Bé thay răng, chờ lung lay tự nhổ hay đến nha sĩ?

Anh Thư thực hiện |

Con gái tôi đang thay răng. Răng cửa hàm dưới tôi đã tự nhổ cho cháu khi răng sữa lung lay nhưng hàm trên thì răng vĩnh viễn đã mọc, răng sữa vẫn còn nguyên. Tôi có nên chủ động đưa cháu đi nhổ?

Bạn đọc Trần Văn Huy (nam, 43 tuổi, quận 4, TP HCM), hỏi: Con gái tôi 7 tuổi và hiện đã mọc được 6 chiếc răng cửa.

Lúc thay 4 chiếc ở hàm dưới thì rất êm xuôi, răng sữa cháu lung lay, sau đó tôi buộc cọng chỉ giật nhẹ thì răng cũ rơi ra và răng mới mọc lên rất đều.

Thế nhưng hàm trên thì 2 chiếc răng cửa mới lại mọc phía bên trong răng sữa và 2 chiếc răng sữa mãi không chịu lung lay.

Anh trai tôi, cũng có con nhỏ hơn tôi vài tuổi khuyên rằng nên đưa cháu đi nhổ răng sữa đi kẻo răng mới sẽ mọc lệch, vả lại tự nhổ thì dễ nhiễm trùng, không an toàn.

Vợ tôi thì cho rằng ngày xưa ai thay răng chẳng chờ răng lung lay rồi tự giật ra, sao phải đi nhổ, bé sẽ đau đớn… Tôi đang rất phân vân, xin bác sĩ cho lời khuyên.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP HCM), trả lời:

Chào bạn, việc có thể tự nhổ răng sữa hay không còn tùy vào cách từng bé thay răng. Có khi răng mới mọc đúng ngay bên dưới răng sữa và làm răng này lung lay, có thể tự nhổ ra được.

Nhưng cũng có khi răng vĩnh viễn mọc ở vị trí khác, ví dụ như lệch vào phía trong như con gái bạn nên răng sữa vẫn vững chắc. Lúc này thì không thể chờ cho răng sữa tự lung lay, rơi ra nữa.

Việc bạn cần làm bây giờ là sớm đưa bé đến nha sĩ để nhổ bỏ 2 chiếc răng sữa hàm trên, để răng mới có thể mọc đúng vị trí và thẳng hàng.

Để lâu răng sẽ mọc lệch đúng như lo ngại của anh trai bạn. Việc điều chỉnh sau này sẽ phức tạp, tốn kém, mất nhiều thời gian và chắc chắn là không dễ chịu với bé. Chưa kể hàm răng xô lệch sẽ làm cháu bé thiếu tự tin, ngại ngùng khi cười.

Với những chiếc răng sữa được răng vĩnh viễn đội lên, bị lung lay, bạn có thể đưa cháu đến nha sĩ để lấy ra hoặc tự nhổ ở nhà đều được, miễn là bảo đảm vệ sinh.

Đầu tiên bạn nên rửa sạch và sát trùng tay mình bằng cồn y tế. Sau đó, dùng nước muối loại để nhỏ mắt, mũi, thấm lên một miếng bông gòn y tế và nhẹ nhàng dùng bông này cầm lấy chiếc răng lung lay, nhổ ra cho bé.

Chuẩn bị một miếng bông gòn thấm nước muối khác để bé cắn chặt vào vị trí răng vừa nhổ khoảng 5-10 phút. Ngoài tính năng sát trùng, nước muối còn giúp mau cầm máu.

Những bữa ăn đầu tiên sau khi nhổ răng, nên cho bé ăn thức ăn mềm như cháo hay cơm có chan canh, dặn bé nhai bên không có răng bị nhổ. Chú ý vệ sinh răng miệng để không làm nhiễm trùng vết thương.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại