Chia sẻ với PV Báo suckhoedoisong.vn trong chương trình đào tạo liên tục về suy tim và quản lý bệnh nhân suy tim vừa diễn ra tại Viện Tim mạch VN (BV Bạch Mai), PGS.TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch VN – Tổng thư ký Hội Tim mạch học VN cho biết, suy tim hiện vẫn đang là gánh nặng toàn cầu (với 1-2% dân số thế giới bị suy tim – tương đương khoảng 26 triệu người mắc bệnh); tỉ lệ mắc suy tim tăng theo tuổi ở cả hai giới. Tại Mỹ có gần 650.000 ca mắc mới mỗi năm.
Riêng khu vực Đông Nam Á có tỉ lệ suy tim cao do đây là khu vực đa dạng về văn hóa xã hội và lịch sử độc đáo và do là khu vực có tốc độ phát triển dân số nhanh, lên tới >600 triệu người, phần đông là dưới 65 tuổi.
Ở VN, tuy chưa có thống kê chính thức nhưng ước tính có khoảng 320.000 đến 1,6 triệu người mắc bệnh suy tim, ước tính 1-1.5% dân số.
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng.
“Nếu như ở các nước khác, suy tim là hậu quả cuối cùng của một loạt bệnh lý như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý mạch vành, bệnh nhân thường kèm theo bệnh phức tạp khác như COPD, thì ở VN lại có thêm một đặc điểm nữa là có các bệnh lý lây nhiễm, bệnh van tim do thấp...
Chính vì vậy, độ tuổi suy tim hiện nay có xu hướng thấp hơn các nước đang phát triển, suy tim xảy ra ở bất kỳ tuổi nào, thậm chí từ khi sinh ra nếu không điều trị dễ dẫn đến bệnh lý nặng hơn. Thông thường bệnh nhân suy tim nhập viện khá muộn, chỉ khi khó thở tưởng như không thở được họ mới chịu đi khám...”- chuyên gia tim mạch nêu thực trạng.
Mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong điều trị suy tim nhưng theo PGS. Hùng, đây vẫn là một bệnh tiến triển với bệnh suất và tử suất cao.
Dự báo số lượng bệnh nhân suy tim sẽ còn tiếp tục tăng do tuổi thọ người dân ngày càng cao; tăng các yếu tố nguy cơ và số bệnh nhân sống sót sau can thiệp mạch vành tăng.
“50% bệnh nhân suy tim tử vong trong vòng 5 năm, cao hơn cả ung thư. Điều này khác với suy nghĩ của nhiều người về căn bệnh này, không biết rằng suy tim là nghiêm trọng…”- PGS. Hùng cho hay.
Bên cạnh đó, vấn đề đáng quan tâm nữa là chi phí điều trị suy tim cao do tỷ lệ nhập viện cao và chất lượng cuộc sống thấp.
Tại 5 trung tâm tim mạch lớn (gồm Viện Tim mạch VN, BV Chợ Rẫy, BV Đại Học Y Dược TP.HCM, Viện Tim Hồ Chí Minh, BV Thống Nhất) số bệnh nhân nhập viện do suy tim khoảng 4000 ca/năm, chi phí mỗi đợt điều trị lên đến 25 triệu đồng. Chi phí cho bệnh nhân chủ yếu lại cho các đợt nằm viện điều trị nội trú.
Cần chương trình quản lý tổng thể
Nhiều ý kiến cho rằng, việc điều trị suy tim hiện nay ở nước ta vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa có các nghiên cứu dịch tễ cộng đồng, chưa có chương trình, ưu tiên nào về suy tim, nguồn lực còn hạn chế. Bên cạnh đó vẫn còn thiếu các phương tiện chẩn đoán, thuốc và thiết bị tối ưu. Việc chi trả BHYT bị áp lực cắt giảm chi phí…
Về phía người bệnh, nhận thức về bệnh suy tim còn rất hạn chế, cùng với đó là việc tuân thủ điều trị, hợp tác với thầy thuốc còn hạn chế, khả năng tiếp cận thầy thuốc chuyên khoa thấp…
Ảnh minh họa.
“Thực tế điều trị suy tim hiện nay ở mỗi chuyên khoa, đơn vị điều trị lẻ tẻ chưa chưa có được chương trình tổng thể thống nhất, trong khi đó bệnh suy tim mạn tính cần điều trị suốt đời và bệnh nhân tuân thủ điều trị mới là quan trọng”- PGS. Hùng nhấn mạnh.
Vị chuyên gia đầu ngành tim mạch này cũng chỉ rõ, việc điều trị suy tim cần phải đạt 2 mục tiêu rất quan trọng đó là tăng thời gian sống và tăng chất lượng cuộc sống sau điều trị suy tim; thứ 2 là việc quản lý bệnh nhân suy tim một cách tổng thể.
Kinh nghiệm tại một số quốc gia có chương trình theo dõi bệnh nhân suy tim tốt cho thấy, bệnh nhân sẽ được quản lý đồng bộ, lên danh sách chẩn đoán rồi có kết nối bệnh nhân – bác sĩ, tái khám định kỳ, giáo dục sức khỏe từ cách ăn uống, cân nặng,… để bác sĩ tư vấn điều chỉnh cho phù hợp, ngay cả khi theo dõi các triệu chứng, nhập viện...
Tất cả đều được quản lý từ xa qua các ứng dụng công nghệ thông tin giúp theo dõi đồng bộ, cải thiện đời sống cho bệnh nhân suy tim, giảm số lần bệnh nhân nhập viện, giảm nguy cơ tử vong từ đó giảm gánh nặng cho cộng đồng.
Trước mắt, Viện Tim mạch VN sẽ thí điểm triển khai chương trình quản lý bệnh nhân suy tim, xây dựng bộ công cụ, phần mềm quản lý, thiết lập chương trình theo dõi bệnh nhân suy tim.
Đồng thời cụ thể hóa hướng dẫn chẩn đoán hơn nữa, có các câu lạc bộ bệnh nhân suy tim, tư vấn hỗ trợ suy tim… kịp thời cho người dân để điều trị sớm, hoặc tránh nhầm lẫn sang các bệnh khác.
Theo ước tính, 20% ngân sách y tế của nhiều quốc gia dành để điều trị suy tim. 70% ngân sách điều trị suy tim dành cho chi phí của nhập viện điều trị. Chỉ có 10% chi phí điều trị là dược phẩm trị liệu.
Tại Việt Nam, ước tính chi phí cho điều trị suy tim lên đến 96 triệu USD/năm.
Theo các bác sĩ, từ nhiều năm nay các thuốc dùng để điều trị bệnh nhân suy tim là ức chế bê ta, ức chế men chuyển/kháng thụ thể, nitrate, digoxin và lợi tiểu. Tuy nhiên bệnh nhân suy tim vẫn tử vong đến 50% sau 5 năm, cao hơn cả ung thư.
Năm 2016 và 2017, một thuốc điều trị mới được Hiệp Hội Tim mạch Châu Âu và Hiệp Hội Tim mạch Mỹ khuyến cáo cho sử dụng, nhằm làm giảm thêm đến 20% tử vong và nhập viện. Đây là niềm hy vọng mới cho bệnh nhân suy tim.
Ngoài điều trị thuốc, các bác sĩ khuyến cáo cần thực hiện đồng bộ những biện pháp như: áp dụng các mô hình các nước tiên tiến và trong khu vực: cử cán bộ đi học, hợp tác các trung tâm khác trên thế giới. Xây dựng các đơn vị chuyện biệt quản lý bệnh nhân suy tim.
Xây dựng quy trình, phác đồ điều trị, quản lý bệnh nhân suy tim. Xây dựng phần mềm quản lý, thiết lập chương trình theo dõi bệnh nhâ suy tim. Đào tạo nguồn lực tại chỗ và cho các tuyến cùng các bệnh viện vệ tinh....