Bất ổn tàu chiến Mỹ: Dè chừng Hải quân Nga

Ngô Sinh |

Theo giới phân tích, nếu Mỹ không hiểu được năng lực của đối thủ và logic của nó, một ngày nào đó, Hải quân Nga có thể sẽ khiến họ kinh ngạc và phải trả giá

Hiện nay, Hải quân Nga hoạt động rầm rộ hơn những năm trước. Nga vẫn phụ thuộc vào những gì còn lại của hải quân thời Liên Xô nhưng lực lượng mới không ngừng lớn mạnh.

Không nhằm đối đầu

Hải quân Nga đang trong tình trạng tốt hơn hết ở thời kỳ hậu Chiến tranh lạnh. Lực lượng hải quân nước này cho thấy sự khác biệt, có chiến lược riêng.

Nhà phân tích Michael Kofman cho rằng Mỹ không hãi sợ Hải quân Nga mà tôn trọng và điều nghiên xem Moscow đang cố gắng thực hiện điều gì với lực lượng này. Theo ông, nếu Mỹ không hiểu được năng lực của đối thủ và logic của nó, một ngày nào đó, Hải quân Nga có thể sẽ khiến họ kinh ngạc và phải trả giá.

Tạp chí National Interest nhấn mạnh Hải quân Nga xây dựng hiện đại không nhằm cạnh tranh với Hải quân Mỹ, không để đối đầu mà là phục vụ chiến lược của một cường quốc nằm cả ở châu Âu và châu Á.

Dù có thể còn kém sự hùng mạnh của Liên Xô nhưng Nga vẫn là một cường quốc với năng lực quân sự tiềm tàng. Các lực lượng vũ trang Nga đủ mạnh để áp đặt đòn trừng phạt đáng kể trong một cuộc xung đột, thậm chí trưng dụng kho vũ khí hạt nhân. Hải quân Nga đóng một vai trò quan trọng trong chiến lược đó và sẽ không bị giám sát, bất chấp những thiếu sót của lực lượng này.

Mới đây, học thuyết quân sự Hải quân Nga đến hết năm 2030 đã được thông qua, xác định mục tiêu duy trì vị thế của cường quốc hải quân hạng nhì thế giới.

Trong khi sức mạnh tàu ngầm Nga vẫn còn nắm giữ vị trí thứ hai về năng lực - nhất là hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo, Moscow không có kế hoạch làm cho hải quân nước này thành đối thủ cạnh tranh với Mỹ hoặc Trung Quốc.

Quan điểm của Nga là xây dựng một lực lượng hải quân có thể giữ Mỹ ở một khoảng cách nhất định và kết hợp với các tầng lớp phòng thủ, tên lửa đối hạm tầm xa, máy bay bố trí trên đất liền, tàu ngầm, khẩu đội tên lửa đạn đạo bờ biển và ngư lôi.

Qua đó, Nga hy vọng sẽ ngăn cản Hải quân Mỹ tiếp cận và khiến các hoạt động xâm nhập phải trả giá. Hải quân Nga cũng đang được bố trí để thực hiện các cuộc tấn công dài hơi bằng vũ khí quy ước và đóng một vai trò quan trọng trong trường hợp xảy ra leo thang hạt nhân.

Sức mạnh tác chiến trên biển của Nga là đội tàu chiến thời Liên Xô cùng với những chiếc tàu khu trục và tàu hộ tống mới. Trên 30% tàu chiến từ thời Liên Xô đã được đưa vào chương trình hiện đại hóa quy mô.

Ngoài ra, nhiều khả năng Nga sẽ giữ lại các tàu tuần dương lớp Kirov và lớp Slava thêm một thời gian dài làm tàu đô đốc và trụ cột, trong khi tàu tuần dương Đô đốc Nakhimov đã hoàn tất việc hiện đại hóa đầy tốn kém.

Nga cũng đã bắt đầu chương trình đóng các loại tàu khu trục với hy vọng sẽ chuyển sang các lớp tàu lớn hơn. Đây là phương thức hợp lý để khôi phục ngành đóng tàu vốn bị đánh giá là kém cỏi nhất trong các xí nghiệp thuộc lĩnh vực công nghiệp quốc phòng của Nga.

Các tàu lớn hơn sẽ trang bị hệ thống phòng không Poliment-Redut, radar tối tân và linh hoạt hơn trong mọi vai trò có thể thể hiện.

Tàu ngầm tốt nhất

Máy bay ném bom tầm xa có thể đảm đương những cuộc không kích tên lửa nhắm các mục tiêu nằm cách xa biên giới đáng kể. Trong khi đó, nhiệm vụ của tàu ngầm chỉ đơn giản là bảo vệ các pháo đài tên lửa đạn đạo và gây ra mối đe dọa có thể đối với Mỹ. Chưa kể, Nga cũng có tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân lớn thứ hai trên thế giới.

Giống như hạm đội thời Xô viết, tàu ngầm là những con tàu tốt nhất của Hải quân Nga, dù lực lượng này có lẽ chỉ bằng 1/5 so với thời trước. Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân của Nga gồm 10 chiếc Akula, 8 Oscar, 3 Victor III và 3 Sierra.

Ngoài ra, hạm đội tàu ngầm tên lửa đạn đạo có 6 chiếc Delta IV và 3 chiếc Delta III, cùng với 3 chiếc thuộc lớp Borei đang được đóng. Lực lượng tàu ngầm chạy bằng điện diesel gồm 14 chiếc Kilo thuộc Đề án 877, 6 chiếc thuộc Đề án 636.3 được cải tiến trong Hạm đội Biển Đen và 6 chiếc khác đang được đóng cho Hạm đội Thái Bình Dương.

Một số tàu ngầm của Nga sẽ bắt đầu "già cỗi" vào những năm 2020 và 2030, số khác được kéo dài tuổi thọ và được hiện đại hóa. Một số tàu ngầm năng lượng hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Nga đang được nâng cấp. Tuy vậy, nhiều chiếc không được hoạt động nhiều.

Căn cứ theo chiến lược của Hải quân Nga - tập trung bảo vệ các tuyến đường biển, chúng không phải thực hiện những chuyến hải hành xa nhà.

Không ít người tin rằng hạm đội tàu ngầm của Nga đang nhanh chóng đi đến cuối quãng đời của mình vào năm 2030 và không thể được thay thế đúng lúc.

Lúc này, Nga có kế hoạch nâng cấp khoảng một nửa số tàu ngầm Akula và Oscar, với các hệ thống và tên lửa mới. 72 gói tên lửa sẽ được sản xuất dành cho tàu ngầm tên lửa đạn đạo Oscar. Số tàu ngầm không được nâng cấp sẽ "về hưu" vào năm 2030, trong đó có khoảng 4-6 chiếc Akula, 4 Oscar. Loại tàu ngầm lớp Sierra sẽ được giữ lại do thân tàu làm bằng titan cực bền.

Nga cũng đang đóng thêm 5 chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Borei và sắp hoàn tất chiếc tàu ngầm tên lửa đạn đạo lớp Yasen thứ hai (Mỹ gọi là tàu ngầm lớp Severodvinsk), tên gọi Kazan. Tàu Kazan (Đề án 885M) là phiên bản cải tiến của lớp Severodvinsk và là tàu chỉ huy đích thực thuộc lớp này.

Sứ mệnh cơ bản

Hải quân Nga hiện kết hợp 4 sứ mệnh cơ bản: bảo vệ các tuyến đường biển và các khu vực duyên hải của nước này; tấn công chính xác ở tầm xa bằng vũ khí quy ước và hạt nhân; thể hiện sức mạnh thông qua lực lượng tàu ngầm và bảo vệ vũ khí hạt nhân ngăn chặn chở trên boong tàu ngầm tên lửa đạn đạo.

Bên cạnh những sứ mệnh này là nhu cầu ngoại giao hải quân và Nga luôn duy trì vài tàu chiến chính để phục vụ việc này. Ngoại giao hải quân, nhất là ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vẫn là một trong những nhiệm vụ chính của lực lượng này. Hơn nữa, giữ vững vị thế của Nga trên chính trường thế giới là một trong những vai trò quan trọng nhất của Hải quân Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại