Trẻ tử vong vì cách sưởi ấm sai lầm của người lớn
Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh vừa tiếp nhận một em bé 4 ngày tuổi ở xã Hồng Lộc, huyện Lộc Hà trong tình trạng bị ngạt khí CO do dùng lò than củi để sưởi.
Theo người nhà, sau khi sinh được 2 ngày, cháu được gia đình đón về nhà. Lúc đó, cháu vẫn bú bình thường thường. Do trời lạnh, gia đình đã sưởi ấm cho cháu bằng than củi.
Sau 2 ngày sưởi ấm, cháu có biểu hiện li bì, bỏ bú, khó thở và được người nhà đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cấp cứu.
Tại đây, sau khi thăm khám, các bác sỹ cho biết cháu bị suy hô hấp nặng và đã được cấp cứu tích cực và cho thở máy. Tuy nhiên, vì bệnh tình quá nặng, cháu bé đã tử vong sau 5 giờ điều trị.
Thói quen cho trẻ nằm than củi để sưởi ấm khiến nhiều bé tử vong. Ảnh minh họa.
Đây không phải là trường hợp trẻ em đầu tiên tử vong vì ngộ độc khí than. Thời gian vừa qua đã từng có nhiều bé rơi vào trạng thái nguy kịch do ngộ độc khí CO.
Đầu năm 2016, một bé gái 18 tháng tuổi ở Nghệ An cũng tử vong do người nhà dùng than củi để sưởi ấm. 4 thành viên khác trong gia đình này bị khó thở, sùi bọt mép, lơ mơ và rối loạn ý thức.
Trước đó, tại Thanh Hóa, một gia đình cũng sưởi ấm bằng than trong nhà và đóng kín cửa. Hậu quả, 3 người bị chết ngạt, 2 người nguy kịch và phải cấp cứu tại bệnh viện vì ngộ độc do khói, khí than không thoát được ra ngoài.
Theo thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên – Trung tâm chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, cứ đến mùa đông là số lượng bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc khí CO do nằm than, do để bếp than để sưởi ấm tăng cao.
Năm nay, mùa đông không lạnh nên các ca ngộ độc này giảm nhưng nguy cơ vẫn rình rập mọi nơi, mọi lúc.
Bác sĩ Nguyên cho biết mùa đông nguy cơ ngộ độc CO càng cao.
Bác sĩ cảnh báo về "cái chết êm dịu"
Bác sĩ Nguyên cho biết, khí CO là chất khí không màu, không mùi và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh.
Do vậy, mọi người rất khó phát hiện mình bị ngộ độc. Khi phát hiện mình bị nhiễm độc thì họ không còn khả năng gọi cấp cứu nữa. Chính vì thế, người ta hay gọi đó là "cái chết êm dịu".
PGS.TS Trần Hồng Côn – giảng viên khoa hóa học, ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết ở rất nhiều địa phương, người dân còn giữ thói quen nằm than, nhất là dành cho phụ nữ sau sinh.
Họ thường dùng để sưởi ấm, chống cảm lạnh nên hay đặt chậu than ở dưới gầm giường hoặc bên cạnh gường trong phòng kín.
Điều này rất nguy hiểm. PGS Côn cho biết khi bị đốt trong phòng kín khí, oxy sẽ tiêu hao dần, trong khi khí CO độc hại hoặc khí CO2 sẽ ngày càng tăng.
Đến một giai đoạn nào đó, phản ứng đốt cháy trong điều kiện thiếu khí oxy sẽ hình thành khí CO ngày càng nhiều. Hai tác động đồng thời này là nguy cơ khiến những người trong phòng kín nhanh chóng rơi vào "cái chết êm dịu",
Các triệu chứng nhiễm độc CO theo mức độ nặng, nhẹ phụ thuộc vào nồng độ CO trong không khí, thời gian tiếp xúc và đặc điểm mẫn cảm của từng cá thể. Triệu chứng điển hình là các biểu hiện tổn thương thần kinh trung ương.
Ở thể nhẹ: Bệnh nhân cảm thấy nặng đầu, đau nhói hai bên thái dương và vùng trán, choáng váng, ù tai, hoa mắt, xa xẩm mày mặt, run chân tay, đau thắt ngực, mệt, buồn nôn, nôn. Da và niêm mạc của bệnh nhân hồng hào. Nhịp tim, mạch nhanh, thở nhanh và rối loạn.
Khi đó, bạn chỉ cần chuyển người bị ngộ độc ra khỏi khu vực ô nhiễm CO, được thở trong không khí giàu oxy, các biểu hiện bệnh thuyên giảm dần, bệnh nhân có thể khỏe mạnh trở lại sau 1-2 ngày.
Ở thể nặng: Các triệu chứng nhiễm độc có thể kéo dài vài ngày, bệnh nhân thờ ơ, vô cảm, dần chuyển sang mê sảng, suy giảm, mất trí nhớ, co giật cơ, ngất, đồng tử giãn, phản xạ yếu với ánh sáng, giảm phản xạ cơ-gân và cứng gáy.
Nạn nhân thở nông, nhanh, mạch nhanh, yếu, giảm trương lực cơ, đặc biệt là chi dưới, bệnh nhân không đứng được, hai chân run, co giật, chuyển sang liệt không đi được.
Nếu bệnh nhân mê sảng lâu (trên 48 giờ), tiên lượng xấu, thậm chí là tử vong.