Bại não vì vàng da
GS Nguyễn Thanh Liêm – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương chia sẻ câu chuyện của cháu bé bị bại não di chứng từ vàng da sơ sinh.
GS Liêm cho biết trong chuyến công tác của ông vào Quảng Trị, ông đã gặp gia đình cháu bé hơn 3 tuổi bị bại não. Gia đình đã đưa bé từ Quảng Bình vượt hơn 100 cây số đến để nhờ khám và tư vấn.
Trường hợp của bé khá đau xót khi bé bị vàng da giai đoạn sơ sinh nhưng do phát hiện và xử trí muộn nên để lại di chứng bại não do một chất độc (Bilirubin) đã ngấm vào nhu mô não. Bé hơn 3 tuổi nhưng chỉ nặng 9kg, chưa biết lật lẫy, thỉnh thoảng lại lên các cơn gồng cứng các cơ.
Vàng da trẻ sơ sinh nhiều trường hợp là bệnh nguy hiểm
GS Liêm cho biết để tránh di chứng bại não nặng nề, phụ huynh khi thấy con bị vàng da cần cho bé đến ngay các cơ sở có uy tín để được can thiệp kịp thời. Cán bộ y tế cũng cần hết sức lưu ý vì đã có không ít trường hợp các bé bị vàng da nhân não do khi đi khám đã được chẩn đoán là vàng da sinh lí và được khuyên chỉ cần theo dõi.
Theo PGS TS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, vàng da là hiện tượng da trẻ có màu vàng, xảy ra khi bilirubin chất gây vàng da tăng cao trong máu. Bệnh thường gặp ở trẻ em non tháng chiếm khoảng 80 %, nhưng cũng có thể gặp ở trẻ đủ tháng chiếm khoảng 60 %.
Hầu hết vàng da là do sinh lý do cơ thể trẻ chưa trưởng thành. Tuy nhiên một số trường hợp vàng da là bệnh lý. Nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn tới bại não, chậm phát triển tâm thần, vận động thậm chí tử vong.
Nhận biết dấu hiệu vàng da nguy hiểm
Khi trẻ sinh ra khoảng 1, 2 ngày đã vàng da có thể do nặng trường hợp này do tán huyết bất đồng nhóm máu mẹ và con, bệnh lý màng hồng cầu, nhiễm trung bào thai.
Vàng da từ 3 đến 10 ngày hay gặp nhất là thường do nhiễm trùng, đa hồng cầu, bướu huyết thanh, ổ tụ máu, chậm tiêu phân su, teo tắc ruột, sinh lý.
Vàng da muộn tường xảy ra sau 14 ngày thường do các nguyên nhân vàng da do sữa mẹ, bệnh lý gan mật, bệnh chuyển hóa.
Trường hợp cháu bé ở Quảng Trị bị bại não do vàng da sơ sinh
Bình thường trẻ sẽ vàng da từ mặt đến ngực, bụng, đùi và nặng nhất là vàng da đến lòng bàn tay bàn chân. Ngoài ra, mắt của trẻ cũng có thể chuyển sang màu vàng.
Tại cơ sở y tế, trẻ sẽ được đo độ vàng da bằng đèn đo bilirubin qua da hoặc lấy máu để làm xét nghiệm chẩn đoán mức độ và tìm nguyên nhân.
Điều đặc biệt, bác sĩ Dũng cho biết vàng da sinh lý chuyển sang vàng da bệnh lý rất mong manh và thường khó nhận diện do nhiều trẻ không có các dấu hiệu chỉ điểm. Chỉ đến khi trẻ bị kích thích, vật vã hoặc li bì, bỏ bú thì đã ở giai đoạn nặng. Lúc này, dù có điều trị được thì cũng sẽ để lại những di chứng rất nặng nề.
PGS.TS Tiến Dũng nhấn mạnh: trẻ bị vàng da sơ sinh bệnh lý nếu không được điều trị kịp thời, chỉ trong 7 ngày đầu đời, chất bilirubin sẽ qua hàng rào máu não gây hội chứng vàng da nhân não, để lại nhiều di chứng về thần kinh hết sức trầm trọng mà không thể phục hồi như như điếc, bại não, chậm phát triển…
Chính vì vậy, bác sĩ Dũng nhấn mạnh cha mẹ cần theo dõi trẻ thật kỹ dặc biệt là 7 ngày đầu đời.
Nên quan sát màu da trẻ dưới ánh sáng tự nhiên, không soi dưới đen neon, đèn điện.
Có thể dùng ngón tay trỏ ấn nhẹ từ trên mặt da giữ vài giây sau đó quan sát độ vàng của da ở vùng da vừa mới ấn nhẹ ngón tay xuống.
Nếu trẻ vàng da từ trán xuống ngực thì không cần cho trẻ đi khám, chỉ cần theo dõi ở nhà. Nếu thấy trẻ vàng da đến bụng hoặc đến đùi, cẳng chân thì cần phải đưa trẻ đến cơ sở khoa Nhi có khoa sơ sinh để khám ngay.
Bác sĩ sẽ định lượng bilirubin/máu. Thời gian vàng để điều trị hiệu quả cho trẻ mắc bệnh vàng da chỉ trong 7 ngày đầu sau sinh bằng biện pháp chiếu đèn hoặc phối hợp truyền dịch thậm trí trường hợp nặng sẽ có các biện pháp điều trị tối tân hơn.
Các bậc phụ huynh cần nhớ màu da của trẻ cần được quan sát tốt nhất là dưới ánh sáng tự nhiên. Trẻ nhỏ không nên nằm phòng tối quá cần quan sát màu da của trẻ mỗi ngày dưới ánh nắng mặt trời để phát hiện và theo dõi diễn tiến của bệnh.