Bất ngờ về chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng Miền Nam: Liên Xô hay Trung Quốc?

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Ngày 23.3.1966 - Quân giải phóng miền Nam tiếp nhận chiếc xe tăng đầu tiên. Tuy nhiên, đó không phải là xe tăng do Liên Xô hay Trung Quốc chế tạo mà lại là một chiếc xe tăng Mỹ.

Từ chủ trương "lấy xe địch đánh địch"

Thực hiện chủ trương chiến lược của Bộ Tổng tham mưu: "xe chưa xung trận thì người xung trận trước", trong 2 năm 1964- 1965 gần 300 cán bộ chiến sĩ của Trung đoàn xe tăng 202 đã hành quân bộ vượt hàng nghìn ki- lô- mét vào chiến trường B2 với nhiệm vụ "chuẩn bị chiến trường cho xe tăng" và "lấy xe địch đánh địch".

Sau khi vào chiến trường, các đoàn đã được gom lại và thành lập "Đoàn cơ giới Miền" với mật danh là J16, trong đó có Đại đội đặc công 40.

Trận đánh đầu tiên mà J16 được tham gia là chiến dịch Đồng Xoài (tháng 5.1965) với nhiệm vụ thu xe chiến lợi phẩm của địch. Tuy nhiên, trong chiến dịch này ta không thu được xe nào cả. Tiếp đó là một số trận đánh nữa nhưng kết quả vẫn như vậy.

Thực tế các trận đánh cho thấy việc "lấy xe địch" là hết sức khó khăn, phải có sự chuẩn bị chu đáo, hiệp đồng chặt chẽ giữa các bộ phận, bộ đội phải sử dụng thành thạo xe địch... Qua thảo luận mọi người thấy rằng nếu có được "nhân mối" làm nội ứng thì mới có thể hoàn thành được.

Bất ngờ về chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng Miền Nam: Liên Xô hay Trung Quốc? - Ảnh 1.

Và rồi thời cơ đã đến. Thông qua các cơ quan địch vận của Miền, lãnh đạo Ban Cơ giới Miền và chỉ huy J16 biết trong đội ngũ Thiết đoàn 1 Kỵ binh Quân lực Việt Nam cộng hòa (VNCH) đang đóng tại căn cứ Gò Đậu (Phú Cường, Bình Dương) có một đảng viên do ta cài vào để tuyên truyền, lôi kéo binh sĩ địch là thiếu úy Phùng Văn Mười.

Cho đến thời điểm đó đồng chí Mười đã tuyên truyền giác ngộ được một số anh em nghĩa binh yêu nước sẵn sàng làm binh biến và trở về với cách mạng. Lãnh đạo Ban Cơ giới Miền và chỉ huy Đoàn J16 lập tức đề nghị lên trên cho tiến công căn cứ Thiết đoàn 1 này.

Thấy đề nghị hợp lý, Bộ Tư lệnh Miền đồng ý để J16 cùng các đơn vị, bộ phận liên quan tiến hành công tác chuẩn bị chiến đấu.

Kế hoạch tập kích Thiết đoàn 1 được hoạch định như sau: Trước giờ nổ súng, Đại đội 40 của J16 cùng bộ binh sẽ bí mật áp sát căn cứ. Trong lúc đó, các nghĩa binh cũng sẽ đột nhập khu để xe và chiếm một số xe địch.

Bất ngờ về chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng Miền Nam: Liên Xô hay Trung Quốc? - Ảnh 2.

Xe tăng M41 trong một cuộc diễn tập binh chủng hợp thành

Đến giờ hiệp đồng, hai bên sẽ phối hợp "trong đánh ra, ngoài đánh vào". Trong khi bộ binh đánh vào căn cứ thì Đại đội 40 nhanh chóng đánh chiếm khu xe và cướp xe địch. Sau khi chiếm được xe sẽ tổ chức thành 3 hướng:

Hướng 1: chạy về phía Sài Gòn để tạo dư luận đảo chính, gây hoang mang cho địch và buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó; đến cầu Bình Phước thì hủy xe còn người trở về căn cứ.

Hướng 2: cùng với bộ binh đánh chiếm chi khu quân sự và dinh tỉnh trưởng Bình Dương để khuyếch trương kết quả trận đánh.

Cơ động về chiến khu qua ngả Bông Trang- Nhà Đỏ.

Đầu tháng 3 năm 1966, mọi công tác chuẩn bị cũng như liên lạc hiệp đồng với nhân mối đã hoàn thành. Tất cả đã sẵn sàng.

Đến chiếc xe tăng đầu tiên

Theo đúng kế hoạch, 19 giờ ngày 23.3.1966, khi đại bộ phận quân địch đang tập trung ăn nhậu, giải trí tại câu lạc bộ thì Đại đội 40 và các lực lượng khác của ta áp sát hàng rào căn cứ, các nghĩa binh thì bí mật chiếm được 3 xe.

Đến 20 giờ 15 phút, trận đánh bắt đầu. Khi pháo ta bắn vào căn cứ thì các nghĩa binh cũng dùng pháo súng trên xe bắn vào khu vực câu lạc bộ, nơi quân địch tập trung đông nhất.

Nhờ hiệp đồng chặt chẽ "nội công, ngoại kích" nên chỉ sau gần 1 giờ chiến đấu, quân ta đã làm chủ tình thế, tiêu diệt gần 200 tên địch, thu được 4 xe tăng M41 và 6 xe thiết giáp M113. Số xe này được chia thành 3 hướng theo đúng kế hoạch đã đề ra.

Tuy nhiên, do sử dụng xe chưa thật thành thạo, lại bị địch phản kích và dùng không quân đánh chặn quyết liệt nên chỉ có 1 chiếc M41 duy nhất do thiếu úy Phùng Văn Mười lái là vượt được vòng vây, dũng mãnh đánh qua căn cứ Trung đoàn BB9 của địch.

Sau đó, xe tăng được đồng chí Vũ Đức Hùng là cán bộ kỹ thuật của ta đón tại Bông Trang- Nhà Đỏ và chạy thẳng về chiến khu Long Nghĩa (nay thuộc xã Long Nguyên, huyện Bến Cát). Và thế là chiếc xe tăng M41 số hiệu 247 do Mỹ chế tạo đã trở thành chiếc xe tăng đầu tiên của Quân giải phóng miền Nam Việt Nam.

Bất ngờ về chiếc xe tăng đầu tiên của Quân Giải phóng Miền Nam: Liên Xô hay Trung Quốc? - Ảnh 4.

Xe tăng hạng nhẹ M41 Walker Bulldog chiến lợi phẩm của Quân đội Nhân dân Việt Nam

Là một đơn vị có vai trò trọng yếu tại Quân khu 3 và Biệt khu Thủ Đô, Thiết đoàn 1 Kỵ binh là đơn vị được trang bị hiện đại nhất, quân số đày đủ nhất trong lực lượng thiết kỵ VNCH lúc đó, có nhiệm vụ sẵn sàng cơ động bảo vệ thủ đô và dinh tổng thống. Vì vậy, trận đánh này có một tiếng vang rất lớn và làm rối loạn hàng ngũ địch.

Sau khi bị mất xe địch đã tổ chức truy lùng ráo riết. Để bảo vệ chiếc xe quý giá đã phải đổi bằng máu, bộ đội J16 đã đào hầm sâu, ngụy trang rất kỹ... để cất giấu nên mặc dù địch càn quét, truy tìm bằng nhiều cách khác nhau vẫn không phát hiện ra được.

Tại chiến khu Long Nghĩa, chiếc M41 này trở thành một "giáo cụ trực quan" hết sức quý giá để huấn luyện cho cán bộ, chiến sĩ TTG về cấu tạo xe máy, vũ khí, cách sử dụng xe và các trang thiết bị trên xe, cách phá hủy xe với các phương tiện khác nhau...

Đồng thời chiếc xe này cũng phục vụ huấn luyện các đơn vị bộ binh nắm được những điểm hiểm yếu trên xe, từng bước loại trừ tâm lý sợ TTG địch rất phổ biến lúc bấy giờ. Ngoài ra nó còn được dùng để huấn luyện cho bộ binh cách lên xuống xe khi hiệp đồng chiến đấu với xe tăng.

Tháng 9 năm 1968, khi quân địch nống ra càn quét sâu vào căn cứ của Miền, không thể đưa xe đi được quân ta buộc phải tháo dỡ vũ khí, trang thiết bị thông tin, khí tài quang học... đem về cứ mới và tổ chức chôn giấu xe xuống lòng đất. Sau này, khi địch rút ta lại đào xe lên và vẫn sử dụng tốt như thường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại