Phía Bắc tập trung số mắc, phía Nam tập trung số tử vong
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, từ đầu năm đến nay, ghi nhận lác đác một số trường hợp mắc cúm A/H1N1, trong đó có 2 ca rất nặng.
Một trong số đó là bệnh nhân T.T.N (70 tuổi, ở Thanh Trì, Hà Nội). Bệnh nhân N nhập viện sau sốt, mệt mỏi dài ngày, chuyển từ tuyến dưới lên trong tình trạng đã biến chứng viêm phổi, phải thở ôxy. Sau điều trị 1 tuần, bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch và bình phục dần.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, tại miền Bắc ghi nhận tới hơn 131.000 ca mắc cúm, chiếm hơn 62% so với tổng số mắc của cả nước. Số liệu của Hệ thống Giám sát cúm Quốc gia cho thấy, trong những năm trước và những tháng đầu năm 2018, cúm A/H1N1 chiếm khoảng 20-50% trong số các chủng cúm mùa lưu hành tại Việt Nam, còn lại là cúm B và cúm A/H3N2.
Dù số mắc tập trung nhiều ở phía Bắc, nhưng tại phía Nam lại là nơi ghi nhận nhiều chùm ca bệnh cúm A/H1N1, cùng đó, số ca tử vong vì chủng này cũng cao hơn rất nhiều.
Gần đây nhất, nạn nhân tử vong là một sản phụ 35 tuổi, quê ở Đồng Tháp. Chị N.T.V mang thai ở tuần 32, được bệnh viện địa phương chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM vào giữa tháng 6/2018 điều trị trong tình trạng suy hô hấp, sốt cao. Sau các kết quả thăm khám, xét nghiệm, bác sĩ xác định thai phụ nhiễm cúm A/H1N1.
Bệnh nhân đã được đặt nội khí quản thở máy, điều trị tích cực. Tuy nhiên, tình trạng suy hô hấp không cải thiện, bệnh đe dọa trực tiếp sinh mạng của mẹ và bé nên Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới đã hội chẩn cùng Bệnh viện Từ Dũ thực hiện cuộc phẫu thuật bắt con.
Bé gái chào đời với cân nặng 1,6kg được chuyển đến Bệnh viện Từ Dũ chăm sóc may mắn không bị nhiễm cúm từ mẹ. Sản phụ tiếp tục được điều trị tích cực bằng thở máy, kháng sinh, chăm sóc dinh dưỡng… Tuy nhiên, sau 3 tuần nằm viện, tình trạng bệnh không cải thiện, chị V qua đời hôm 17/7.
Được ghi nhân tử vong cùng ngày với sản phụ H vào ngày 17/7 cũng vì cúm A/H1N1 là trường hợp ông H.H.H (48 tuổi, ở Tây Ninh). Ông H có tiền sử bị bệnh tán huyết, thiếu men G6PD và bệnh đái tháo đường.
Khi nhiễm cúm, ông có triệu chứng như mệt, khó thở, sốt cao… nên được gia đình đưa đến cơ sở y tế tư nhân tại địa phương, sau đó chuyển xuống TPHCM điều trị. Sau 1 tuần, ông H không qua khỏi đã tử vong.
Tháng 6/2018, tại TPHCM ghi nhận liên tiếp 2 chùm ca bệnh cúm A/H1N1 tại Bệnh viện Từ Dũ và Bệnh viện Chợ Rẫy. 3 trường hợp đã tử vong, 2 trong số đó thuộc ổ bệnh ở Chợ Rẫy.
Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, tại các tỉnh, thành miền Nam đã có ít nhất 7 ca tử vong do cúm A/H1N1. Trên thực tế, các bệnh nhân tử vong hầu hết mắc bệnh mãn tính (suy thận mãn, đái tháo đường…), cơ địa béo phì và không tiêm phòng cúm.
Thanh niên cũng có nguy cơ biến chứng vì cúm
Cúm A/H1N1 là một trong các chủng cúm mùa. Bình thường, một người mắc cúm có biều hiện lâm sàng giống như khi mắc các chủng cúm mùa khác, như: Sốt cao, chảy nước mũi, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, ho, đau họng… Bệnh thường khỏi sau 1 tuần điều trị thông thường.
“Ngoài nhóm những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính và người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính có nguy cơ cao hơn, nhóm các bệnh nhân cao tuổi, trẻ sơ sinh, phụ nữ có thai cũng là đối tượng nguy cơ cao dễ bị biến chứng khi nhiễm cúm như bị viêm phổi, viêm cơ tim, bội nhiễm virus, suy hô hấp”, BS Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương) nói.
Tuy nhiên, không phải chỉ riêng đối tượng đó mới có nguy cơ diễn biến nặng vì cúm. BS Trung Cấp cảnh báo, đã từng có những nam thanh niên khoẻ mạnh, không có tiền sử bệnh tật, khi mắc cảm cúm, nghĩ cảm xoàng nên chủ quan tự mua thuốc điều trị. Đến khi bệnh nhân nhập viện thì đã quá muộn.
BS Trung Cấp cũng cho biết thêm, đối với người khỏe mạnh, nguy hiểm nhất là virus cúm gây biến chứng viêm cơ tim, viêm phổi. Những bệnh nhân này nếu không được sử dụng thuốc kháng virus sớm thì nguy cơ tử vong rất cao.
PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng khẳng định, tại Việt Nam, dù chưa ghi nhận sự biến đổi về độc lực của chủng virus cúm A/H1N1. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lo ngại về tình trạng hàng nghìn ca nhiễm cúm, ít nhất 7 trường hợp tử vong tại khu vực phía Nam thì rất đáng lưu tâm.
Nếu trước đây, cúm mùa thường dễ mắc và lây lan vào mùa đông xuân (thời tiết ẩm ướt) thì những năm gần đây, bệnh xuất hiện quanh năm.
Một điểm cần lưu ý khác trong diễn biến bệnh cúm A/H1N1, nhiều chuyên gia cho rằng, do việc giao lưu đi lại thuận lợi và dễ dàng nên virus cúm cũng xâm nhập nhanh hơn. Cúm A/H1N1 lưu hành ở hàng trăm quốc gia. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, trong khu vực Đông Nam Á, cúm A/H1N1 có sự gia tăng tại Lào, Singapore.
Từ điều này cho thấy, không loại trừ việc khách du lịch, du học sinh mang mầm bệnh từ các nước có dịch trở về. Chỉ sau một bữa tiệc liên hoan, gặp mặt bạn bè, người thân, virus cúm có thể lây lan sang những người khác.
Trong số các loại chủng cúm A/H1N1, A/H3N2 và cúm B, các chuyên gia đánh giá, cúm thể A là thể thường xuyên tự “làm mới” mình bởi sự biến đổi liên tục và có thể tạo thành các chủng virus có độc lực cao, lây lan nhanh, ảnh hưởng cho sức khỏe người dân.
Ngoài ra, khác với các chủng cúm A/H3N1, cúm B - thường chỉ tấn công các tế bào thuộc phần trên của hệ hô hấp, cúm A/H1N1 có khả năng tấn công sâu vào tế bào phổi, gây viêm phổi, rất nguy hiểm.
Đây cũng là lý do các chuyên gia y tế luôn khuyến cáo người dân chủ động tiêm phòng vaccine cúm mùa để ngừa nhiễm và hạn chế tình trạng bệnh diễn biến nặng khi nhiễm. Điều đáng nói, hiện tỉ lệ tiêm phòng vaccine cúm mùa ở Việt Nam còn rất thấp, dưới 1% tổng dân số. Đây cũng là nguyên nhân khiến các ca bệnh cúm A/H1N1 gia tăng hơn những năm trước.
Theo BS Nguyễn Trung Cấp, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương: “Nếu cảm thấy mệt mỏi quá mức bình thường, bệnh nhân nên đến viện. Đặc biệt khi thấy cơ thể sốt cao sau vài ngày sốt nhẹ, đau nhức người, kèm đau ngực, khó thở thì càng phải đến viện sớm”.