Belarus sẵn sàng đưa tiểu đoàn S-400 thứ 2 đối phó F-35 'lượn lờ' ở biên giới

Lê Hưng (Nguồn: Military Watch) |

Trước sự xuất hiện ngày càng nhiều của chiến đấu cơ tàng hình F-35 sát biên giới, Belarus đã tích cực củng cố khả năng phòng không của đất nước bằng S-400.

Bộ Quốc phòng Belarus ngày 30/6 thông báo lực lượng không quân nước này đã đưa vào biên chế một tiểu đoàn hệ thống phòng không tầm xa S-400 mới. "Bắt đầu từ hôm nay, hiệu quả của lực lượng phòng không để bảo vệ không phận Belarus đã tăng lên đáng kể, một tiểu đoàn phòng không S-400 Triumf mới đã đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu", thông báo từ Bộ Quốc phòng Belarus.

Người đứng đầu Lực lượng Phòng không và Không quân Belarus, Thiếu tướng Andrey Lukyanovich nhận xét về đợt triển khai mới rằng, các nhân viên điều hành tiểu đoàn đã trải qua khóa huấn luyện và mài giũa kỹ năng của họ tại trường bắn Kapustin Yar ở Nga, đồng thời tiểu đoàn mới đã sẵn sàng cho các nhiệm vụ chiến đấu theo yêu cầu.

Belarus sẵn sàng đưa tiểu đoàn S-400 thứ 2 đối phó F-35 lượn lờ ở biên giới - Ảnh 1.

Hệ thống S-400.

S-400 - lựa chọn hoàn hảo của Belarus

Sự xuất hiện của hệ thống S-400 thứ hai ở Belarus đã được công bố hôm 28/5. Trước khi được trang bị S-400, hệ thống phòng không tầm cao của Belarus chủ yếu dựa vào bảy tiểu đoàn S-300PS do Liên Xô chế tạo, những hệ thống này dự kiến ​​​​vẫn sẽ tiếp tục hoạt động trong quá trình chuyển đổi sang S-400 hoàn tất.

Có nhiều báo cáo trước đó đã gây hiểu lầm, bao gồm cả một số phương tiện truyền thông nhà nước Nga, khi cho rằng Belarus đã triển khai một số hế thống S-400, hoặc các thành phần lẻ như radar của hệ thống để hỗ trợ mạng lưới phòng không của nước này.

Tuy nhiên, tiểu đoàn mới nhất vừa được triển khai là đơn vị thứ hai của Belarus được trang bị S-400. Trước đó những hệ thống S-400 này cũng đã được Belarus và Nga cùng huấn luyện trong cuộc tập trận chung vào tháng 5/2022.

S-400 hiện đang được các nhà máy ở Nga sản xuất với quy mô đủ để trang bị cho nhiều trung đoàn mỗi năm, với mỗi trung đoàn bao gồm hai tiểu đoàn và mỗi tiểu đoàn có 8 phương tiện phóng.

Không chỉ riêng Belarus, S-400 cũng đã được chuyển giao cho Lực lượng hàng không vũ trụ Nga và Không quân Ấn Độ, với số lượng đặt hàng khoảng bốn tiểu đoàn mỗi năm.

Một tiểu đoàn S-400 được bán trên thị trường xuất khẩu với giá khoảng 500 triệu USD. Tuy nhiên Belarus được cho là đã mua được với giá thành thấp hơn đáng kể do vị trí của nước này trong Liên minh Nga và Belarus, mức giá có thể tương tự như giá mà Bộ Quốc phòng Nga mua.

Belarus sẵn sàng đưa tiểu đoàn S-400 thứ 2 đối phó F-35 lượn lờ ở biên giới - Ảnh 2.

Hệ thống S-300PS.


Belarus phải phụ thuộc nhiều vào các thiết bị và vũ khí thời Liên Xô do ngân sách rất hạn chế cho việc mua mới. Điều này cũng đã gây ra nhiều lo ngại cho khả năng phòng không của đất nước khi ngày càng tụt hậu so với công nghệ của phương Tây.

Vấn đề được giải quyết một phần bằng việc Belarus đưa vào biên chế những chiếc máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30SM từ năm 2018. Bên cạnh đó, sự xuất hiện của S-400 với chi phí vận hành và bảo dưỡng thấp hơn nhiều so với mua chiến đấu cơ mới, đã cho Belarus một lựa chọn hoàn hảo để tăng cường khả năng phòng không.

Lợi ích của S-400 ở Belarus

Khả năng chống lại máy bay tàng hình của S-400 được giới quan sát quân sự đánh giá cao, đặc biệt là trong điều kiện các thành viên NATO tiếp tục mở rộng triển khai máy bay chiến đấu F-35 tới Đông Âu.

Đáng chú ý nhất là Ba Lan chuẩn bị đưa F-35 vào hoạt động từ cuối thập kỷ này và đang tìm cách đạt được khả năng tấn công hạt nhân cho những chiếc máy bay này, như một phần của thỏa thuận chia sẻ hạt nhân với Mỹ.

S-400 có khả năng nhắm mục tiêu đối với máy bay tàng hình, bằng cách sử dụng nhiều radar hoạt động trong các dải sóng bổ sung và từ các vị trí khác nhau để cung cấp hình ảnh chiến trường chi tiết hơn nhiều so với các hệ thống phòng không khác.

Các đơn đặt hàng S-400 của Belarus cũng đi kèm với việc mua lại các hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M. Hệ thống này cũng đã bù đắp cho những hạn chế của lực lượng không quân chiến đấu Belarus, bằng cách cung cấp khả năng tấn công mặt đất rất hiệu quả.

Belarus sẵn sàng đưa tiểu đoàn S-400 thứ 2 đối phó F-35 lượn lờ ở biên giới - Ảnh 4.

Tên lửa đạn đạo Iskander-M.


Hai hệ thống này đã được mua sau các cuộc bạo loạn và biểu tình lớn ở thủ đô Belarus vào năm 2020, cả Minsk và Moskva đều cáo buộc là do các quốc gia phương Tây tổ chức nhằm lật đổ nhà nước Belarus và đưa một chính phủ liên kết với NATO lên nắm quyền.

Đối mặt với các biện pháp trừng phạt kinh tế leo thang từ phương Tây và việc triển khai ngày càng nhiều lực lượng NATO ở biên giới của mình, Belarus sau đó đã chuyển sang tăng cường quan hệ an ninh với Nga mà đỉnh cao là thỏa thuận chia sẻ hạt nhân đã ký vào tháng 5 vừa qua.

Điều này mở đường cho việc triển khai vũ khí hạt nhân của Nga tới lãnh thổ Belarus và những vũ khí hạt nhân này có thể được mang bởi hệ thống tên lửa Iskander mới mua của Belarus.

S-400 được triển khai tại Belarus dự kiến ​​sẽ có thể chia sẻ dữ liệu từ các cảm biến của chúng với quân đội Nga, với phạm vi phát hiện lên tới 600 km đối với các loại máy bay lớn, giúp quan sát và theo dõi sâu hơn vào lãnh thổ NATO từ phía Belarus.

Khả năng Belarus triển khai hệ thống S-500 tầm xa mới cũng đã được các quan chức Belarus nêu ra, bởi vị trí thuận lợi của đất nước này sẽ rất có lợi cho an ninh của Nga. Cùng với Belarus, đối tác an ninh quan trọng khác của Nga là Serbia vào cuối những năm 2010 cũng đã xem xét mua S-400, tuy nhiên thỏa thuận đã bị phương Tây can thiệp và không đạt được kết quả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại