Trong lúc đang chơi cùng bạn, bé gái 11 tuổi (ở tỉnh Phú Thọ) bất ngờ bị một con chó to (giống chó lai) của nhà hàng xóm lao ra cắn tới tấp vào vùng sau đầu, tai, lưng, vai gây nhiều vết thương nghiêm trọng. Đặc biệt, vết thương lớn vùng sau đầu, gáy do chó cắn có kích thước hơn 20 cm chảy nhiều máu.
Sau khi bị chó cắn, bé được gia đình đưa đến trung tâm y tế huyện gần đó để vệ sinh, khâu vết thương phần mềm vùng đầu, giảm đau và đặt dẫn lưu tránh máu tụ vùng đầu. Bệnh nhân được chỉ định chụp CT để đánh giá mức độ tổn thương vùng đầu và tiêm huyết thanh kháng dại.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận nhiều trường hợp bị chó cắn dẫn đến bị thương hoặc thậm chí tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo nếu trẻ không may bị chó cắn, phụ huynh cần bình tĩnh rửa vết thương bằng nước sạch hoặc nước xà phòng, nước muối sinh lý để loại bỏ tối đa vết bẩn và vi khuẩn còn bám trên bề mặt vết thương. Sau đó, dùng gạc sạch đắp che vết thương rồi đưa ngay trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu và tiêm chủng kịp thời.
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), 2 tháng đầu năm 2024 đã ghi nhận hơn 143.000 người đi tiêm phòng dại. Trước đó, từ năm 2019-2023, trung bình ghi nhận từ hơn 387.000 - 674.000 trường hợp điều trị dự phòng bệnh dại.
Thống kê đến đầu tháng 5 tại 17 tỉnh, thành phố đã ghi nhận 29 ca tử vong do bệnh dại từ đầu năm 2024 cho đến nay, tăng gấp 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Tại khu vực miền Nam và Tây Nguyên gia tăng ca bệnh dại liên tiếp trong những năm gần đây. Tỉ lệ trẻ em dưới 15 tuổi bị bệnh dại chiếm 34%.