Ngày 13/9 tờ National Interest xuất bản bài viết: "Russia Might Sell Its Deadly Su-57E Stealth Fighter To Another Country in Asia" (tạm dịch: Nga có thể sẽ bán máy bay chiến đấu tàng hình Su-57E cho một quốc gia ở Châu Á) của tác giả Charlie Gao.
Trong bối cảnh các cường quốc xuất khẩu vũ khí như Nga, Mỹ liên tục xúc tiến các hoạt động thương mại loại "hàng hóa đặc biệt" này trên phạm vi toàn cầu, chúng tôi xin được lược dịch bài viết nhằm đem lại một cái nhìn khách quan hơn cho độc giả.
Một quốc gia Đông Nam Á công khai quan tâm tới Su-57E?
Tại triển lãm MAKS-2019, Tập đoàn Sukhoi đã trình bày biến thể xuất khẩu của máy bay chiếm ưu thế trên không tàng hình tối tân của Nga, Su-57E.
Người Nga đã liên tục hợp tác với một số quốc gia trong quá trình phát triển Su-57, nó cho thấy phiên bản trưng bày tại MAKS không phải là trò đùa, và máy bay chiến đấu này đã sẵn sàng để xuất khẩu cho những khách hàng quan tâm.
Phiên bản xuất khẩu Su-57E, máy bay chiếm ưu thế trên không tàng hình thế hệ 5 được trưng bày trong MAKS-2019.
Nhưng khi Đại sứ Myanmar tại Nga bình luận rằng họ đang quan tâm đến Su-57, điều này đã gây ngạc nhiên cho những người quan tâm tới quân sự thế giới bởi Không quân Myanmar thường được được biết tới là một lực lượng ít được trang bị nhiều máy bay phản lực hiện đại.
Theo The Military Balance 2019, các máy bay chiến đấu của Myanmar bao gồm một số lượng nhỏ tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29SE/SM/UB, được tăng cường bởi một số tiêm kích Thành Đô F-7M và JF-17 Thunder của Trung Quốc.
Myanmar đã đặt hàng số lượng nhỏ (6 chiếc Su-30SME) vào năm 2018, các máy bay chiến đấu này vẫn đang trong quá trình bàn giao và huấn luyện. Tuy nhiên, đơn đặt hàng Su-30SME có thể giải thích một phần lý do tại sao Myanmar quan tâm đến Su-57E.
Nếu quốc gia ĐNÁ này có ngân sách dành cho các đơn đặt hàng Su-30SME bổ sung, họ sẽ rất dễ dàng chuyển thành các đơn đặt hàng Su-57E vì một lý do đơn giản, Su-30SME có giá gần tương đương với Su-57E.
Một bức ảnh được cho là Su-30SME của Myanmar (xuất hiện trên truyền thông nước này vào cuối tháng 4/2019) cho thấy nó đang thực hiện chuyến bay đầu tiên.
Chuyên gia quân sự Nga Michael Kofman ước tính giá của Su-57E nằm trong khoảng từ 45 đến 54 triệu USD mỗi chiếc (mặc dù người Nga đã chi nhiều hơn cho chương trình và phân bổ trên mỗi đầu máy bay).
Xét một cách tương đối, đơn hàng Su-30SME của Myanmar có giá từ 35 đến 50 triệu USD mỗi chiếc.
35 triệu nằm ở mức thấp, tuy nhiên một chiếc Su-30SME được đặt hàng vào năm 2018 sẽ phải nâng cấp để duy trì khả năng cạnh tranh với các mẫu Su-35 mới hơn khiến chi phí thực tế dành cho mỗi chiếc Su-30SME của Myanmar là gần 50 triệu USD.
Thay vì việc bỏ ra 50 triệu USD cho một chiếc Su-30SME, Myanmar có thể lựa chọn Su-57E với chi phí tối đa 54 triệu USD, khá thấp cho một máy bay chiến đấu thế hệ thứ 5, với năng lực tăng đáng kể.
Mức giá mà Michael Kofman ước tính cho mỗi chiếc Su-57E ở trên dường như là quá thấp, nếu có thì chỉ dành riêng cho khách hàng nội bộ là Không quân Nga mà thôi.
Chắc chắn Moscow sẽ không xuất khẩu tiêm kích tàng hình với giá "rẻ như cho" bởi nó còn thấp hơn cả Su-35 (Trung Quốc mua với giá 85 triệu USD/chiếc) hay Su-30MKI và Su-30MKA (khoảng 70-80 triệu USD/chiếc).
Xét về logic, tiêm kích tàng hình thế hệ 5 không thể rẻ hơn tiêm kích thế hệ 4+ hay 4++. Có thể lấy ví dụ như Ấn Độ nâng cấp các tiêm kích Su-30MKI có sẵn của mình lên chuẩn Super Sukhoi đã mất tới 40 triệu USD/chiếc, và sau nâng cấp nó vẫn chỉ là 4++.
Những chiếc Su-30SME của Myanmar được cho là đang nằm tại Nga để phục vụ cho công tác huấn luyện phi công.
Su-57E có phù hợp với Không quân Myanmar hay không?
Vào năm 2018, tờ Thời báo Myanmar đưa ra thông tin rằng việc nước này đặt hàng máy bay đa nhiệm Su-30SM nhưng trên thực tế có lẽ các máy bay này chỉ đóng vai trò chống quân nổi dậy (cường kích).
Tuy nhiên việc giải thích mua máy bay chiếm ưu thế trên không Su-57E với vai trò này là hoàn toàn không thực tế.
Trong Không quân Nga, Su-25SM3 là máy bay cường kích chính. Nó được bọc thép nặng nề với các mấu cứng để mang theo hàng tấn vũ khí, do vậy việc giảm hiển thị radar của nó như máy bay tàng hình Su-57 không phải là ưu tiên hàng đầu.
Máy bay cường kích Su-25SM3
Đối với các phi vụ tập kích phức tạp, liên quan đến việc sử dụng hệ thống ngắm nhiều mục tiêu, máy bay Su-34 hai chỗ ngồi sẽ được sử dụng. Cả hai máy bay cường kích nói trên vẫn tiếp tục đồng hành cùng với Su-57 phục vụ trong Không quân Vũ trụ Nga.
Không giống như F-35 có Hệ thống ngắm mục tiêu quang điện tử (EOTS) tiên tiến rất hữu ích cho các phi vụ cường kích, Su-57 không có các cảm biến đặc biệt hoặc thiết bị nào được tối ưu cho vai trò tấn công mặt đất.
Buồng lái hiện đại của nó với hai màn hình đa chức năng lớn có thể là một chi tiết đáng chú ý, nhưng các máy bay hiện đại khác của Nga như phiên bản mới nhất của máy bay huấn luyện hạng nhẹ Yak-130 cũng có màn hình tương tự như vậy.
Myanmar cũng đã mua 12 chiếc Yak-130 trong các hợp đồng trước đây, và nó có thể hoàn thành tốt các nhiệm vụ mà báo chí nước này gọi là "chống nổi dậy".
Như vậy, việc mua sắm Su-57E có thể chỉ là một động thái nhằm tăng cường tiềm lực không đối không, điều này có vẻ khá hợp lý vì sự "mất cân bằng" với những chiếc MiG-29 của Myanmar hiện tại và các quốc gia láng giềng.
Máy bay tiêm kích chiếm ưu thế trên không MiG-29 của Không quân Myanmar.
Hiện tại, Không quân Myanmar đang đứng sau (cả về chất lượng lẫn số lượng) nếu so với không quân nước láng giềng Thái Lan với 7 máy bay đa nhiệm SAAB JAS-39 Gripen và 38 chiếc F-16A/B đang nâng cấp.
Su-57E sẽ là một "đối thủ khó nhằn" đối với cả hai loại máy bay này và việc Sukhoi thành công với đơn hàng này có khả năng sẽ thúc đẩy Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á khác mua Su-57E cho riêng mình.
Tác giả Charlie Gao là một nhà bình luận quân sự quốc phòng thường xuyên xuất bản các bài viết trên National Interest, Defense Politic Asia và Overt Defense.
Charlie Gao tốt nghiệp cử nhân văn học của ĐH Grinnell, Thạc sĩ An ninh và phát triển quốc tế của của ĐH Jagiellonia và hiện đang sinh sống tại Skokie, Illinois, Hoa Kỳ.
Su-57 của Nga hạ cánh siêu ngắn trong MAKS-2019.