Bé 14 tuổi nguy kịch vì vết xước: Cảnh báo bệnh từ vi khuẩn nguy hiểm

Khánh Chi |

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh đang cấp cứu cho 1 bệnh nhi 14 tuổi nguy kịch và nghi ngờ do vi khuẩn tụ cầu vàng.

Bé 14 tuổi nguy kịch vì vết xước: Cảnh báo bệnh từ vi khuẩn nguy hiểm - Ảnh 1.

Bệnh nhân cấp cứu tại BV Nhi đồng thành phố Hồ Chí Minh

Nguy kịch vì vết thương nhỏ

Thời gian qua, thông tin về các trường hợp cấp cứu, tử vong do vi khuẩn Whitmore nguy hiểm xuất hiện dày đặc. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Phương Cát Vũ – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh cũng cảnh báo một loại vi khuẩn nguy hiểm chẳng kém gì Whitmore nhưng mọi người ít chú ý.

Theo bác sĩ Cát Vũ, bệnh viện vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhân bị sốc nhiễm trùng nặng. Trường hợp bệnh nhân này 14 tuổi phụ việc gia đình trên xà lan, ở Kiên Giang. Cách đây 10 ngày nam sinh này đi trên xà lan không may bị ngã trật chân phải.

Sau đó nam sinh liên tục bị sốt cao, đầu gối sưng. Bệnh nhân được gia đình đưa đi khám ở cơ sở khám tư được cho thuốc hạ sốt và truyền dịch nhưng không đỡ. Khi đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh An Giang tình trạng sốt vẫn cao và bệnh nhân rơi vào suy hô hấp. Các bác sĩ bệnh viện tỉnh An Giang đã đặt nội khí quản, cho bệnh nhân thở máy rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.

Khi chuyển cấp cứu đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố HCM, ngày 24/11, bệnh nhân đã suy hô hấp, phải thở máy, dùng kháng sinh và thuốc vận mạch hỗ trợ sinh hiệu ổn định.

Các bác sĩ lấy dịch khớp gối phải đầy mủ và máu. Dịch này đã đem đi xét nghiệm, ngày 27/11. Bước đầu, bác sĩ nghi đây là khuẩn tụ cầu nhưng còn chờ kết quả xét nghiệm chính thức.

Trước đó, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố cũng cấp cứu cho 1 bệnh nhi 2 tuổi, trú ở Cà Mau nhập viện trong tình trạng tràn dịch màng phổi, tràn mủ màng tim, suy hô hấp diễn tiến nặng do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng kháng thuốc. Bệnh nhi này phải nằm viện điều trị 45 ngày mới được ra viện với các loại kháng sinh liều cao đắt tiền.

Trường hợp của anh Nguyễn Công H. (sinh năm 1970, ngụ tại TPHCM), anh được người nhà đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốt cao, vùng cổ và lưng cứng đơ đau nhức dữ dội.

Qua thăm khám và kiểm tra lâm sàng, các bác sĩ phát hiện vùng sau cổ anh H. có khối áp xe lớn, thực hiện các xét nghiệm đều cho thấy anh bị nhiễm khuẩn máu nặng. Người nhà cho biết, anh H. bị thoái hóa đốt sống cổ 2 năm nay, điều trị nhiều nơi nhưng không khỏi. Anh H. được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Hoàn Mỹ, TP.HCM.

Trước khi nhập viện 1 tuần, vùng cổ của anh H. đột ngột đau nhức nhiều hơn, gia đình nghĩ anh bị trúng gió nên đưa anh H. đi cắt lễ để nặn máu độc ra ngoài. Nhưng sau cắt lễ, tình trạng của anh ngày càng nặng hơn, cổ ngày càng sưng to, đau nhức không thể cử động nên gia đình đưa anh vào bệnh viện cấp cứu. Khi cấy máu bác sĩ phát hiện anh bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng.

Đây là loại vi khuẩn có thể xâm nhập vào cơ thể qua các vết thương hay cắt lễ. Loại vi khuẩn này, thường gây nhiễm khuẩn da, niêm mạc và nặng hơn là nhiễm khuẩn huyết.

Nguy cơ kháng thuốc

Vi khuẩn tụ cầu có hầu hết khắp mọi nơi trong môi trường tự nhiên. Vi khuẩn tụ cầu có thể gây bệnh cho người bất cứ lúc nào, mùa nào, đặc biệt mùa hè chúng thường gây nên một số bệnh nhiễm khuẩn cho con người, đặc biệt là trẻ em.

Tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bạch Mai, GS Nguyễn Gia Bình – nguyên Trưởng khoa cho biết khoa thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân bị nhiễm trùng huyết có vi khuẩn tụ cầu vàng.

Theo GS Bình đây là loại vi khuẩn hết sức nguy hiểm bởi nó kháng thuốc. Nhiều bệnh nhân phải sử dụng các loại thuốc kháng sinh rất đắt tiền. Vi khuẩn tụ cầu vàng xâm nhập vào máu và gây biến chứng suy đa tạng.

Bình thường trong môi trường có rất nhiều vi trùng, vi khuẩn, vi rút và chúng sống chung với con người. Khi con người suy yếu, có vết thương hở, sức đề kháng kém sẽ tạo điều kiện để vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể.

Vi khuẩn tụ cầu (Staphylococcus) có 3 loại - đó là tụ cầu vàng (S.aureus), tụ cầu da (S. epidermidis) và tụ cầu hoại sinh (S. saprophyticus). Trong 3 loại đó thì tụ cầu vàng là loại vi khuẩn gây nhiều bệnh nhất và có khả năng gây ngộ độc thực phẩm, đặc biệt, chúng có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh. Gây bệnh của tụ cầu rất đa dạng, trong đó cần quan tâm đến một số bệnh mà tụ cầu gây ra hay gặp trong mùa Hè.

Tụ cầu vàng bình thường có trong môi trường, ký sinh trên da người. Nếu vệ sinh kém thì ngay sau đó vi khuẩn này tấn công lại con người gây nguy hiểm. Hơn nữa, tình trạng sử dụng kháng sinh như hiện nay càng làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh và vi khuẩn tụ cầu vàng đã trở nên đa kháng.

Để phòng bệnh, GS Bình khuyến cáo cách tốt nhất đó là vệ sinh sạch sẽ cơ thể. Nếu có vết xước, mụn ngoài da nên điều trị và vệ sinh sát khuẩn sạch sẽ. Hạn chế thói quen tự dùng kháng sinh để giảm nguy cơ kháng thuốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại