Bé 11 tuổi bị máu nhiễm mỡ vì món ăn được cha mẹ bồi bổ

K.Chi |

Thói quen ăn uống cộng với lối sinh hoạt không khoa học đang là nguyên nhân dẫn tới các bệnh rối loạn chuyển hoá ở trẻ trong đó có rối loạn mỡ máu.

Mỡ máu tăng cao chỉ vì tẩm bổ

Thấy con có tình trạng béo hơn các bạn, gia đình của bé Nguyễn An M. 11 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội đã đưa con đi tới bệnh viện kiểm tra. Kết quả, bé M. bị tăng mỡ máu, đặc biệt là cholesterol xấu LDL – nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tim mạch về sau cho trẻ.

Bác sĩ khuyến cáo gia đình nên xét nghiệm tìm nguyên nhân. Tuy nhiên khi xét nghiệm hai bố mẹ của  bé M. không tăng mỡ máu, người anh trai của M. cũng bị tăng mỡ máu.

Tìm nguyên nhân của hai bé, được biết bố của bé M. làm ở trại mổ lợn nên ngày nào anh cũng cố gắng mua cho con những quả bầu dục hoặc quả tim về xào cho hai bé ăn. Nào tưởng tẩm bổ cho con hai dè khiến hai bé bị rối loạn mỡ máu thừa cholesterol.

BS Nguyễn Thị Ly – bệnh viện Medlatec cho biết nguyên nhân tăng mỡ máu ở trẻ nhỏ có hai yếu tố.

Thứ nhất do di truyền. BS Ly cho biết theo một số nghiên cứu, những đứa trẻ sinh ra trong gia đình mà bố hoặc mẹ hoặc cả hai bố mẹ đều có mức cholesterol máu cao thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn. Trẻ mắc bệnh do nguyên nhân này rất khó thay đổi.

Nguyên nhân thứ hai là do lối sống và sinh hoạt. Nguyên nhân này bao gồm chế độ ăn uống và tập thể dục ở trẻ em không khoa học như: Ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, các chế phẩm từ sữa và các loại thịt đỏ. Lượng chất béo tiêu thụ từ thực phẩm quá lớn trong khi trẻ lười vận động thể thao khiến chất béo tích tụ trong máu.

Giống như ở người lớn, bệnh lý này ở trẻ em cũng không có triệu chứng rõ ràng nên cha mẹ thường rất khó phát hiện và phân biệt bệnh. Hầu hết trường hợp trẻ phát hiện bệnh khi đi khám sức khỏe tổng quát hoặc bệnh tiến triển nặng, gây nhiều biến chứng như tim mạch, thận, gan,…

Các nghiên cứu cho thấy, máu nhiễm mỡ ở trẻ nhỏ diễn biến âm thầm, phức tạp hơn so với người cao tuổi. Khi bệnh tiến triển nặng hơn, trẻ có thể gặp phải các triệu chứng bệnh như thở gấp, đau đầu, chóng mặt, tim đập nhanh, đau tức ngực. Giai đoạn cuối của bệnh sẽ gây ra những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng trẻ như đau tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ,…

Cholesterol có từ hai nguồn: do cơ thể tổng hợp và từ thức ăn. Nguồn từ cơ thể (tổng hợp từ gan và các cơ quan khác) chiếm khoảng 75% tổng số lượng cholestrol trong máu, còn lại từ nguồn thức ăn. Hiện nay, cholesterol chỉ thấy ở trong thức ăn có nguồn gốc từ động vật. Bên cạnh đó, một thành phần khác của lipid máu cần được quan tâm là triglycerid.

Bé 11 tuổi bị máu nhiễm mỡ vì món ăn được cha mẹ bồi bổ - Ảnh 2.

Bệnh nhi béo phì tăng nguy cơ rối loạn mỡ máu. Ảnh minh họa

Thay đổi lối sống

Theo PGS Trương Thanh Hương, - nguyên bác sĩ Viện Tim mạch quốc gia, trẻ em mắc rối loạn mỡ máu, thừa cholesterol ngày càng nhiều. BS Hương cũng gặp rất nhiều trẻ bị rối loạn mỡ máu. Thậm chí có bé mới chỉ 8 tuổi đã phải can thiệp mạch do rối loạn cholesterol.

Theo PGS Hương, cholesterol có hai loại:

Cholesterol xấu ký hiệu LDL đây là thành phần được coi là “xấu” của cholesterol, khi lượng LDL này tăng nhiều trong máu dẫn đến sự dễ dàng lắng đọng ở thành mạch máu (đặc biệt ở tim và ở não) và gây nên mảng xơ vữa động mạch. Mảng xơ vữa này được hình thành dần dần gây hẹp hoặc tắc mạch máu, hoặc có thể vỡ ra đột ngột gây tắc cấp mạch máu dẫn đến những bệnh nguy hiểm như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. LDL cholesterol được coi là một trong những chỉ số quan trọng cần theo dõi khi điều trị. LDL tăng có thể liên quan đến yếu tố gia đình, chế độ ăn, các thói quen có hại như hút thuốc lá, lười vận động hoặc liên quan các bệnh lý khác như tăng huyết áp, đái tháo đường...

HDL-cholesterol (loại tốt): Loại này chiếm khoảng 1/4 - 1/3 tổng số cholesterol trong máu. HDL-cholesterol được cho là loại tốt bởi vì nó vận chuyển cholesterol từ máu trở về gan, cũng vận chuyển cholesterol ra khỏi mảng xơ vữa thành mạch máu và do vậy, làm giảm nguy cơ xơ vữa động mạch cũng như các biến cố tim mạch trầm trọng khác. Những nguy cơ làm giảm HDL là hút thuốc lá, thừa cân/béo phì, lười vận động...

Để phòng thừa cholesterol, PGS Hương khuyến cáo các biện pháp thay đổi lối sống và lựa chọn thực phẩm để kiểm soát nguy cơ tim mạch như ăn nhiều thực phẩm trái cây, các lại đậu, các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, cá, bánh mì đặc biệt hạn chế thực phẩm có chứa chất béo dạng trans, ăn giảm muối xuống dưới 5 mg mỗi ngày, hạn chế các loại thực phẩm tiện lợi bao gồm cả bánh mặn, thực phẩm ướp sẵn, cá muối…. Đối với trẻ nhỏ cha mẹ vẫn cần kiểm soát cân nặng của con. Nếu thấy con có hiện tượng dư cân béo phì cần tham vấn bác sĩ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại