tăng trong các tuần gần đây. Từ đầu năm đến nay, cả nước đã ghi nhận gần 57.300 trường hợp mắc SXH, trong đó có 13 trường hợp tử vong.
Tại Hà Nội, số mắc tăng gần 6 lần so với cùng kỳ năm 2022. Còn theo Sở Y tế TP HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, thành phố có hơn 10.097 ca mắc SXH. Hiện mỗi ngày có từ 30 - 40 ca mắc mới và 40 - 50 ca nhập viện (kể cả từ các tỉnh chuyển về).
Bác sĩ Nguyễn Minh Tuấn, Trưởng Khoa SXH Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM), cho biết hiện có 30 ca bệnh SXH đang điều trị nội trú tại khoa. Dù số ca có tăng nhẹ nhưng thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái.
Bác sĩ Tuấn lưu ý khi trẻ được chẩn đoán SXH, nếu điều trị ngoại trú, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám mỗi ngày để kịp thời đánh giá, theo dõi các dấu hiệu chuyển nặng.
"Khi trẻ xuất hiện dấu hiệu đau bụng, nôn ói, lừ đừ, bứt rứt, thay đổi tính tình, chảy máu niêm mạc bất thường, đi cầu ra máu... thì cần đến bệnh viện khám ngay. Riêng những trường hợp mắc bệnh nền như suy gan, thận, tim mạch thì cần nhập viện điều trị nội trú khi mắc SXH" - bác sĩ Tuấn nhấn mạnh.
Mới đây, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế các địa phương giám sát chặt chẽ tình hình bệnh nhân trên địa bàn, nắm chắc các ổ dịch SXH hiện có và mới phát sinh, xử lý triệt để các ổ dịch ngay khi phát hiện, không để dịch bùng phát, lan rộng, kéo dài. Triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại.
TP HCM tăng cường phòng chống tay chân miệng
Thời gian qua, Sở Y tế TP HCM đã tăng cường giám sát những hoạt động phòng chống tay chân miệng tại cộng đồng, trường học và nhóm trẻ trên địa bàn... Sở cũng tham mưu UBND TP HCM gửi tin nhắn cho từng người dân về phòng chống bệnh tay chân miệng...
Sở Y tế cho biết vẫn tiếp tục duy trì tổ chức hoạt động giao ban trực tuyến định kỳ hằng tuần với các tỉnh, thành phố phía Nam về công tác thu dung và điều trị bệnh tay chân miệng để cập nhật, đánh giá tình hình dịch bệnh trên toàn khu vực.