Iran chưa có ý định mua S-400 của Nga.
Theo Avia.pro, mặc dù các lệnh trừng phạt ngăn cấm nước cộng hòa Hồi giáo Iran mua vũ khí chính thức được dỡ bỏ nhưng trái với những thông tin được báo cáo trước đó về ý định mua các hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của Iran, Tehran không tiến hành các cuộc đàm phán như vậy với Nga.
Cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào giữa Nga và Iran về việc cung cấp vũ khí của Nga cho nước Cộng hòa Hồi giáo. Trong khi đó, tờ Sina của Trung Quốc đưa tin, nhà chức trách Trung Quốc có thể sẽ ký kết một hợp đồng với Iran để cung cấp máy bay chiến đấu của Bắc Kinh cho nước này, vì Không quân Cộng hòa Hồi giáo cần hiện đại hóa Lực lượng Không quân của mình.
Cho đến nay, vẫn chưa biết chắc chắn loại máy bay chiến đấu nào đang thu hút Iran, tuy nhiên, trước đó có thông tin rằng Không quân Iran có thể bổ sung thêm một đội 24 máy bay chiến đấu J-10C - với mức giá hiện tại của một máy bay chiến đấu, cho thấy rằng tổng số tiền của hợp đồng sẽ là khoảng 1 -1,5 tỷ USD.
Sức mạnh đáng nể
S-400 là hệ thống tên lửa phòng không di động chiến lược tầm cao chống khí cụ bay, do phòng thiết kế tên lửa NPO Almaz thiết kế. Nó là phiên bản cải tiến của S-300, vốn được giới thiệu bởi Liên Xô từ thời Chiến tranh Lạnh, là câu trả lời cho hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ. Việc nghiên cứu S-400 bắt đầu từ tháng 1/1990 và mãi đến năm 2007, Nga mới chính thức đưa hệ thống này vào hoạt động.
S-400 (tên mã định danh của NATO: SA-21 Growler), được thiết kế để tiêu diệt khí cụ bay của đối phương bao gồm các loại máy bay, tên lửa hành trình, phương tiện bay không người lái trong phạm vi 400 km và tên lửa đạn đạo cách xa 60 km.
Gọi là hệ thống tên lửa tầm cao nhưng thực sự S-400 là một tổ hợp tên lửa đa tầm, nó có thể hạ mục tiêu như máy bay ở độ cao 27 km cũng như các mục tiêu bay thấp cách mặt đất chỉ 5–10 m - đây là điều mà không hệ thống tên lửa phòng không cùng thời của bất cứ quốc gia nào có thể thực hiện được.
S-400 mang nhiều ưu thế vượt trội về mọi thông số: Thời gian triển khai chiến đấu nhanh hơn (5 phút so với 30 phút), tầm bắn xa hơn (400 km so với 240 km), số mục tiêu có thể theo dõi cao hơn (300 so với 100), cự ly phát hiện mục tiêu lớn hơn (600 km so với 350 km) cũng như có thể đánh chặn mục tiêu bay nhanh hơn (4,8 km/giây so với 2 km/giây).
S-400 bao gồm một số thành phần chính như: một chiếc xe tải dùng để chở và phóng tên lửa hoạt động cùng với các radar riêng biệt, hoạt động cùng lúc ở nhiều tần số khác nhau để tạo độ chính xác cao hơn. Thường thì 1 tiểu đoàn S-400 có khoảng 12 xe phóng với 48 tên lửa tầm xa hoặc rất xa (mỗi xe phóng có 4 tên lửa). 1 tiểu đoàn S-400 có thể theo dõi 300 mục tiêu ở phạm vi 600 km.
Mỹ tỏ ra e ngại sức mạnh của S-400 và nước này ngăn cản nhiều quốc gia sở hữu vũ khí này. Quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ trở nên căng thẳng cũng vì Ankara quyết mua S-400 bằng mọi giá.
Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố nước này không hủy bỏ hợp đồng mua hệ thống tên lửa phòng không S-400 của Nga, bất chấp lệnh cấm vận từ Mỹ, theo Reuters.
Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất thương vụ S-400 với Nga hồi năm 2019, đồng thời khẳng định hệ thống này không đe dọa các đồng minh NATO.