Ankara đã triển khai binh sĩ và trang thiết bị quân sự tới vùng nông thôn Ain Issa, phía Bắc Al-Raqqa. Ảnh minh họa
Theo Hurriyet Dailynews, trong bài báo gần đây trên Bloomberg nhân 10 năm cuộc nội chiến ở Syria, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan viết: “Phương Tây nên giúp Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt nội chiến Syria”. Đây là bài viết quan trọng vì một số lý do.
Thổ Nhĩ Kỳ cùng Nga và Iran đã góp phần chấm dứt cuộc nội chiến ở Syria. Và đây có lẽ là lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ đưa ra lời kêu gọi phương Tây giúp Thổ Nhĩ Kỳ chấm dứt thảm kịch ở quốc gia này.
Những ai còn nhớ những năm đầu tiên của cuộc nội chiến Syria hẳn sẽ nhớ thực tế Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ đã hoàn toàn cùng quan điểm về cuộc khủng hoảng ở quốc gia Trung Đông với tư cách là hai thành viên tích cực của Những người bạn của Nhân dân Syria.
Nhưng mọi thứ đã thay đổi đáng kể sau sự xuất hiện của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) cùng với các nhóm khủng bố cực đoan khác đã làm mưa làm gió khắp Syria và Iraq trong nhiều năm.
Quyết định của Mỹ trong việc hợp tác với YPG trong cuộc chiến chống IS ở Syria, cùng với sự hợp tác mở rộng của Thổ Nhĩ Kỳ với Nga ở Syria, đã dẫn đến những khoảng cách giữa Ankara và Washington cũng như nhiều nước phương Tây khác bị IS tấn công.
Lời kêu gọi của ông Erdoğan nên được hiểu là một dấu hiệu cho thấy Ankara sẵn sàng xem xét lại mối quan hệ hợp tác đã bị bỏ rơi với các đối tác phương Tây. Và điều này xuất phát từ ba động cơ:
Thứ nhất, như đã thấy trong năm vòng họp gần đây nhất của các cuộc họp ở Geneva, Ủy ban Hiến pháp không mang lại kết quả. Chính quyền ông Bashar al-Assad còn gặp nhiều cản trở và nhiều khúc mắc trong quá trình tiến đến hòa bình.
Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ không còn tuyên bố rằng: "Ông Assad phải ra đi", nhưng Ankara đã nhắc lại sự cần thiết của một quá trình chuyển đổi chính trị và dân chủ trong quốc gia Trung Đông này. Rõ ràng, phương Tây còn có thể làm được nhiều hơn nữa để đạt được mục tiêu này.
Thứ hai, đời sống kinh tế khó khăn và đại dịch Covid-19 ngày càng phức tạp. Như đã thấy trong các báo cáo của Liên hợp quốc, người dân Syria, đặc biệt là trẻ em và phụ nữ, đang phải chịu đựng rất nhiều hậu quả từ cuộc khủng hoảng kéo dài.
Vì cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết, hàng triệu người Syria đang phải di cư dự kiến sẽ không sớm trở về nhà. Điều đó có nghĩa là cộng đồng quốc tế phải ngay lập tức giúp đỡ các quốc gia tiếp nhận người di cư, bao gồm Thổ Nhĩ Kỳ, Jordan và Lebanon.
Ankara đã triển khai binh sĩ và trang thiết bị quân sự tới vùng nông thôn Ain Issa, phía Bắc Al-Raqqa. Ảnh minh họa
Thứ ba, khoảng trống chính trị tiếp tục đang đặt ra những mối đe dọa mới đối với Syria, các nước láng giềng và toàn thế giới khi có những lo ngại về sự phục sinh của các phần tử khủng bố cực đoan.
Bài báo của ông Erdoğan có thể được coi là một phần trong những nỗ lực gần đây của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm hàn gắn mối quan hệ với các đối tác phương Tây, đặc biệt là châu Âu và Mỹ, những người có quan điểm trái ngược về tình hình ở đông bắc Syria.
Thổ Nhĩ Kỳ dường như đã sẵn sàng chấp nhận hiện trạng ở đông bắc Syria và chuyển trọng tâm chú ý sang các vấn đề chính trị và nhân đạo.
Trong khi đó, trung tâm Hòa giải Nga về các bên tham chiến ở Syria mới đây đã bày tỏ quan ngại về việc các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ gửi quân tiếp viện tới tỉnh Al-Raqqa, miền Bắc Syria, và củng cố các vị trí của họ ở đó.
“Phía Nga vô cùng lo ngại trước việc chuyển giao các thiết bị quân sự và việc củng cố các công sự ở những vị trí xung quanh làng Ain Issa thuộc tỉnh Al-Raqqa của lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ.
Những hành động này vi phạm biên bản ghi nhớ và làm suy yếu nỗ lực của hai bên trong việc giải quyết xung đột Syria”, Thiếu tướng Alexander Karpovi, Phó giám đốc Trung tâm Hòa giải Nga cho biết.
Trước đó, có thông tin cho biết Ankara đã triển khai binh sĩ và trang thiết bị quân sự tới vùng nông thôn Ain Issa, phía Bắc Al-Raqqa. Vào cuối năm 2020, vùng nông thôn Ain Issa chứng kiến bạo lực gia tăng sau khi Lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ triển khai nhiều cuộc tấn công vào các vị trí của SDF.