Các hoạt động của hải quân và cảnh sát biển Trung Quốc (hải cảnh) hoạt động ở Biển Đông thường thu hút nhiều mối quan tâm. Nhưng truyền thông Mỹ cho rằng còn có điều đáng lo ngại hơn thế, một lực lượng được cho là "vũ khí bí mật" của Trung Quốc: Dân quân biển.
Ngày 24/09, trong bài phát biểu trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện, Giáo sư Học viện chiến tranh hải quân Mỹ, Andrew Erickson cho biết, tại Biển Đông, Trung Quốc hiện có ba lực lượng vũ trang đang hiện diện gồm:
"Tàu chiến màu xám của hải quân, tàu màu trắng của hải cảnh và tàu xanh của lực lượng dân quân biển. Chắc chắn lực lượng hải quân sẽ có tính uy hiếp lớn và có thể dễ dàng dẫn đến leo thang xung đột, do đó, việc triển khai các tàu chiến được Trung Quốc hạn chế hơn".
Hải cảnh và các lực lượng chấp pháp khác luôn là sự lựa chọn đầu tiên của Trung Quốc khi triển khai ở Biển Đông chứ không phải các tàu hải quân. Từ năm 2010 đến năm 2016, có đến 71% các tranh chấp trên biển liên quan đến các tàu hải cảnh Trung Quốc.
Tàu cá Trung Quốc bao vây tàu cảnh sát biển Hàn Quốc. Ảnh: AFP
Mối lo ngại của Erickson tập trung vào lực lượng dân quân trên biển. Chuyên gia này cho rằng, dân quân biển được Trung Quốc coi là lực lượng hải quân thứ ba, hoạt động dựa trên danh nghĩa các tổ chức bán quân sự ở tiền tuyến bằng các hành động dưới dạng phi quân sự.
Những tàu loại này thường giả dạng thành tàu cá nhưng thường không hoặc rất ít thực hiện các hoạt động đánh bắt hải sản.
Erickson nhấn mạnh rằng "những tàu cá giả dạng này là các tổ chức dân quân được chính phủ Trung Quốc thiết lập và hoạt động của chúng được đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của quân đội."
Bài báo chỉ ra rằng các tàu dân quân Trung Quốc đã tham gia vào rất nhiều hoạt động. Trong năm 2009, các tàu dân quân xuất hiện cùng với lực lượng khác của Trung Quốc, "quấy rối" các tàu do thám Mỹ.
Trong năm 2011, lực lượng này đã ngăn cản trái phép tàu khảo sát biển Việt Nam hoạt động trong vùng biển thuộc chủ quyền hợp pháp của mình. Năm 2012, dân quân biển Trung Quốc tham gia vào các hành động gây rối ở bãi cạn Scarborough.
Trong năm 2014, lực lượng này tham gia hỗ trợ các tàu Trung Quốc gây hấn nhằm bảo vệ giàn khoan triển khai trái phép trong vùng biển Việt Nam. Năm 2015, các tàu dân quân biển Trung Quốc tham gia xua đuổi tàu chiến "Larsen" của Mỹ đang trong quá trình thực hiện sứ mệnh tuần tra đảm bảo "tự do hàng hải".
Đội tàu của dân quân biển Trung Quốc ở cảng Baimajing, đảo Hải Nam ngày 7.4.2016. Ảnh: Reuters.
Erickson nói, Trung Quốc thông qua sự phát triển của lực lượng dân quân biển, đã làm nổi lên một "làn sóng mới đáng quan ngại".
Trung Quốc đã triển khai ở Biển Đông một số tàu lớn loại mới cho lực lượng dân quân trên biển. Đây là các tàu vỏ thép được gia cố để tăng khả năng đâm húc, ngoài ra một số tàu loại này còn được lắp đặt vòi rồng.
Những đặc điểm này thẳng thắn mà nói thì hoàn toàn không phải là bình thường, bởi lẽ khi đâm húc và kết hợp với vòi rồng xua đuổi các tàu đánh cá của nước khác sẽ gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng.
Erickson cho rằng, sự tham gia của dân quân biển Trung Quốc đánh dấu quá trình nước này thực thi học thuyết quân sự hóa Biển Đông.
Mặc dù đang tập trung vào chiến lược "trở lại châu Á-Thái Bình Dương", cố gắng để hạn chế mối đe dọa và uy hiếp từ Trung Quốc, nhưng bản thân Mỹ vẫn chưa có biện pháp để đối phó với "lực lượng trên biển thứ ba" của Trung Quốc ở Biển Đông.
Erickson cho biết các quan chức Mỹ cần phải vạch mặt bản chất và hành động của lực lượng này, "nếu chúng ta thờ ơ không quan tâm, lực lượng dân quân trên biển của Trung Quốc có thể đánh lừa thế giới bên ngoài", Erickson nói.
Ông cũng yêu cầu chính phủ Mỹ cần phải tuyên bố công khai lực lượng dân quân biển của Trung Quốc là "tổ chức bán quân sự".
Đồng thời, Mỹ cũng nên chia sẻ thông tin tình báo có liên quan với các nước chịu ảnh hưởng cũng như bị tác động bởi lực lượng này.
Mỹ cũng phải rõ ràng rằng lực lượng dân quân có vũ trang trên biển này nhiều lần bỏ qua cảnh báo của chiến hạm Mỹ và Mỹ nên có biện pháp đối phó tương ứng.