"Chúng tôi phát triển dự án tên lửa chống tăng mới cách đây không lâu và đó là kết quả đạt được. Quá trình sản xuất đạn tên lửa mới sẽ được thực hiện ngay khi quy trình kỹ thuật được hoàn thiện", lãnh đạo Belspetsvneshtechnika, ông Andrey Anisimov cho biết về tổ hợp Bogomol.
Theo ông Andrey Anisimov, tổ hợp tên lửa Bogomol được phát triển từ con số không và không dựa trên công nghệ tên lửa chống tăng nào trước đây. Tổ hợp tên lửa Bogomol sử dụng phương thức dẫn đường hỗn hợp giữa chỉ thị bằng sóng radio và dây dẫn giúp tăng khả năng kháng nhiễu và tỷ lệ đánh trúng mục tiêu.
Tổ hợp tên lửa chống tăng Bogomol.
Ông A. Anisimov cho biết, tên lửa Bogomol đáp ứng được khả năng tác chiến trong mọi điều kiện thời gian, thời tiết. Tổ hợp tên lửa Bogomol có thể tích hợp lên xe tăng, bọc thép theo khối mô-đun nặng khoảng 1.850kg. Thiết kế của tên lửa Bogomol giúp nó phù hợp để trang bị trên nhiều nền tảng cơ giới khác nhau", ông A. Anisimov khẳng định.
Điểm đặc biệt của tổ hợp tên lửa Bogomol là bệ phóng được đặt riêng biệt trên một khung cơ động tự hành để đảm bảo an toàn cho kíp xạ thủ. Bệ phóng này có thể liên kết không dây với trung tâm điều khiển ở khoảng cách 300m.
Ngay sau khi khai hỏa, bệ phóng có thể tự cơ động tới vị trí mới để tránh nguy cơ bị phản pháo. Đạn tên lửa tổ hợp Bogomol được thiết kế để tiêu diệt các dòng xe chiến đấu, xe tăng hiện đại và thậm chí là các phương tiện bay cơ động chậm trên không. Thông số chiến đấu cụ thể của tổ hợp tên lửa Bogomol hiện chưa được công bố.