Tuổi mới bị mắc ngày càng trẻ hóa
Tổ chức Y tế thế giới thống kê mỗi năm có gần 19 triệu người tử vong vì bệnh lí tim mạch, trong khi ung thư là hơn 10 triệu người, phổi tắc nghẽn mãn tính gần 2 triệu người và tiểu đường là 3,3 triệu người. Trong số bệnh nhân tử vong vì tim mạch, riêng bệnh động mạch vành có tới 9 triệu người. Tại Việt Nam, Bộ Y tế thống kê mỗi năm có khoảng 200.000 người tử vong vì bệnh tim mạch, chiếm hơn 30% số ca tử vong do các bệnh mãn tính không lây nhiễm. Trong khi số tử vong do ung thư năm 2020 là 122.600 trường hợp.
Các chuyên gia của Viện Tim mạch Việt Nam chuẩn bị ca can thiệp tim mạch. Ảnh: T.H
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam thông tin, ngày nay, bệnh tim mạch đã trở thành nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở hầu hết các nước trên thế giới và ở Việt Nam. Bệnh tim mạch bao gồm: bệnh mạch vành, các bệnh van tim, các bệnh tim bẩm sinh, bệnh động mạch chủ, các bệnh động mạch ngoại biên, suy tim, bệnh thấp tim, bệnh cơ tim, loạn nhịp tim... Trong đó, bệnh động mạch vành và đột quỵ não là nguyên nhân gây tử vong hoặc tàn phế nhiều nhất.
Những năm qua, các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch tại Việt Nam tăng nhanh chóng. Ví dụ bệnh tăng huyết áp, khoảng 25% - 47% người Việt trưởng thành mắc căn bệnh này. Đáng ngại, số người tăng huyết áp mà không biết mình bị tăng huyết áp chiếm tới 50% và số người tăng huyết áp được kiểm soát tốt (điều trị, thay đổi lối sống) chỉ đạt khoảng 1/3. Cùng đó, tỉ lệ đái tháo đường tuýp 2 tăng đáng kể, nhưng có tới 65% số người bị đái tháo đường hoàn toàn không biết mình mắc bệnh.
“Bệnh lí tim mạch thường được cho là chỉ gặp ở người lớn tuổi. Song trên thực tế, tần suất mắc bệnh ở người trẻ và trung niên cao hơn chúng ta nghĩ. Nó có thể xảy ra với bất kì ai và bất kì lứa tuổi nào, tuổi mới bị mắc ngày càng trẻ hoá. Người trẻ thường cho rằng họ không có nguy cơ mắc bệnh nên họ thường chủ quan và không có biện pháp phòng ngừa hợp lí. Đó là gánh nặng lớn cho người bệnh, gia đình cũng như toàn xã hội”, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nói.
Thay đổi lối sống
GS.TS Nguyễn Lân Việt, Phó Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, cho rằng thói quen hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, lối sống ít vận động kèm theo chế độ thực phẩm, ăn uống không hợp lí, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhanh… dẫn tới béo phì, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, đái tháo đường là nguyên nhân dẫn đến các bệnh tim mạch. Hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe. Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch (khi có các yếu tố nguy cơ như tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn lipid) cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp.
“Hầu hết các bệnh tim mạch hiện nay có thể phòng ngừa được một cách hiệu quả thông qua việc điều chỉnh lối sống có hại cho sức khỏe như bỏ hút thuốc lá, chế độ ăn lành mạnh, tăng cường tập luyện thể lực và không lạm dụng rượu bia. Người đã bị bệnh tim mạch hoặc nguy cơ cao bị bệnh tim mạch cần được đánh giá sớm và thực hiện các biện pháp phòng bệnh và dùng thuốc phù hợp”, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nói.
Tại Đại hội Tim mạch toàn quốc lần thứ 18 với chủ đề “30 năm tim mạch học Việt Nam” vừa diễn ra, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, tại Việt Nam, mô hình bệnh tật đã thay đổi rất nhanh trong vài thập kỉ vừa qua, với sự gia tăng nhanh chóng của các bệnh không lây nhiễm, trong đó có bệnh tim mạch. Tuy nhiên, hầu hết các bệnh lí tim mạch có thể phòng ngừa và điều trị hiệu quả.