Bệnh nhi là bé G.B. (12 tháng, ngụ H.Hóc Môn, Tp.HCM) phải đối diện với lời châm chọc “gương mặt quỷ” vì khối u không ngừng lớn và làm biến dạng nửa mặt trái.
Theo lời kể của gia đình, vào khoảng giữa năm 2018, bé bị đau nhức sưng phần má trái. Gia đình đưa bé đi khám các nơi, nơi nào cũng nói là bị sưng nướu răng và cho thuốc về uống. Sau một vài ngày, bệnh không thuyên giảm mà bé thường xuyên kêu đau, xuất hiện khối u nhỏ ở bên má.
Lo lắng, gia đình đưa bé đến 1 Bệnh viện ở trung tâm Sài Gòn, các bác sĩ cho cháu làm chọc hút sinh thiết, uống thuốc hỗ trợ và theo dõi suốt gần nửa năm vẫn không có kết quả khả quan. Nhìn con hàng ngày vật vã, đau đớn vì khối u cứ lớn dần trong khi cơ thể ngày càng ốm yếu, xanh xao, chị T. - mẹ bé đau khổ tột cùng.
Bé B trước khi mổ với khối u khủng. Ảnh BSCC.
Vừa qua Tết 2019, khi bướu đã to bằng quả bưởi, gia đình đưa bé vào nhập viện Bệnh Viện Nhi Đồng Thành Phố tiếp tục theo dõi và điều trị.
Theo BSCK1. Nguyễn Cát Phương Vũ, Bệnh viện Nhi đồng Thành Phố'; Bé B. đã được khẩn trương chụp X-Quang, chụp CTScan, xét nghiệm tầm soát. Với khối u có kích thước quá lớn (16 x 16 x 10 cm), giới hạn rõ và phát triển nhanh không ngừng trong vòng 6 tháng kể từ khi phát hiện.
Nên ngay lập tức các bác sĩ đã hội chẩn liên khoa,và quyết định phẫu thuật cắt u cho bé vì không thể để lâu hơn khi khối bướu đang có dấu hiệu phát triển to lên rất nhanh, nhanh hơn sự phát triển vòng đầu của bé.
Hơn nữa, bướu cần được sinh thiết giải phẫu bệnh loại trừ nguyên nhân ác tính, nếu đợi bé lớn hơn một chút mới phẫu thuật thì tiên lượng xấu rất cao.
Điều lo lắng nữa là bướu má lan đến vùng hàm mặt, chèn ép cổ nơi có nhiều mạch máu lớn và hệ thống đám rối thần kinh cực kỳ phức tạp. Nếu không kiểm soát tốt, có thể dẫn đến liệt mặt và cả cánh tay, hay thậm chí chèn ép đường thở.
Bé B sau phẫu thuật .
Ca mổ thành công sau hơn sáu giờ phẫu thuật đầy phức tạp. Bé đã được phẫu thuật cắt trọn u, u còn nguyên vỏ bao, gửi u làm xét nghiệm giải phẫu bệnh, tạo hình thẩm mỹ tái tạo vùng da cổ và nếp má, dưới bàn tay khéo léo từ TS.BS Trương Đình Khải, BS Châu Nguyễn Tuyết Vân và ekip ngoại tiêu hoá và ung bướu nhi tại bện viện.
Đến nay, sức khoẻ bé đã được ổn định, bé được xuất viện với gương mặt lành lặn và được dặn dò tái khám để theo dõi sự phát triển của u cho những liệu trình điều trị sắp tới.
Khuôn mặt xinh xắn sau hơn 6 tháng gia đình rong ruổi tìm nơi chữa trị.
Theo BS Nguyễn Thị Cẩm Xuyên, khoa Ngoại tổng hợp, các loại u bướu hình thành và phát triển trong giai đoạn trẻ đang lớn, phát triển không đồng đều và triệu chứng lại mơ hồ khó đoán.
Thêm vào đó, các khối u hiếm khi xuất hiện ở các bé dưới 15 tuổi nên khi bé bị sưng đau một bên má, hàm hay các cơ quan đối xứng như vú, tinh hoàn, tai, mắt..., các BS có thể nhầm với phát triển bình thường hoặc nghĩ do nhiễm trùng áp xe.
Với trẻ, tiến triển của bệnh ung thư khá phức tạp do khối u thay đổi dựa theo tốc độ phát triển của bé. Ngoài việc thẩm định tình trạng thể chất, trẻ còn cần được làm xét nghiệm nước tiểu và xét nghiệm máu, chụp CT hoặc chụp X-quang, lấy mô khối u để khám nghiệm bằng kính hiển vi (chẩn đoán bệnh lý học).
Khi phát hiện bệnh, nếu u bướu lớn nhanh, gây đau, biến dạng thì phải đến ngay các cơ sở chuyên khoa để được bác sĩ đánh giá và xử lý chính xác, để kịp thời đánh giá, xét nghiệm sinh thiết hoặc cắt bỏ u. Quá trình mổ bác sĩ phải rất cẩn thận không làm mất đi mô lành tính, nếu không bé sẽ bị biến dạng và tổn hại các cơ quan lân cận và hệ thống thần kinh liên quan. BS Xuyên khuyến cáo.