Hải quân Mỹ cho biết, lần đầu tiên kể từ năm 2012, Hải quân Mỹ đã triển khai đồng thời 4 cụm tàu sân bay tấn công tại nhiều khu vực trên thế giới, cùng với 2 tàu sân bay đang thực hiện các nhiệm vụ trong nước.
Theo nguồn tin trên, tàu sân bay USS Ronald Reagan ngày 4/6 đã rời căn cứ ở Yokosuka, Nhật Bản. Ngày 1/6, tàu USS Dwight D.Eisenhower khởi hành từ bờ biển phía Đông nước Mỹ, lên đường làm nhiệm vụ.
Tàu USS Harry S.Truman đang hoạt động tại phía Đông Địa Trung Hải, tham gia cuộc chiến chống nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Iraq và Syria, trong khi tàu sân bay USS John C.Stennis vẫn tiếp tục thực hiện các hoạt động tuần tra ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm USS John C. Stennis.
Ngoài ra, 2 tàu sân bay USS Carl Vinson và USS George Washington của Hải quân Mỹ hiện đang hoạt động lần lượt ở ngoài khơi bờ biển phía Tây và phía Đông nước này. Như vậy, với tổng cộng 6/10 tàu sân bay trong biên chế đang được triển khai, Hải quân Mỹ hiện có tỷ lệ triển khai tàu sân bay cao nhất trong nhiều năm qua.
Phản ứng trước động thái này, Trung Quốc cho rằng việc Mỹ điều động hai tàu sân bay tới Biển Đông là điều "rất không bình thường". Tờ Global Times dẫn lời chuyên gia quân sự Trung Quốc giấu tên nhận định việc Mỹ điều động nhiều tàu sân bay tới Biển Đông có lẽ vì muốn "làm chỗ dựa cho Philippines".
Tòa Trọng tài Thường trực quốc tế (PCA) ở The Hague, Hà Lan có thể sẽ đưa ra phán quyết vụ Philippines kiện yêu sách "đường lưỡi bò" Trung Quốc vào tháng 6. "Điều này chắc chắn sẽ đẩy mâu thuẫn ở Biển Đông lên cao", bài báo trích lời chuyên gia.
Cụm tàu sân bay chiến đấu Mỹ John C. Stennis đang hoạt động tại Biển Đông và sẽ tham gia diễn tập hải quân RIMPAC 2016 vào đầu tháng 7 tại Hawaii. Cụm tàu Ronald Reagan khởi hành ngày 4/6 từ cảng Yokosuka, Nhật Bản sẽ tới thay thế. Theo Navy Times, tàu Stennis và Reagan có khả năng sẽ hoạt động tại Biển Đông cùng nhau trong một thời gian, trước khi tàu Stennis đến Hawaii.
Chuyên gia này cho rằng Biển Đông không có diện tích lớn, hai cụm tàu sân bay Mỹ tới đây là điều "rất không bình thường", trong khi nơi này không có chiến sự giống vùng Trung Đông. Nếu có điều lý giải, thì chỉ có thể hiểu là gây sức ép với Trung Quốc trong bối cảnh phán quyết của PCA nhiều khả năng có lợi cho Philippines.
Truyền thông Trung Quốc hô hào ngăn chặn "Philippines hành động ở bãi cạn Scarborough và Bãi Cỏ Mây dưới sự yểm hộ của tàu chiến Mỹ". Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam cũng là đối tượng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc.
Nhiều trang tin quân sự Trung Quốc cho rằng nước này cần đẩy mạnh giám sát hạm đội tàu Mỹ và "có những bố trí thích hợp" ở Biển Đông, tăng cường tập trận bắn đạn thật để Mỹ "không có gan làm bừa".
Theo Defense News, hải quân Mỹ triển khai đồng thời 4 cụm tàu sân bay chiến đấu ở các vùng trên thế giới, trong đó có một ở Biển Đông và một ở Địa Trung Hải. Mỹ được coi là đang có tỷ lệ triển khai tàu sân bay cao bất thường.
Tuy nhiên, động thái không nhằm ứng phó với một cuộc khủng hoảng cụ thể nào. "Tất cả đều đã được lên kế hoạch trong nhiều tháng, theo chương trình Quản lý Lực lượng Toàn cầu", một quan chức hải quân Mỹ nói, đề cập đến kế hoạch chỉ đạo các cuộc triển khai lớn của Lầu Năm Góc.
Lần cuối cùng 4 cụm tàu sân bay chiến đấu được triển khai đồng thời là trong khoảng thời gian dài hơn 9 tuần từ cuối tháng 8/2012 đến đầu tháng 11/2012.