Ảnh minh họa
Tờ Sina mới đây đưa tin bệnh viện Nhân dân châu Văn Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc tiếp nhận một bé trai 3 tuổi bị chảy máu cam không ngừng. Bé nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Bác sĩ chia sẻ, 2 bên khoang mũi của bé bị viêm nhiễm, có vật thể lạ bên trong.
Sau khi trao đổi với người nhà, bà nội của bé cho biết khi thấy cháu chảy máu cam, bà làm theo phương pháp dân gian là bọc một nhúm tóc vào tờ giấy rồi nhét vào mũi cháu để cầm máu. Cách làm này không những không hiệu quả mà còn khiến bé trai gặp nguy hiểm đến tính mạng.
Các bác sĩ lập tức tiến hành phẫu thuật, lấy ra gói tóc từ khoang mũi bé, sau đó áp dụng phương pháp cầm máu.
Nguồn ảnh: Sina.
Chảy máu cam là tình trạng phổ biến ở trẻ em trong độ tuổi từ 3 đến 10 tuổi. Trong thời tiết giao mùa, hanh khô, độ ẩm lên xuống thất thường khiến hiện tượng này diễn ra thường xuyên hơn. Thông thường, chảy máu cam không phải là triệu chứng nguy hiểm, thế nhưng nếu xử lý không đúng cách, cha mẹ vẫn khiến bé gặp nguy hiểm.
Tại sao trẻ lại bị chảy máu cam?
Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) cho biết, nguyên nhân của chảy máu cam có thể đến từ một loạt các yếu tố. Cảm lạnh và dị ứng có thể kích hoạt kích ứng, gây sưng bên trong mũi trẻ. Chảy máu cam cũng có thể xảy ra khi bé ngoáy mũi quá mạnh, khi nghịch ngợm nhét vật lạ vào mũi hoặc hắt hơi quá mạnh. Khí hậu khô hoặc không khí nóng trong nhà cũng có thể làm khô màng mũi trẻ em và khiến lớp vỏ bị chảy máu khi bị trầy xước hoặc bị bong ra.
Các nguyên nhân khác gây chảy máu cam có thể bao gồm các cấu trúc bất thường bẩm sinh, sự phát triển mô bên trong mũi, hoặc các bệnh mãn tính cũng có thể ảnh hưởng đến niêm mạc mũi.
4 bước xử lý đúng khi con bị chảy máu cam
1. Bình tĩnh, không hoảng hốt
Khi thấy con chảy máu mũi, phụ huynh thường rất hốt hoảng, lúng túng trong việc xử trí. Điều này cũng khiến trẻ cảm thấy lo lắng, sợ hãi theo. Chảy máu cam sẽ dừng lại sau vài phút nếu con bạn không bị thương nặng. Do đó, thay vì "tá hỏa" lên khiến bé hoảng sợ theo, các cha mẹ hãy giữ bình tĩnh, kiểm tra và đưa ra cách xử lý phù hợp.
2. Đặt con vào đúng tư thế
Các chuyên gia không khuyến khích việc trẻ bị chảy máu cam nằm ngửa hoặc ngả người ra sau vì làm thế sẽ chỉ khiến máu chảy xuống cổ họng, sau đó sẽ khiến trẻ nôn mửa. Tư thế đúng có nghĩa là cho con bạn ngồi hoặc đứng và hơi nghiêng về phía trước.
3. Tạo áp lực lên phần mềm của cánh mũi
Giữ cánh mũi trong vòng 10 phút bằng khăn giấy, khăn sạch hoặc hai ngón tay. Cần đảm bảo tạo áp lực trong một khoảng thời gian cụ thể, vì việc dừng quá sớm có thể khiến chảy máu tiếp tục.
Sau 10 phút, nếu ngưng chảy máu hãy dừng lại. Tuy nhiên, nếu chảy máu kéo dài, đã đến lúc cần gọi bác sĩ hoặc đưa con đến bệnh viện.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng nên tránh nhét các vật như khăn giấy hoặc gạc vào mũi con. Những vật thể đó không có tác dụng cầm máu mà có khi còn dính vào cục máu đông của con bạn và khiến vết thương hở miệng tiếp khi nhấc ra.
4. Để con được nghỉ ngơi
Sau khi trẻ chảy máu cam, cha mẹ nên dặn con nghỉ ngơi thay vì chạy nhảy hoặc tham gia vận động mạnh. Ngoài ra, tránh thổi, ngoáy hoặc xoa mũi trong một thời gian ngắn.
Phòng ngừa chảy máu cam như thế nào?
- Cắt móng tay cho con
Trẻ nhỏ hay thích ngoáy mũi nên một cách để ngăn con bạn vô tình tự làm mình bị thương là cắt ngắn móng tay ngắn.
Cắt ngắn móng tay để trẻ không làm tổn thương mũi (Ảnh minh họa).
- Tham khảo bác sĩ về thuốc dự phòng
Nước muối dạng nhỏ hoặc dạng xịt cũng có thể hữu ích trong việc ngăn ngừa vách mũi bị khô, đặc biệt khi không khí trong nhà khô. Nhưng trước khi bạn mua thuốc xịt mũi, đặc biệt là thuốc, hãy đảm bảo tham khảo ý kiến bác sĩ nhi khoa trước.
Khi nào bố mẹ cần đưa con đến bác sĩ?
Chảy máu cam không phải là tình trạng quá nguy hiểm nhưng nếu con bạn thường xuyên bị chảy máu cam thì nên cho bé đi khám. Bên cạnh đó, trẻ có 4 biểu hiện này thì cha mẹ cũng nên đưa con đi bác sĩ.
1. Mất nhiều máu khi chảy máu cam
2. Nếu máu chảy từ miệng của con, bé ho hoặc nôn ra máu hoặc chất lỏng màu nâu trông giống như bã cà phê.
3. Trông bé có vẻ ra mồ hôi hoặc xanh xao bất thường hoặc bé không hề phản ứng.
4. Chảy máu cam với tần suất thường xuyên.
Nguồn: Sina, Tổng hợp