Bất lực trước bom thông minh của Nga, Ukraine tìm cách giáng đòn vào Su-34

Hoàng Phạm |

Hệ thống phòng thủ của Ukraine không thể đối phó với bom thông minh của Nga, vì vậy Kiev muốn có các công cụ để hạ gục Su-34 - tiêm kích thả loại bom này.

Người phát ngôn quân đội Ukraine cho biết Kiev không thể đối phó với bom thông minh của Nga và cần các máy bay chiến đấu cũng như hệ thống phòng không tầm xa để hạ gục tiêm kích thả loại bom này.

Theo các chuyên gia quân sự, hơn một năm sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, các chiến tuyến phần lớn là tĩnh, nhưng điều đó có thể thay đổi nếu một bên giành được lợi thế trên không. Tên lửa đất đối không và sức mạnh trên không sẽ mang lại cho Ukraine khả năng phòng thủ chắc chắn hơn và tấn công mạnh mẽ hơn.

Ông David Deptula, trung tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu, người từng lên kế hoạch cho chiến dịch không quân Bão táp Sa mạc (Desert Storm) và chỉ đạo hoạt động không quân trong các cuộc xung đột sau này, nói rằng “Sức mạnh trên không là lợi thế bất đối xứng duy nhất có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay và về cơ bản đó là cách duy nhất để mang lại cho Ukraine lợi thế quyết định so với Nga”. Theo ông, điều đó có nghĩa là F-16 và cũng chính là loại máy bay chiến đấu mà Ukraine mong muốn.

Bất lực trước bom thông minh của Nga, Ukraine tìm cách giáng đòn vào Su-34 - Ảnh 1.

Máy bay F-16. Ảnh: Không quân Mỹ

Trong một cuộc họp báo ngày 5/5, Người phát ngôn Không quân Ukraine, Đại tá Yurii Ihnat cho biết Kiev đang đối mặt với một thách thức lớn - những quả bom lượn thông minh mà máy bay chiến đấu của Nga có thể thả ở tầm xa để né tránh hệ thống phòng thủ của Ukraine.

Ông Ignat cáo buộc Nga phóng tới 20 quả bom dẫn đường trên tiền tuyến mỗi ngày. Những loại bom này có thể bay xa tới 70 km và tấn công các cơ sở hạ tầng quan trọng, cũng như các mục tiêu khác của Ukraine.

“Chúng tôi không thể chống lại loại bom này. Hệ thống phòng không của chúng tôi không hiệu quả trong việc đối phó chúng. Tuy nhiên, chúng tôi có thể tìm cách hạ gục những chiếc Su-34 mang loại bom đó”, ông Ihnat nói.

Ông Ian Williams, một chuyên gia phòng thủ tên lửa và an ninh quốc tế tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) có trụ sở tại Washongton DC cho biết: “Bom dẫn đường là một vấn đề nan giải đối với hệ thống phòng không vì chúng có thời gian bay ngắn và thường có rất ít tín hiệu hồng ngoại”.

Chiến lược của Nga là cho máy bay bay tầm thấp để tránh bị radar phát hiện, sau đó leo dốc lên độ cao nhất định để thả bom và nhanh chóng ra rời khỏi vùng nguy hiểm. Điều này khiến lực lượng phòng thủ của Ukraine rất khó đối phó.

Ukraine cần gì?

Trong cuộc họp báo hôm 5/5, ông Ihnat cũng nhấn mạnh, Ukraine cần thêm vũ khí, đặc biệt là hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu, từ các nước phương Tây để chống lại chiến thuật sử dụng bom thông minh của Nga.

“Chúng tôi cần những gì để đối phó với chúng? Mọi người đều biết câu trả lời”, ông Ihnat nói.

“Chúng tôi cần một bàn tay nối dài để tiếp cận đối phương ở khoảng cách xa hơn những gì chúng tôi có thể hiện nay. Hệ thống phòng không có khoảng cách xa nhất mà chúng tôi có là S-300, nhưng đó là vũ khí thời Liên Xô”, ông Ihnat nhấn mạnh.

Ukraine hiện sở hữu một số thiết bị của phương Tây có thể nhắm mục tiêu máy bay đối phương ở khoảng cách 150km. Các khẩu đội Patriot mà Kiev mới nhận từ Mỹ và các đối tác ở châu Âu, dù phù hợp về tầm bắn nhưng hạn chế về số lượng.

Theo ông Ihnat, F-16 do Mỹ sản xuất có thể “đối phó hiệu quả với lực lượng hàng không Nga dọc theo rìa khu vực chiến sự”.

Tuy nhiên, theo cựu phi công của Không quân Mỹ John Venable, máy bay thế hệ 4 này không phù hợp trong cuộc xung đột ở Ukraine hiện nay. Thiếu đặc tính tàng hình, các máy bay chiến đấu như F-16 sẽ “hoàn toàn bị áp đảo trong môi trường rủi ro cao”.

Ông Venable, hiện là nhà nghiên cứu cấp cao về chính sách quốc phòng tại tổ chức tư vấn The Heritage Foundation, cho rằng hệ thống phòng không tiên tiến của Nga, với các tổ hợp S-400 sẽ có thể nhắm mục tiêu chính xác vào F-16 trước khi chúng kịp vào tầm thả bom.

Tuy nhiên, một số chuyên gia khác cho rằng các máy bay chiến đấu như F-16 của Mỹ là phương tiện chiến đấu quan trọng giúp Ukraine có lợi thế trên không và giúp nước này phá vỡ thế bế tắc trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát bầu trời.

Công cụ thích hợp đối phó tiêm kích bom Su-34 của Nga

Không bình luận cụ thể về máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Mỹ, ông Williams nói rằng “máy bay chiến đấu được trang bị tên lửa không đối không tầm xa sẽ giúp ích” cho Ukraine. Chúng có thể nhìn rõ đường chân trời hơn và chặn máy bay Nga trước khi đối phương có thể vào trong phạm vi ném bom.

Ông Justin Bronk, một chuyên gia về không quân tại Viện RUSI có trụ sở tại London, cho rằng, “máy bay chiến đấu của phương Tây chắc chắn sẽ tăng cường khả năng sống sót cũng như khả năng sát thương trên không của Lực lượng Không quân Ukraine”.

Theo ông Deptula, chủ nhiệm Viện nghiên cứu hàng không vũ trụ Mitchell, cách “hiệu quả nhất” để đối phó với tiêm kích ném bom của Nga là “tiêu diệt những chiếc Su-34” và cách tốt nhất là loại bỏ chúng “trước khi chúng cất cánh”.

Bất lực trước bom thông minh của Nga, Ukraine tìm cách giáng đòn vào Su-34 - Ảnh 2.

Máy bay Su-34 của Nga tại Army Games 2021. Ảnh: Reuters

“Loại bỏ mọi yếu tố chính trị, từ góc độ quân sự, cách hiệu quả nhất để đối phó với mối đe dọa đó là tiêu diệt những máy bay tiêm kích khi chúng ở dưới mặt đất. Nhưng nếu không thể thực hiện được điều đó, thì cần phải hạ gục những chiếc máy bay đó trên không”, ông Deptula nói.

“Cách hiệu quả nhất để đối phó chúng [tiêm kích bom của Nga] trên không là sử dụng các máy bay chiến đấu có hệ thống vũ khí với tầm bắn với thích hợp”, ông nói, đồng thời nhấn mạnh đây là một lý do để cung cấp F-16 cho Ukraine.

Mùa hè năm 2022, ông Bronk lập luận rằng mặc dù F-16 phù hợp về mặt chính trị và hậu cần, nhưng chiếc máy bay này có thể không hiệu quả bằng tiêm kích Gripen của Thụy Điển - loại máy bay phù hợp hơn trên quan điểm hoạt động do thiết kế, bộ tác chiến điện tử bên trong, dễ bảo trì và có thể sử dụng Meteor - tên lửa không đối không ngoài tầm nhìn với tầm bắn tối đa khoảng 200 km.

Theo ông Deptula, cho dù đó là F-16, F/A-18, Gripen hay Rafale, chúng đều có sẵn ở châu Âu hiện nay. Vấn đề chỉ là ở chỗ Mỹ sẵn sàng hỗ trợ máy bay chiến đâu cho Ukraine hay không./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại