Internet đã "bơm" nỗi sợ hãi tăng lên gấp ngàn lần qua các quảng cáo; thúc đẩy người ta điên cuồng tìm kiếm thông tin khi có triệu chứng khó chịu bất kỳ liên quan đến sức khỏe.
Thuộc làu các triệu chứng từ internet
Một bác sĩ đồng nghiệp, là bác sĩ tâm thần từng chia sẻ câu chuyện về nam bệnh nhân đến khám tâm thần. Người bệnh cho biết đã lên mạng đọc rất nhiều tài liệu về các triệu chứng của bệnh trầm cảm và thuộc lòng lúc nào không biết.
Khi được bác sĩ kê toa thuốc, bệnh nhân đem về nhà uống và không quên lên mạng kiểm tra tác dụng của thuốc. Vài ngày sau, nam bệnh nhân này gặp bác sĩ và xin đổi thuốc do những tác dụng phụ của thuốc đọc được trên mạng khiến anh ta lo lắng.
Tương tự, trong quá trình khám bệnh, tôi cũng đã từng điều trị cho một bệnh nhân bị ù tai. Bệnh nhân đến khám vì nghĩ rằng mình bị u não sau khi tự lên mạng đọc các thông tin và triệu chứng bệnh liên quan.
Càng lo lắng càng thúc đẩy người ta tìm kiếm thông tin nhiều hơn và gán ghép mình vào những bệnh lý tiêu cực nhất. Vì vậy, không tự tìm hiểu quá nhiều thông tin y khoa nếu không phải là người có chuyên môn. Bên cạnh đó, không nên tự đọc các thông tin y khoa vì khả năng bạn hiểu không đúng rất cao, nhất là khi đang trong trạng thái lo lắng thì dễ gán ghép triệu chứng vào những bệnh tiêu cực nhất.
Chưa kể là nguồn thông tin đó đến từ đâu, các trang quảng cáo thường hay nói quá về bệnh để kích thích người ta mua thuốc đề phòng và trị bệnh (nhất là thực phẩm chức năng). Người chưa có bệnh cũng mua thuốc để phòng bệnh trong khi không cần thiết.
Đơn cử, tại các diễn đàn, các bà mẹ tự chỉ cho nhau cách trị bệnh cho con, kết quả là đứa bé suýt mất mạng. Ở diễn đàn khác, các anh chỉ nhau cách uống thuốc để tăng cường sinh lý, kết quả là càng yếu sinh lý. Do đó, hãy gặp bác sĩ là người có chuyên môn để nhận được điều trị tốt nhất.
Chắt lọc thông tin, có lòng tin với bác sĩ điều trị
Nếu biết cách "đãi cát tìm vàng", thông tin từ internet rất hữu dụng. Vì vậy, cần lựa chọn các thông tin y học từ các nguồn uy tín như website các bệnh viện, tạp chí chuyên về y học (chứ không phải các trang quảng cáo), báo chính thống. Bên cạnh đó, khi cần trao đổi thông tin trên mạng, hãy trao đổi qua email, Zalo… với các bác sĩ uy tín. Lưu ý, không tự mua thuốc theo quảng cáo để phòng và chữa bệnh.
Đặc biệt, nên có lòng tin ở bác sĩ điều trị. Khi bệnh không cải thiện hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn hoặc chuyển đến nơi điều trị khác.
Một bệnh cùng lúc không nên đi khám ở quá nhiều nơi cũng như đọc quá nhiều các thông tin về bệnh trên internet, các bác sĩ hoặc các trang web, forum khác nhau đưa ra nhiều kiểu hướng dẫn sẽ khiến bệnh nhân hoảng loạn. Mọi thông tin trên mạng chỉ có tính chất tham khảo, không dùng để điều trị. Do đó, cần gặp bác sĩ để được thăm khám trực tiếp nhằm chẩn đoán và điều trị chính xác nhất.
Điều quan trọng nhất là nên bình tĩnh đối diện với vấn đề sức khỏe của mình. Hãy giao sức khỏe cho thầy thuốc vì chính thầy thuốc xử lý thông tin sức khỏe của bạn phù hợp với chuyên môn của họ, giúp người bệnh khỏe và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cảnh báo từ 1 cuộc khảo sát
Một khảo sát tại Mỹ do LetsGetChecked - công ty chuyên về kiểm tra sức khỏe cá nhân - thực hiện trên 2.000 người tại quốc gia này, cho thấy 43% số người đã tự tìm kiếm các triệu chứng của họ trên mạng và cuối cùng tin rằng họ mắc một căn bệnh nghiêm trọng hơn nhiều so với thực tế. 65% số người tự chẩn đoán nhưng kết quả cho thấy việc đưa các triệu chứng của mình lên các công cụ tìm kiếm có thể gây hại nhiều hơn là lợi; 74% những người tự chẩn đoán với các công cụ trực tuyến nói rằng việc tìm kiếm các triệu chứng của họ khiến họ lo lắng nhiều hơn cho sức khỏe. Ở khía cạnh khác, người tham gia không muốn đến bác sĩ, thậm chí 10% thường xuyên né tránh việc đó vì các lý do: chi phí tốn kém, không có thời gian...