Tuyến mồ hôi tiết ra mủ
Bệnh nhân nam 47 tuổi bị mắc chứng bệnh "lạ" tại những vùng tăng tiết mồ hôi như nách, bẹn, khoe tiếp ra dịch mủ có mùi hôi thối. Vì chứng bệnh "lạ" này khiến cho bệnh nhân "khốn khổ" đã tới cầu cứu bác sĩ Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Theo như lời bệnh nhân chia sẻ, thì tại những vùng tăng tiết dịch mồ hôi bệnh nhân có triệu chứng nổi các sẩn cục, sau đó các cục sẩn đó vỡ chảy mủ hôi thối. Một thời gian tiếp theo sẽ tự lành và để lại sẹo xơ chắc,…
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương sau khi thăm khám và điều tra bệnh sử bác sĩ chuẩn đoán bệnh nhân trên bị mắc bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ.
Bệnh nhân bị viêm tuyến mồ hôi mủ tại nách, ảnh BCCC.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, trường hợp bệnh nhân 47 tuổi trên là ca bệnh điển hình của viêm tuyến mồ hôi mủ (tên khoa học là Hidradenitis Suppurativa).
Trên toàn thế giới tỷ lệ mắc bệnh chiếm 1% dân số. Bệnh thường khởi phát sau tuổi dậy thì, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 20-40, nữ nhiều hơn nam, tồn tại kéo dài sau nhiều năm và ảnh hưởng nhiều tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Viêm tuyến mồ hôi mủ là bệnh nhiễm trùng mãn tính ở vùng có tuyến mồ hôi tiết mùi của cơ thể. Bệnh được hình thành từ nốt không viêm đến những thương tổn viêm nằm sâu bao quanh gây đau đớn. Hậu quả là chảy mủ nhầy và để lại sẹo xơ dính.
Theo bác sĩ Thảo Nhi căn nguyên gây ra bệnh hiện nay chưa rõ, nhưng bệnh có liên quan tới một số yếu tố sau:
Có khoảng 26% bệnh nhân có yếu tiền sử gia đình, chưa xác định có liên quan đến HLA. Một số nghiên cứu gợi ý có liên quan tới di truyền gen trội trên NST thường.
Một số bệnh như: bệnh Cronh, viêm khớp, hội chứng Down, viêm tuyến giáp Hashinomoto, herpes simplex, hội chứng ruột kích thích,… có thể gây ra bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ.
Các yếu tố như béo phì, nhiễm trùng, hút thuốc lá… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh. Trong đó, hút thuốc là yếu tố khởi phát của bệnh, thay đổi hóa ứng động bạch cầu đa nhân trung tính, giảm hút thuốc làm cải thiện bệnh.
Phòng tránh bệnh
Bác sĩ Thảo Nhi cho hay: "Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ khởi phát âm thầm với ngứa, hồng ban, tăng tiết mồ hôi khu trú. Về sau thương tổn trở nên đau, chảy mủ và có mùi hôi. Ba yếu tố cần cho chẩn đoán là : thương tổn điển hình, phân bố đặc trưng và tái phát".
Thương tổn điển hình của bệnh là: trứng cá; sẩn màu hồng, đường kính < 1 cm, đau; áp xe, sẩn cục chảy mủ, đau nhiều; sẹo co kéo da, sẹo lồi lên như dây thừng.
Hai vị trí thường gặp là nách , bẹn – tầng sinh môn, và các vị trí khác chứa nang lông và tuyến mồ hôi tiết mùi như: nếp vú, núm vú, khoe,…
Bệnh sẽ được điều trị bằng nội khoa và ngoại khoa. Trong trường hợp điều trị nội khoa thất bại bác sĩ sẽ tính tới phương án phẫu thuật cho bệnh nhân.
Bác sĩ Thảo Nhi khuyến cáo: "Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Nếu bệnh nhân mắc bệnh không nhận được sự thông cảm rất dễ rơi vào trầm cảm".
Để ngăn ngừa căn bệnh này đối với người thừa cân phải giảm cân, hạn chế cọ xát trên da.
Bỏ thuốc lá sẽ giảm được nguy cơ mắc bệnh ung thư và bệnh tim mà còn có thể làm cho bệnh của bạn bớt nghiêm trọng hơn.
Bệnh viêm tuyến mồ hôi mủ có thể bị bùng phát do quá nóng và đổ mồ hôi. Vì vậy, người bệnh cần phải giữ cho da luôn thoáng mát. Hãy cẩn thận về việc sử dụng chất khử mùi, đôi khi có thể gây kích ứng da.
Mặc quần áo rộng có thể giúp kiềm chế cơn đau đớn từ việc da bị cọ xát bởi mặc quần áo quá chật.
Chăm sóc tổn thương đúng cách như sau: Áp gạc ấm lên tổn thương để giúp giảm cả sưng và đau. Làm sạch tổn thương hàng ngày bằng xà phòng kháng khuẩn hoặc chất tẩy rửa, duy trì và cân bằng độ ẩm trên da, tránh để vùng da của bạn bị quá khô hoặc quá ướt.
Đọc thêm bài cùng tác giả Ngọc Minh, tại đây.