Bầu cử Mỹ: Cuộc đại chiến cam go "kẻ tám lạng người nửa cân" và kịch bản "ông Trump không chịu rời Nhà Trắng"

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ trong bối cảnh khó khăn chồng chất đang bước vào giai đoạn cuối cùng.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang diễn ra hết sức quyết liệt giữa đương kim Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Ngày 3/11/2020, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ thứ 46 sẽ được tổ chức tại Mỹ. Không chỉ người dân Mỹ, mà cả thế giới quan tâm theo dõi cuộc bầu cử này vì nó sẽ tác động to lớn đến tình hình quốc tế nói chung và quan hệ với các nước nói riêng.

01.

Bối cảnh đặc biệt của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay

Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay được xem là cuộc bầu cử khác thường nhất, khốc liệt và gây chia rẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cuộc bầu cử này sẽ diễn ra hết sức phức tạp do có nhiều điểm đặc biệt khác với tất cả các cuộc bầu trước đây.

Cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này gồm hai ứng cử viên đều ở độ tuổi ngoài 70 giữa đương kim Tổng thống Donald Trump 74 tuổi, là một doanh nhân không nằm trong hệ thống chính trị truyền thống của Mỹ và Joe Biden 77 tuổi, cựu Phó Tổng thống - người đã từng phục vụ trong hệ thống chính trị Mỹ hơn nửa thế kỷ nay.

Thêm vào đó là nội bộ xã hội Mỹ chia rẽ, đặc biệt mâu thuẫn căng thẳng lên đến đỉnh cao chưa từng có giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về chính sách đối nội, đối ngoại cũng như phương thức bỏ phiếu qua bưu điện để tránh nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh Covid-19.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đại chiến cam go kẻ tám lạng người nửa cân và kịch bản ông Trump không chịu rời Nhà Trắng - Ảnh 2.

Ảnh: BBC

Lần đầu tiên trong lịch sử các cuộc bầu cử được tổ chức trong bối cảnh bùng nổ của đại dịch Covid-19, tình trạng suy thoái kinh tế và bất ổn do một số hành động mang tính chất phân biệt chủng tộc.

Trong tình hình như vậy, cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều phải hoãn đến bây giờ mới bắt đầu tổ chức được các đại hội toàn quốc, đồng thời rất hạn chế các hoạt động tranh cử và tổ chức các cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên.

Cuộc bầu cử lần này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng chưa từng có một mặt giữa Mỹ và Trung Quốc, không khí đối đầu chưa từng có giữa hai quốc gia hùng mạnh nhất thế giới hiện nay, mặt khác giữa Mỹ và Nga trong nhiều vấn đề chiến lược toàn cầu, trong đó có nghi vấn Moscow tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử.

02.

Bất đồng trong xã hội Mỹ về phương thức bỏ phiếu

Lần đầu tiên trong lịch sử, xã hội Mỹ lo ngại về các điều kiện và thủ tục bầu cử. Người Mỹ đang rất nghi ngờ về số phận của cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, trong tình trạng bất ổn về hiến pháp và pháp lý trước sự lây lan của đại dịch Covid-19. Sự nghi ngờ này không chỉ về quy trình, thủ tục bầu cử, mà còn lo ngại cả về thái độ hoài nghi của Tổng thống D. Trump về kết quả bầu cử.

Đảng Cộng hòa đổ lỗi cho đảng Dân chủ gây rắc rối cho các cuộc bầu cử. Ngược lại, đảng Dân chủ lại đổ lỗi cho đảng Cộng hòa làm cho cuộc bỏ phiếu trở nên khó khăn hơn.

Hai đảng không muốn hợp tác với nhau để thống nhất về những việc cần phải làm và chuẩn bị, trong khi ngày bầu cử đang đến gần. Đảng Dân chủ muốn các cử tri gửi phiếu bầu qua bưu điện, trong khi đó đảng Cộng hòa và Tổng thống D. Trump cho rằng điều này sẽ dẫn đến gian lận, thiếu minh bạch, ảnh hưởng đến kết quả bầu cử.

Các cuộc bầu cử sơ bộ được tổ chức trong những tháng qua ở các bang cho thấy thiếu sự chuẩn bị trong bối cảnh lây lan của đại dịch Covid-19. Nhiều người Mỹ tỏ ra lo ngại quy chế bỏ phiếu mới, phương thức bỏ phiếu không thống nhất giữa các bang sẽ gây ra sự hỗn loạn trong các cuộc bầu cử cũng như việc công bố kết quả.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đại chiến cam go kẻ tám lạng người nửa cân và kịch bản ông Trump không chịu rời Nhà Trắng - Ảnh 4.

Nhiều người Mỹ tỏ ra lo ngại quy chế bỏ phiếu mới, phương thức bỏ phiếu không thống nhất giữa các bang sẽ gây ra sự hỗn loạn trong các cuộc bầu cử cũng như việc công bố kết quả.

Tại bang Wisconsin, do thực hiện giãn cách xã hội, cử tri đã phải xếp hàng dài chờ đợi nhiều giờ trong các cuộc bầu cử sơ bộ vào tháng 5 vừa qua. Ở các bang Pennsylvania và Maryland, nhiều lá phiếu qua thư đã bị thất lạc, trong khi đó việc bầu cử ở các bang Georgia và Nevada đã xảy ra ​ hỗn loạn do các biện pháp phòng ngừa Covid-19.

Các chuyên gia bầu cử nói, mặc dù việc bỏ phiếu bằng thư qua bưu điện có thể có một số vấn đề như nhận được phiếu bầu muộn, hoặc thiếu chữ ký trên lá phiếu của cử tri, nhưng không có bằng chứng nào cho thấy việc bỏ phiếu bằng thư sẽ dẫn đến gian lận trên diện rộng như Trump nói có thể có hàng triệu lá phiếu được in ở nước ngoài tuồn vào Mỹ.

Cử tri thuộc đảng Dân chủ Dan Siwar sống ở Tây-Bắc Washington cho biết: "Chúng tôi đang thực hiện nhiều hoạt động và các công việc chính thức với chính phủ bằng thư bình thường qua bưu điện rất bảo đảm. Mọi công việc liên quan đến bảo hiểm y tế, thuế cá nhân, bất động sản và tiền gửi trong ngân hàng đều được thực hiện qua bưu điện."

03.

Các tình huống có thể xảy ra

Một số nhà phân tích chính trị dự đoán Tổng thống D. Trump có thể xử lý kết quả bầu cử theo ba kịch bản sau:

Thứ nhất, ông D. Trump có thể sẽ tuyên bố thắng cử trước khi kết thúc kiểm phiếu ở các bang lớn. Việc kiểm phiếu năm nay có thể phải kéo dài vài ngày hoặc thậm chí vài tuần do lượng phiếu bầu dự kiến ​​sẽ rất lớn và việc phân loại giữa các phiếu bầu qua bưu điện và phiếu bầu trực tiếp sẽ mất nhiều thời gian, không thể có kết quả ngay sau khi kết thúc bỏ phiếu như những cuộc bầu cử trước đây.

Thứ hai, Tổng thống D. Trump đã nhiều lần tuyên bố việc bỏ phiếu bằng thư trên diện rộng có thể dẫn đến "kết quả bầu cử sai trái và gian lận nhất trong lịch sử nước Mỹ."

Bầu cử Mỹ: Cuộc đại chiến cam go kẻ tám lạng người nửa cân và kịch bản ông Trump không chịu rời Nhà Trắng - Ảnh 6.

Ảnh: Slate

Mới đây, trả lời phỏng vấn hãng Fox News, ông D. Trump đã nhắc lại sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử trước khi nhìn thấy nó. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc tranh cãi pháp lý về những phiếu bầu nào được coi là hợp lệ, những phiếu nào không. Việc phân loại các phiếu này cũng phải kéo dài nhiều ngày.

Thứ ba, Tổng thống D. Trump không chịu rời Nhà Trắng vào ngày 20/1/2021, một khả năng mà ông Joe Biden đã bày tỏ công khai trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình rằng ông D. Trump "sẽ tìm cách đánh cắp cuộc bầu cử này" và ông tin các nhà lãnh đạo quân sự "sẽ đưa Trump ra khỏi Nhà Trắng một cách nhanh chóng nếu ông từ chối rời bỏ quyền lực sau khi thất cử". Trong trường hợp này, ông J. Biden nói "sẽ sử dụng quân đội để đưa Trump ra khỏi Nhà Trắng."

04.

Những mối lo ngại về cuộc bầu cử năm 2020

Sự can thiệp từ bên ngoài: Trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016, các cơ quan tình báo Mỹ đã xác nhận có sự can thiệp của Nga nhằm giúp ông D. Trump thắng cử. Người Mỹ không loại trừ khả năng tương tự sẽ được lặp lại trong các cuộc bầu cử năm nay.

Giám đốc Cục điều tra Liên bang (FBI) Christopher Wray đang cáo buộc Trung Quốc thực hiện các hoạt động tình báo quy mô lớn và tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử này.

Ngày 7/8/2020, Giám đốc Trung tâm An ninh và Phản gián Quốc gia (NCSC) William Ivanina, đã tuyên bố một số nước đang tìm cách can thiệp vào cuộc bầu cử thông qua các biện pháp tấn công mạng và các phương tiện khác nhằm vào các tổ chức chính trị của Mỹ và tác động đến tâm lý cử tri, gây chia rẽ, tạo ra bất ổn trong xã hội và làm suy giảm niềm tin của người Mỹ vào tiến trình dân chủ. Theo William Ivanina, ông đặc biệt quan ngại đến các hoạt động của Trung Quốc, Nga và Iran.

Bỏ phiếu qua bưu điện: Mỹ là nước bị ảnh hưởng lớn nhất do sự lây lan của đại dịch Covid-19. Tính đến ngày 17/8/2020 số người bị nhiễm virus này ở Mỹ đã vượt quá 5.564.160 người, trong đó có 173.072 ca tử vong.

Cơ quan Phòng chống và Kiểm soát dịch bệnh Mỹ dự báo số ca tử vong sẽ tăng lên gần 189.000 người vào ngày 5/9 tới. Tình hình này gây ra lo ngại lớn về cách tổ chức bầu cử trong khi phải duy trì các tiêu chuẩn bảo vệ sức khỏe cộng đồng, tránh tập trung đông người và tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đại chiến cam go kẻ tám lạng người nửa cân và kịch bản ông Trump không chịu rời Nhà Trắng - Ảnh 8.

Nhiều lần Tổng thống D. Trump đã tuyên bố sẽ không thừa nhận kết quả bầu cử và không chịu rời Nhà Trắng nếu ông thua cuộc.

Đến nay, 46 bang đã áp dụng các biện pháp tạo điều kiện thuận lợi cho việc bỏ phiếu qua thư. Tuy nhiên, các bang vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc tuyển dụng cán bộ làm việc tại các trung tâm bỏ phiếu và kiểm các phiếu gửi qua bưu điện và các phiếu bầu trực tiếp.

Việc bỏ phiếu bằng thư sẽ dẫn đến tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu tăng mạnh vì họ không phải đến trung tâm bỏ phiếu xếp hàng dài chờ đợi hàng tiếng đồng hồ.

Việc phân loại và kiểm các phiếu bầu qua bưu điện sẽ cần nhiều thời gian hơn để biết ai là người thắng cử, đặc biệt trong trường hợp kết quả sít sao nhau giữa hai ứng cử viên.

Thái độ của Tổng thống Trump: Ở Mỹ, thường thì ngay sau khi công bố kết quả, ứng cử viên nào thất bại cũng đều chúc mừng đối thủ thắng cử của mình để chứng tỏ cuộc bầu cử diễn ra một cách dân chủ và hợp lệ.

Tuy nhiên, nhiều lần Tổng thống D. Trump đã tuyên bố sẽ không thừa nhận kết quả bầu cử và không chịu rời Nhà Trắng nếu ông thua cuộc. Tình hình này có thể sẽ dẫn đến khả năng xung đột giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, nước Mỹ một lần nữa sẽ rơi vào bất ổn. Ngày 17/8/2020, D. Trump nói rằng nếu ứng cử viên đảng Dân chủ J. Biden giành chiến thắng trong bầu cử sắp tới, nước Mỹ sẽ trở thành một "Venezuela thứ hai".

Trước đó, ông cũng đã nói nước Mỹ sẽ bị hủy hoại bởi những người cánh tả cực đoan nếu J. Biden thắng cử.

05.

Ai sẽ giành thắng lợi trong cuộc bầu cử tới?

Chiến dịch tranh cử sẽ kéo dài cho đến đêm bỏ phiếu. Trong số các sự kiện quan trọng nhất của chiến dịch này là 3 cuộc tranh luận Tổng thống và cuộc tranh luận của hai Phó Tổng thống sẽ diễn ra từ 29/9 đến 15/10..

Hơn 120 triệu người Mỹ có quyền tham gia bỏ phiếu. Các chuyên gia bầu cử ước tính sẽ có khoảng 70% cử tri Mỹ bỏ phiếu trong ngày 3/11/2020 tới. Đây là một tỷ lệ cao hơn nhiều so với 55,3% trong cuộc bầu cử năm 2016.

Điều này thể hiện mối quan tâm to lớn của xã hội tới chính trường Mỹ hiện nay và sự gia tăng đáng kể tỷ lệ cử tri bỏ phiếu qua bưu điện. Theo quy định, người thắng cử là ứng cử viên nhận được ít nhất 270/538 phiếu đại cử tri.

J. Biden đang cố gắng hết sức để giành được thắng lợi ngay từ vòng đầu. Tuy nhiên, chính ông và các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ cũng như những người ủng hộ ông đều cho rằng, những ngày sắp tới sẽ hết sức khó khăn.

Mặc dù vậy, giáo sư đại học Mỹ, Allan Lichtman, người đã dự đoán chính xác kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ trong 40 năm qua nói trong cuộc bầu cử sắp tới, J. Biden sẽ đánh bại D. Trump và trở thành Tổng thống tiếp theo. Tờ New York Time mô tả Lichtman là Nostradamus của các cuộc bầu cử Tổng thống. Ông dự đoán kết quả bằng cách sử dụng "kỹ thuật mọi thời đại của mình-13 chìa khóa vào Nhà Trắng". Kỹ thuật này dựa trên mô hình phân tích được sử dụng để dự đoán kết quả bầu cử.

Bầu cử Mỹ: Cuộc đại chiến cam go kẻ tám lạng người nửa cân và kịch bản ông Trump không chịu rời Nhà Trắng - Ảnh 10.

Trong khi đó, các cuộc thăm dò ý kiến mới nhất cho thấy Tổng thống D. Trump đã thu hẹp đáng kể khoảng cách giữa ông với đối thủ J. Biden. Theo kết quả thăm dò trước đây được tiến hành từ 2-5/6/2020, J. Biden giành được 55% số người ủng hộ, trong khi đó D. Trump chỉ giành được 41%.

Theo kết quả thăm dò do SQL Server Reporting Service (SSRS) thực hiện từ 12-15/8/2020 theo đơn đặt hàng của kênh CNN, 50% số người được hỏi cho biết họ sẽ bỏ phiếu cho J. Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris - người được chọn là ứng cử viên vào chức Phó Tổng thống của đảng Dân chủ - và 46% sẽ ủng hộ D. Trump và Phó Tổng thống đương nhiệm Michael Pence.

Kênh này cũng cho biết, theo dữ liệu mới nhất, tỷ lệ ủng hộ J. Biden ở 15 bang quan trọng nhất của Mỹ là 49% và D. Trump là 48%. Việc bình thường hóa quan hệ giữa các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) dưới sự trung gian của Washington vừa qua cũng đã ghi thêm điểm cho Tổng thống D. Trump.

Rất khó có thể dự đoán chính xác được kết quả bầu cử Tổng thống tại Mỹ. Từ nay đến ngày bầu cử còn hơn hai tháng nữa, sẽ có nhiều diễn biến không lường trước được. Không loại trừ khả năng cả hai ứng cử viên đều không giành được đủ số phiếu cần thiết và nhiều nhà quan sát lo ngại rằng các phương thức bầu cử sắp tới sẽ không đảm bảo được tính minh bạch như ông Trump đã nhiều lần cảnh báo có thể dẫn đến kết cục không có người chiến thắng.

Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus:

*Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại