Bật lửa đốt dây bóng bay, 4 người phải nhập viện cấp cứu

Ngọc Minh |

Chùm bóng bay bị rối, người đàn ông đã lấy bật lửa đốt dây khiến chùm bóng phát nổ lớn làm cho 1 người lớn và 3 trẻ nhỏ bị thương nặng nề.

Bóng bay bơm khí hydro dễ phát nổ khi có nguồn nhiệt

Mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An đã tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân bị bỏng nặng do nổ bóng bay. Nguyên nhân xảy ra vụ nổ là do chùm bóng bay bị rối dây vào nhau, trong lúc gỡ rối dây một người đã dùng bật lửa để cắt những sợi dây.

Sau đó lửa đã nhanh chóng lan lên chùm quả bóng khiến cả chùm bóng bay phát nổ, gây thương tích cho cả 4 người (1 người lớn và 3 trẻ em).

TS. Thái Văn Bình, Trưởng khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho hay may mắn cả bệnh nhân đều sống sau vụ nổ, nhưng hậu quả để lại là rất nặng nề. Trong đó, 2 bệnh nhi bỏng độ II, III diện tích bỏng vùng đầu, mặt, cổ , 2 cánh tay và 1 bệnh nhân còn lại chịu thương tích không nhẹ.

Bật lửa đốt dây bóng bay, 4 người phải nhập viện cấp cứu - Ảnh 1.

Một bệnh nhân bị bỏng nặng đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình – Bỏng, ảnh BVCC.

Theo chuyên gia bóng bay thường được bơm khí hydro hoặc acetylene là những chất khí nhạy với chất nổ. Khi bóng bay ở gần nguồn nhiệt (tàn thuốc, nguồn lửa…) sẽ tạo ra sự co giãn, tăng áp suất khí trong quả bóng gây hiện tượng cháy nổ. Bóng càng to thì nguy cơ cháy nổ càng lớn.

Bóng bay có thể gây thương tích cho người đứng gần. Đặc biệt là những vùng hở trên cơ thể như mặt, tay là những vùng nguy hiểm dễ bị bỏng nhất. Đây cũng là những điểm gây mất thẩm mỹ và có khả năng để lại di chứng lâu dài cho bệnh nhân.

Tiến sĩ Bình khuyến cáo, trẻ nhỏ là đối tượng hay bị bỏng do bóng bay nhiều nhất vì thế các gia đình không nên mua những quả bóng quá lớn để trang trí nhà vào dịp lễ, Tết.

Để tránh nguy hại, khi bơm bóng mọi người không được bơm quá căng. Khi trẻ chơi đùa với bóng bay, người lớn cần đặc biệt lưu ý để tránh được những tai nạn đáng tiếc.

Trong trường hợp có nạn nhân bị bỏng do bóng bay nổ người thân hoặc những người xung quanh cần nhanh chóng loại bỏ những chất gây bỏng trên da nạn nhân. Sau đó, lập tức tìm cách phân vùng bỏng theo mức độ, ngâm vùng nước bỏng vào nước mát ngay. Tuyệt đối không được bôi kem đánh răng lên vết bỏng sẽ dễ làm nhiễm trùng.

Sau khi sơ cứu, mọi người cần dùng gạc y tế, quấn lỏng quanh vùng bỏng của nạn nhân để bảo vệ cho da không bị nhiễm trùng và nhanh chóng đưa bệnh nhân tới bệnh viện.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại