Tổ hợp THOR.
Cuộc thử nghiệm được thực hiện bởi Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Không quân (AFRL) tại Căn cứ Không quân Kirtland, New Mexico.
Trong cuộc thử nghiệm đầu tiên, Đại úy Eric Plummer, kỹ sư của AFRL, chịu trách nhiệm điều khiển số lượng lớn UAV bay vào khu vực hoạt động của hệ thống THOR.
"Cuộc thử nghiệm đã thành công đúng như kế hoạch đề ra trước đó. Hầu hết những chiếc UAV tham gia vào thử nghiệm đều đã bị THOR đốt cháy, vô hiệu hóa hoặc làm hỏng các thiết bị điện tử bên trong khiến chúng không thể hoạt động", kỹ sư của AFRL cho biết.
Theo tiết lộ của AFRL, THOR được dùng để tấn công các mục tiêu tầm ngắn như UAV, tên lửa hành trình (giai đoạn cuối). Trong khi đó, để đối phó với những mục tiêu ở tầm trung và xa, Không quân Mỹ vẫn đang sử dụng một hệ thống vi sóng khác có công suất lớn hơn.
Hệ thống được nghiên cứu nhanh chóng trong chỉ 18 tháng, với chi phí khoảng 15 triệu USD. Vì lấy nguồn điện từ máy phát đi kèm, THOR có thể được vận chuyển và sử dụng bất cứ nơi nào chỉ sau vài giờ thiết lập.
Khi chương trình THOR mới được tiết lộ, giới học giả Mỹ nghi ngại rằng, liệu THOR có đủ khả năng tấn công một loạt UAV tấn công theo kiểu bầy đàn hay không.
Giải đáp nghi ngại này, quản lý dự án Amber Anderson nói rằng: "THOR hoạt động như một đèn pin, bất cứ thứ gì thuộc vùng tín hiệu của nó đều sẽ bị bắn hạ hoặc bị vô hiệu hóa trong chớp mắt".
Việc Mỹ quyết phát triển dự án THOR bởi thực tế hiện nay, UAV và tên lửa hành trình vẫn là đối thủ khó đánh chặn nhất đối với mọi hệ thống phòng không, trước hết là bởi UAV thường bay dưới tầm quan sát của radar và rất khó bị phát hiện.
"Các tổ hợp phòng không truyền thống thường được thiết kế để tiêu diệt máy bay tầm cao. Trong khi đó, tên lửa hành trình và UAV hoạt động sát mặt đất, dễ dàng ẩn mình khỏi lưới cảnh giới và do vậy, việc đánh chặn chúng rất khó khăn", Giáo sư Dave DesRoches của Trường Đại học Quốc phòng ở Washington cho biết.
Đây chính là lý do khiến các tổ hợp phòng không Patriot của Saudi Arabia đã không có bất kỳ phản ứng nào trước cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở Yemen bằng tên lửa hành trình và UAV vào nhà máy dầu hồi tháng 9/2019.
Michael Rubin, chuyên gia nghiên cứu Trung Đông thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ giải thích: "Các nhà máy dầu của Saudi Arabia giống như một cây thông Noel sáng rực giữa sa mạc vào ban đêm.
Đối phương chỉ cần dùng vũ khí giá rẻ thay vì những khí tài công nghệ cao với chi phí đắt đỏ vẫn có thể vô hiệu khả năng đánh chặn của những hệ thống Patriot tối tân".