Không chỉ phải đối phó với Covid-19, Ấn Độ còn phải đối phó với bệnh nấm đen. Ảnh: Down To Earth
Khi Ấn Độ vẫn chật vật với làn sóng lây lan Covid-19 thứ hai, các bác sĩ nước này đang lo ngại về một bệnh nhiễm trùng mới, hiếm gặp, có tên là "nấm đen" (mucormycosis).
Bệnh nấm đen là gì?
Đây là bệnh nhiễm trùng do tiếp xúc với loại nấm mốc mucormycete, thường có trong đất. Khi bị nhiễm, nấm mốc sẽ lây lan qua đường hô hấp và bắt đầu ăn mòn các bộ phận trên khuôn mặt.
Nhiễm trùng sẽ tác động đến xoang mũi, mắt, não, da, phổi và thận.
Nó được gọi với cái tên "nấm đen" vì người nhiễm bệnh thường có các mụn nước hoặc vết loét màu đen.
"Nó giống như một con mối vậy", nhà nghiên cứu sinh học Ujjwal Parakh, tại Bệnh viện Ganga Ram ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ, nói. "Nấm mốc sẽ gia tăng ở một khu vực nhất định trên cơ thể người nhiễm và tiếp tục phá hủy các cơ quan của cơ thể và các mô".
Triệu chứng của bệnh nấm đen
Một bác sĩ nội soi xoang cho người nhiễm bệnh nấm đen. Ảnh: AP
Triệu chứng bệnh tùy vào nơi nhiễm trùng. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các triệu chứng thường thấy gồm: sưng một bên mặt, đau đầu, ngạt mũi hoặc bị viêm xoang, có các vết thương tổn màu đen trên sống mũi hoặc phía trên bên trong miệng - ngày càng nghiêm trọng, đau bụng, buồn nôn và nôn, xuất huyết dạ dày.
CDC Mỹ lưu ý, một nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong của bệnh nấm đen là 54% và đôi khi các bác sĩ phải loại bỏ một bên mắt để ngăn nhiễm trùng lan đến não của bệnh nhân. Thống kê từ tờ The Times của Anh mới đây cho thấy, khoảng 60% bệnh nhân nhiễm bệnh nấm đen, đang được điều trị ở bệnh viện Ấn Độ, phải loại bỏ ít nhất một bên mắt.
Tuy nhiên, đây là căn bệnh tương đối hiếm và không lây từ người sang người.
Paul Griffin, giáo sư y khoa tại Đại học Queensland (Úc), chia sẻ với tờ ABC rằng, nấm mốc mucormycete gây bệnh nấm đen cần "vật chủ rất nhạy cảm".
"Thông thường, người nhiễm bệnh nấm đen mà chúng tôi gặp là người từng phẫu thuật cấy ghép hoặc đang dùng một loại thuốc rất mạnh có ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch", giáo sư Griffin nói.
Bệnh nấm đen có liên quan đến Covid-19?
Chưa có câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này. Tuy nhiên, việc sử dụng steroid và thuốc ức chế miễn dịch - đều dùng cho bệnh nhân Covid-19 - đang tăng vọt ở Ấn Độ. Điều này cho thấy quốc gia Nam Á này có rất nhiều "vật chủ nhạy cảm" với nấm mốc mucormycete.
Ngoài ra, Ấn Độ còn có hàng triệu người mắc bệnh tiểu đường. Đây cũng là yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm bệnh nấm đen.
Nhiệt độ và độ ẩm của Ấn Độ là điều kiện lý tưởng để nấm mốc phát triển.
P. Suresh, trưởng khoa Mắt tại Bệnh viện Fortis ở thành phố Mumbai, Ấn Độ, cho biết, trong 2 tuần qua, bệnh viện của ông tiếp nhận và điều trị cho ít nhất 10 người bị nấm đen, gấp đôi so với cả năm trước khi xảy ra đại dịch Covid-19.
Ấn Độ đang đối phó thế nào với bệnh nấm đen?
Các ca nhiễm nấm đen đang gây áp lực thêm cho các bệnh viện vốn đã quá tải vì bệnh nhân Covid-19. Ảnh: AP
Quốc gia Nam Á này không công bố dữ liệu về người nhiễm bệnh nấm đen, nhưng chính phủ Ấn Độ nói rằng không có dịch lớn bùng phát.
Truyền thông địa phương cho biết, có ít nhất 7,250 ca nhiễm trên khắp cả nước, tính tới 19/5.
Ấn Độ đã yêu cầu các bác sĩ theo dõi các triệu chứng của bệnh nhân Covid-19 nhiễm thêm cả bệnh nấm đen sau khi xuất hiện hàng loạt trường hợp, đồng thời yêu cầu các bang quan tâm tới tình trạng này.
Chính phủ Ấn Độ cũng đang làm mọi cách để giảm bớt tình trạng thiếu thuốc để điều trị bệnh nấm đen.
Bệnh nấm đen sẽ lan ra thế giới?
Theo ABC News, khả năng bệnh nấm đen lan ra thế giới là không nhiều. Đây không phải căn bệnh lây lan từ người sang người như Covid-19.
Giáo sư Griffin nhận định, tình hình dịch bệnh Covid-19 ở các nước trên thế giới không tương đương với quy mô và mức độ như Ấn Độ nên bệnh nấm đen không có khả năng lan rộng toàn cầu.
"Nếu chúng ta kiểm soát tốt Covid-19, các loại bệnh như nấm đen sẽ không tồn tại lâu", giáo sư Griffin nói.