BBC đăng phóng sự về cách xem truyền hình của người Nga

Vũ Uyên |

Theo hãng tin BBC của Anh, dù vẫn theo dõi thông tin thời sự trên ti vi hằng ngày nhưng người Nga hầu như không tin vào những gì nghe được từ thiết bị phát sóng truyền hình này.

Khi đó trời đã nhá nhem tối. Tôi (phóng viên BBC) tới căn hộ của chị Svetlana Bogdanova nằm tại tầng một của khu tập thể từ thời Liên Xô cũ ở trung tâm thành phố St. Petersburg.

Căn hộ khá chật chội với một hành lang nối thẳng từ cửa tới phòng khách. Ở giữa phòng khách là một chiếc TV cũ và cây đàn piano quen thuộc.

Ngoài ra, mùi bụi bặm và lông mèo từ bên ngoài phả vào cũng khiến tôi liên tưởng tới dãy phòng trọ từ thời còn sinh viên.

BBC đăng phóng sự về cách xem truyền hình của người Nga - Ảnh 1.

Người dân đã không còn tin tưởng vào những các kênh truyền hình tại Nga.

Chị Svetlana lấy một chiếc hộp gỗ cũ kỹ đặt ngay cạnh tủ sách bằng kính cho tôi xem. Bên trong là miếng bánh mỳ nhỏ đã ngả màu thời gian.

"Ông nội giữ kín mẩu bánh này từ năm 1942 và truyền nó lại cho thế hệ con cháu như chúng tôi", chị Svetlana nói.

Chị Svetlana nhấc miếng bánh mỳ lên và cẩn thận đặt nó vào tay tôi. Đó là phần ăn cả ngày cho một người tại Leningrad khi thành phố bị quân Đức Quốc xã bao vây suốt 872 ngày.

Trong vòng hơn hai năm, hàng trăm nghìn người Nga đã thiệt mạng do chết đói và chết rét.

Tôi ngửi miếng bánh mỳ. Nó hoàn toàn không có mùi bánh mỳ - mà giống như mùi của một cuốn sách cổ lâu ngày không ai sờ tới, hoặc cũng có thể là mùi ám khói từ nến và nhang suốt hàng trăm năm ròng tại các nhà thờ Chính thống giáo.

Lý do chị Svetlana muốn cho tôi xem món đồ gia truyền này vì thời gian gần đây, chính quyền thành phố St. Petersburg đã công bố kế hoạch thiết lập lại chế độ khẩu phần bánh mỳ như thời Liên Xô trong những trường hợp khẩn cấp.

Vẫn theo dõi nguồn tin mà mình không tin tưởng

Trên các kênh truyền thông cũng liên tục đăng tải nhiều thông tin liên quan tới việc nước Nga đang bị đe dọa bởi các thế lực thù địch phương Tây, đặc biệt là Mỹ.

Mới gần đây, chính quyền Nga còn cho người dân diễn tập tình trạng khẩn cấp, trong đó có cả nội dung xác đinh hầm tránh bom nguyên tử gần nhất.

"Tôi không còn xem TV nữa" – chị Svetlana nói với tôi, đồng thời gật đầu một cách khinh bỉ về phía chiếc TV cũ từ thập niên 1990 – "Với lịch sử của nước Nga, họ nghĩ rằng chúng tôi sẽ dễ dàng sợ hãi.

Họ đang cố nhắc nhở chúng tôi về một cuộc sống không mấy tốt đẹp trong quá khứ và những điều kinh khủng có thể xảy ra để mọi người tưởng rằng cuộc sống hiện tại vẫn chưa quá tồi tệ".

BBC đăng phóng sự về cách xem truyền hình của người Nga - Ảnh 2.

Chính quyền thành phố St. Petersburg đã công bố kế hoạch thiết lập lại chế độ khẩu phần bánh mỳ như thời Liên Xô cũ.

Truyền thông là một công cụ mạnh mẽ. Trong vòng 16 năm cầm quyền, Tổng thống Vladimir Putin đã không ngừng củng cố sự kiểm soát của mình đối với các cơ quan truyền thông.

Trong một cuộc khảo sát mới đây, khoảng 88% người Nga cho biết các kênh truyền hình là nguồn thông tin chính của họ.

Mặc dù vậy, cũng có tới 31% người được hỏi khẳng định các phương tiện truyền thông đang cố tình đưa thông tin sai lệch.

Điều này đã cho thấy thực trạng khó hiểu trong xã hội nước Nga khi cứ năm người thì ít nhất một người chọn xem TV thường xuyên nhưng lại hoàn toàn không tin tưởng vào những thông tin mà các kênh truyền hình cung cấp.

Tại sao lại có nghịch lý này?

Tôi đã tìm thấy câu trả lời tại trụ sở cũ của tờ Soviet Telegraph trên đường Tverskaya, thủ đô Moscow.

Từ thời sinh viên, tôi thường phải chờ một người thư ký trông vô cùng khả nghi để có thể đặt một cuộc điện thoại đi nước ngoài tại toà nhà này.

Ngày nay, đây chính là trụ sở của kênh truyền hình Tsargrad TV, một đơn vị thông tấn chuyên phát sóng những quan điểm của Chính thống giáo về các vấn đề trong nước và quốc tế.

BBC đăng phóng sự về cách xem truyền hình của người Nga - Ảnh 3.

Ông Alexander Dugin, tổng biên tập của kênh truyền hình Tsargrad TV.

Tôi đã gặp gỡ tổng biên tập của kênh truyền hình, ông Alexander Dugin – một người đàn ông với bộ râu dài màu xám, mặc đồ nhung, nói thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp. Đồng thời, ông cũng rất thông hiểu sự phát triển của triết học tây phương từ thời kỳ Khai sáng cho tới thời kỳ Hậu hiện đại.

"Mọi điều đều chỉ là tương đối" – ông nhấn mạnh – "Người Nga chúng tôi có thể dùng quan điểm Hậu hiện đại để giải thích cho các nước phương Tây rằng mọi sự thật chỉ mang tính tương đối, và chúng tôi có một sự thật đặc biệt kiểu Nga mà bạn cần chấp nhận".

Quan điểm méo mó của ông Dugin có sức ảnh hưởng rất lớn tại Điện Kremlin, dù nó không phổ biến đối với những người dân bình thường như tôi.

Bà Ekaterina Schulmann, một nhà chính trị học lại mang đến cho tôi một góc nhìn hoàn toàn khác.

"Người dân không xem những bản tin chỉ vì các thông tin đơn thuần. Họ đang cố gắng giải mã một hệ thống tín hiệu – ai đang lên sóng hôm nay và ai đã lên sóng hôm qua, họ đã sử dụng âm điệu và lựa chọn từ ngữ thế nào.

Việc hiểu được những gì mà họ ám chỉ sẽ giúp bạn sống tốt hơn, đặc biệt là nếu nguồn sống của bạn phụ thuộc vào nhà nước".

Trẻ em đang dần bị ảnh hưởng bởi làn sóng thông tin

Tôi chủ ý tới thăm người bạn cũ – một đôi vợ chồng sống tại khu tập thể từ thời Liên Xô cũ nhưng lại ở ngay giữa lòng thủ đô Moscow hiện đại.

Tuy nhiên, thay vì mùi bụi bặm và lông mèo, tôi được chào đón bởi mùi bánh Burger kẹp thịt nướng kiểu Texas mà họ mới mua từ một cửa hành đồ ăn nhanh gần đó.

BBC đăng phóng sự về cách xem truyền hình của người Nga - Ảnh 4.

Nhiều trẻ em tại quốc gia này đang dần bị ảnh hưởng bởi sự nhiều loạn thông tin trong xã hội.

Khi ngồi quanh bàn ăn để thưởng thức bữa tối, chúng tôi thảo luận với nhau về việc Nga sát nhập với Crimea khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh chia ly.

Họ cũng kể lại cho tôi về điều mà cậu con trai chín tuổi đã nói với cha mẹ: "Cha thật không đúng khi nói xấu về Tổng thống Putin".

Từ đâu mà thằng bé học được điều đó? Họ không nghĩ ở trường đã bắt đầu giáo dục trẻ em như vậy. Và họ cũng rất cẩn thận về những nội dung mà con mình tiếp xúc trên truyền hình.

Điện Kremlin có vẻ như đang hiện diện ở khắp mọi nơi, và sức ảnh hưởng của nó đang ngày một lan tỏa theo những cách mà không ai biết được...



Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại