Theo lời kể của người nhà bệnh nhi bé xỏ khuyên tai bên trái, khoảng 1 tuần sau thì có biểu hiện sưng đau vành tai, sưng đau tăng dần nên đã tự mua kháng sinh uống. Sau 1 tuần tự điều trị tại nhà, tuy đau có giảm nhưng tình trạng sưng vẫn còn và kèm theo mủ.
Thấy tình trạng tai nhiều mủ gia đình đã đưa bé tới bệnh viện để khám. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán: bệnh nhi bị áp xe tai ngoài trái, theo dõi viêm sụn vành tai trái. Các bác sĩ đã điều trị kháng sinh kết hợp giảm đau, sau đó rạch áp xe mặt trước vành tai, lấy ra nhiều dịch mủ xanh đục kèm máu.
Sau 2 tuần điều trị, toàn trạng bệnh nhi tốt, da vành tai không đỏ, ấn không đau, còn sưng mô ít, vành tai bên tổn thương có biểu hiện biến dạng co rúm nhẹ so với bên lành.
Theo các bác sĩ, đây là trường hợp điển hình của nhiễm trùng do xỏ khuyên tai. Hậu quả nặng nhất của trường hợp này gây viêm sụn vành tai dẫn tới biến chứng tiêu sụn vành tai, ảnh hưởng tới thẩm mỹ và quá trình tái tạo vành tai. Vì vậy, bệnh nhi được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 1 TP. HCM để được khám và điều trị tiếp.
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS. Phạm Thị Việt Dung –Giảng viên Bộ môn tạo hình Đại học Y Hà Nội, BS Khoa Phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ bệnh viện Xanh-Pôn cho biết, các bác sĩ thường xuyên tiếp nhận và điều trị cho bệnh nhân trẻ tuổi bị biến chứng viêm tấy, chảy dịch, tụ dịch, do xỏ lỗ tai ở trên vành tai.
BS. Dung cho biết, những biến chứng này thường gặp khi xỏ lỗ tai ở trên vành tai, hiếm khi gặp khi xuyên lỗ trên vị trí dái tai. Vì vậy, bạn trẻ nào thích xỏ khuyên ỏ trên vành tai cần thận trọng không sẽ gặp phải biến chứng thường gặp này.
Các bạn trẻ ngày nay rất thích đeo khuyên trên nhiều vị trí của vành tai. Theo BS Dung, sở thích là xỏ khuyên trên vành tai nhưng nên cẩn thận vì khi xuyên lỗ ở những vị trí này bao giờ cũng phải xuyên qua sụn vành tai - một cấu trúc dễ viêm mạn tính và dần trở thành sẹo lồi (không lành như xuyên lỗ ở giữa dái tai trước đây).
“Hơn nữa điều trị sẹo lồi ở vành tai không hề đơn giản. Do tổn thương liên quan đến sụn vành tai và da bám dính sụn nên khi bị sẹo lồi phát triển, xâm lấn... làm thành những khuyết da nơi cắt sẹo lồi rất khó khâu đóng. Đây là một trong những nguyên nhân làm cho sẹo lồi vành tai dễ tái phát trở lại’, BS Dung nói.
Qua đây, các bác sĩ khuyến cáo phụ huynh lưu ý khi xỏ khuyên tai cho trẻ; nếu có những bất thường như: sưng, nóng, đỏ, đau thì phải đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và xử trí kịp thời.
Theo các bác sĩ sau khi bấm lỗ tai có sẹo lồi hay không thường do cơ địa mỗi người. Nếu các vết thương xâm lấn được chống nhiễm trùng thì quá trình lành vết thương sẽ tốt hơn, hạn chế được sẹo lồi, nhưng ở những nơi vệ sinh kém khiến cho sẹo lồi to hơn, khó xử lý hơn. Nếu đeo khuyên làm bằng chất liệu không an toàn còn dễ bị dị ứng, làm tình trạng sẹo tệ hơn. Nguy hiểm hơn nữa là các em có thể bị viêm sụn vành tai.
Nếu phát hiện và điều trị sớm sẽ có kết quả tốt. Nhưng nhiều người chủ quan để viêm đến mức hoại tử sụn, biến dạng vành tai… mới vào viện, thì việc điều trị phục hồi rất khó lấy lại hình dáng vành tai như cũ.
Sẹo lồi ít gây nguy hiểm đến tính mạng, nhưng vết thương có thể gây hoại tử, viêm sụn, co rút, biến dạng lỗ tai gây mất thẩm mỹ, khiến nạn nhân mất tự tin.
Việc bấm lỗ tai ở bệnh viện, cơ sở y tế các nhân viên y tế có những hướng dẫn cụ thể để chăm sóc vết thương sau khi xỏ lỗ, tránh biến chứng.
Những ngày đầu sau xỏ lỗ, tai ngứa, hoặc sưng nhẹ ở chỗ xỏ thì không được xoa gãi, không dùng kem đánh răng, dầu gió… bôi vào vết thương vì rất dễ bị nhiễm trùng.
Hàng ngày dùng nước muối sinh lý rửa vết thương, dùng bông sạch lau khô là vết thương dần tự lành. Không vội đeo khuyên tai khi vết xỏ chưa lành hẳn vì dễ nhiễm trùng.
Nếu sau khi xỏ, hoặc bấm lỗ tai mà thấy sưng tấy vùng xỏ, mưng mủ, đau nhức, chảy máu kéo dài, dịch tiết có mùi hôi, nóng sốt… là đã bị nhiễm trùng. Lúc này nên đến các cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị. Ở mức nhẹ bác sĩ sẽ chỉ định uống thuốc kháng sinh. Trường hợp nặng phải có sự can thiệp của bác sĩ.