Cách đây vài ngày, nam ca sĩ Tuấn Hưng chia sẻ hình ảnh mệt mỏi nằm trong bệnh viện, tâm trạng xuống dốc khiến người hâm mộ không khỏi lo lắng. Tối 17/9 vừa qua, nam ca sĩ đã chính thức lên tiếng về tình trạng sức khỏe của mình.
Tuấn Hưng cho biết, vài ngày trước anh hơi mệt, huyết áp cao và lại bị đau bụng nên phải nhập viện theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, nam ca sĩ cũng tiết lộ mình bị hở van tim , không được hoạt động mạnh.
"Cứ vào đây nằm cái là sợ mọi thứ ngay. Cũng may kịp đổi bộ môn thể thao đúng lúc từ bóng đá qua golf. Van tim bị hở một tí, không được hoạt động mạnh quá. Và quan trọng hơn là người đối diện không được nói quá to khi giao tiếp với mình, đặc biệt là vợ" - Tuấn Hưng chia sẻ trên trang cá nhân về tình trạng bệnh.
Dù Tuấn Hưng đã trấn an là chỉ "bị hở một tí" xong người hâm mộ vô cùng lo lắng, thắc mắc căn bệnh hở van tim mà nam ca sĩ "Tìm lại bầu trời" đang đối mặt có nguy hiểm không và cần sinh hoạt ra sao để bệnh tình không tiến triển xấu hơn?
Trong những ngày nam ca sĩ nằm viện luôn có vợ túc trực bên cạnh.
Bệnh hở van tim có nguy hiểm không?
Theo PGS.TS Đỗ Kim Quế - phó giám đốc Bệnh viện Thống Nhất, TP.HCM, van tim của con người giống như van một chiều, máu từ tĩnh mạch về tim và từ tim đi ra động mạch mà không thể chảy theo chiều ngược lại. Nếu không có van tim, máu sẽ lưu thông hai chiều và tim không thể đẩy máu đi nuôi cơ thể. Van tim bị hở sẽ làm quá trình lưu thông máu khó khăn hơn.
Thông thường hở van tim nhẹ không có triệu chứng. Chỉ khi hở van tim đã làm tim bị suy, thậm chí bị phù, gan đã lớn thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt, đau ngực, không nằm đầu thấp được. Những người bị hở van tim không có triệu chứng thì cần siêu âm mới thấy được.
Chỉ khi hở van tim đã làm tim bị suy, thậm chí bị phù, gan đã lớn thì lúc đó mới xuất hiện triệu chứng khó thở, mệt, đau ngực, không nằm đầu thấp được.
Các tổn thương khiến van tim bị hở có thể chia làm hai nhóm: Nhóm thứ nhất do nguyên nhân bẩm sinh, nhóm thứ hai do nguyên nhân người bệnh có những bệnh lý mắc phải.
Tuy nhiên, để biết bệnh hở van tim của Tuấn Hưng có nguy hiểm không còn cần dựa trên độ hở của van là bao nhiêu. Theo quy ước tính trên độ hở của van tim có 4 mức: Hở 1/4, 2/4, 3/4 và 4/4. Nếu chỉ bị hở từ 2/4 trở xuống thì không phải lo lắng nhiều vì đó là chuyện bình thường, chưa phải điều trị mà chỉ cần định kỳ tái khám, theo dõi; ngoại trừ việc hở van tim là hậu quả của những bệnh khác như thiếu máu cơ tim, nhồi máu cơ tim, thấp tim...
Nếu van tim bị hở từ 2/4 trở lên mới cần phải chú ý, kiểm tra để xác định nguyên nhân và điều trị. Khi van tim bị hở 3/4 trở lên mới phải điều trị tích cực. Nếu bị hở từ 3,5/4 trở lên sẽ mổ để sửa chữa van tim hoặc thay van tim nhân tạo.
Theo vị chuyên gia, khi bị hở van tim từ 2/4 trở lên, bệnh nhân nên đến bác sĩ tim mạch khám tìm những yếu tố nguy cơ có thể thúc đẩy bệnh nặng thêm để điều trị...
Khi bị hở van tim cần sinh hoạt như thế nào để bệnh tình không phát triển mạnh?
Ths.BS Dzoãn Thị Tường Vi – Phòng khám dinh dưỡng (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội), khi bị bệnh tim nói chung và hở van tim nói riêng, trong chế độ dinh dưỡng hàng ngày cần phải hạn chế sử dụng chất béo với cơ cấu lượng mỡ dưới 30% tổng năng lượng, nhất là lượng chất béo bão hòa.
Đối với người bệnh van tim, tốt nhất là các món ăn nên thay đổi hằng ngày, nên ăn nhiều cá, các loại hải sản vì chất acide béo Omega 3 có trong các loại hải sản rất tốt cho hệ tim mạch. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ăn ít đường, bơ, pho mát để giảm mức cholesterol trong cơ thể. Nên chọn trái cây có màu sắc tươi và rau củ như cà rốt, cà chua, rau bina, ớt chuông, dâu, cam, đu đủ... vì chúng rất giàu chất chống oxy hóa. Ngoài ra không nên ăn mặn, những món dưa, cà càng hạn chế.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, bác sĩ cũng khuyên mọi người cần kết hợp chế độ luyện tập, vận động cơ thể thường xuyên. Nên chọn các môn thể thao như đi bộ, chạy chậm, đạp xe, luyện khí công, bơi lội… Mỗi lần khoảng 30 phút, tuần tập 3 – 5 lần.
Ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, bác sĩ cũng khuyên mọi người cần kết hợp chế độ luyện tập, vận động cơ thể thường xuyên.
Hãy tái khám định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ đồng thời kiểm tra huyết áp thường xuyên và điều trị tăng huyết áp (nếu có) vì huyết áp cao làm tim phải gắng sức nhiều hơn.