Bánh chưng là món ăn truyền thống trong ngày Tết Nguyên đán. Các gia đình thường gói khá nhiều bánh nên việc bảo quản bánh chưng không bị cứng, ẩm mốc là điều cần thiết để đảm bảo an toàn thực phẩm cho gia đình.
1. Bánh chưng để được bao nhiêu ngày?
Bánh chưng được làm từ gạo nếp, đậu xanh và thịt. Vì là một món ăn tổng hợp nhiều nguyên liệu, việc bảo quản bánh chưng rất quan trọng để giữ được chất lượng và hương vị thơm ngon. Thời gian bảo quản trung bình của bánh chưng là từ 2 đến 3 ngày ở nhiệt độ phòng. Nếu trời lạnh dưới 20 độ C có thể để được hơn 1 tuần.
Các dấu hiệu chứng tỏ bánh chưng bị hư
Để nhận biết xem bánh chưng đã hư hay chưa, bạn cần kiểm tra các dấu hiệu như màu sắc, mùi hương và độ ẩm của bánh chưng. Nếu bánh có màu sắc thay đổi, mùi hương khó chịu hoặc bánh quá khô hoặc dẻo, có khả năng bánh đã hư và không an toàn để ăn.
Ăn bánh chưng mốc ảnh hưởng đến sức khỏe như thế nào?
Bánh chưng rất dễ bị mốc vì có độ ẩm cao cũng như có chứa nhiều nguyên liệu. Nếu ăn bánh chưng mốc có thể gây ra các vấn đề về tiêu hóa như buồn nôn, nôn mửa và tiêu chảy.
Khi nghi ngờ bị ngộ độc thực phẩm do ăn bánh chưng mốc, nên đưa người bệnh tới cơ sở y tế ngay. Người nhà nên giúp người bệnh nôn hết thực phẩm đã ăn để hạn chế tối đa chất độc hấp thụ tại ruột và bảo vệ niêm mạc dạ dày cũng như hệ tiêu hóa không bị tổn thương quá nặng.
2. Có nên bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh không?
Việc bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh có một số ưu điểm cũng như nhược điểm.
Về ưu điểm, nhiệt độ lạnh giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và mốc, giữ cho bánh chưng tươi ngon hơn trong thời gian dài, đặc biệt tránh tình trạng ngộ độc thực phẩm do nấm mốc.
Về nhược điểm, bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh có thể ảnh hưởng đến mùi vị và chất lượng của bánh, khiến bánh trở nên cứng và khó ăn.
Tuy nhiên, bảo quản bánh chưng trong tủ lạnh là lựa chọn tốt nếu như bạn muốn bảo quản bánh trong thời gian dài. Tuy nhiên, hãy nhớ kiểm tra trước khi ăn và nên ăn nhanh chóng để tránh tình trạng bánh chưng trở nên cứng và không ngon.
3. Cách bảo quản bánh chưng không bị mốc
Để bảo quản được bánh chưng lâu ngày, trong quy trình gói bánh cũng như bảo quản, mọi người nên lưu ý những điều sau:
- Đảm bảo từ khâu chế biến
Từ khâu chế biến và luộc bánh, bạn phải hết sức chú ý để giữ bánh được lâu mà không bị hỏng. Một số lưu ý trong quy trình này như:
+ Lá trước khi gói phải được rửa sạch, để ráo nước.
+ Khi gói bánh, bạn gói vừa phải, không quá lỏng khi luộc bánh sẽ bị thấm nước, mềm và dễ hỏng nhưng cũng không quá chặt, bánh sẽ bị cứng.
+ Bánh cần phải luộc chín kỹ mới ngon và bảo quản được lâu.
+ Sau khi lấy bánh ra, bạn nên rửa lại bằng nước sạch. Đặt bánh xuống sàn có đệm lót rồi đặt một vật nặng lên trên để vắt bớt nước (với bánh tét bạn không cần ấn).
- Để ở nơi thoáng mát
Muốn bánh chưng để được lâu, bạn phải để bánh ở nơi khô ráo, thoáng mát, không có bụi bẩn trong nhà để bảo quản. Nếu bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng, mọi người nên lưu ý không xếp chồng bánh lên nhau mà hãy trải đều ra hoặc treo lên cao.
- Bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh
Đặt bánh chưng đã bọc kín vào ngăn mát tủ lạnh. Bánh chưng có thể được bảo quản ở ngăn mát khoảng 1 tuần. Đối với việc bảo quản lâu dài hơn, bạn nên đặt bánh chưng vào ngăn đông tủ lạnh. Bánh chưng có thể được bảo quản trong tủ đông từ 1-2 tháng mà vẫn giữ được chất lượng.
- Hút chân không
Hút chân không là phương pháp bảo quản bánh được lâu ngày, có thể lên tới hơn 10 ngày và không bị nấm mốc. Cách làm rất đơn giản, bánh chưng sau khi luộc xong để khô ráo, cho bánh vào túi zip, dùng máy hút chân không hoặc nhúng bánh vào thùng nước để đẩy không khí ra ngoài rồi đóng chặt miệng túi.
4. Cách hấp lại bánh chưng bảo quản trong tủ lạnh
Để hấp lại bánh chưng đã bảo quản trong tủ lạnh và giữ được hương vị thơm ngon, bạn có thể thực hiện theo các bước sau:
- Lấy bánh chưng ra khỏi tủ lạnh và để ở nhiệt độ phòng khoảng 30 phút cho bánh hồi nhiệt đều.
- Chuẩn bị một nồi hấp hoặc xửng, đổ đầy nước vào phần dưới nồi và đun sôi.
- Khi nước đã sôi, đặt bánh chưng vào xửng hấp.
- Hấp bánh chưng trên lửa vừa phải trong khoảng 20-30 phút.
- Kiểm tra bánh chưng sau khoảng thời gian trên, nếu bánh đã nóng đều thì có thể tắt bếp và lấy bánh ra.
- Để bánh chưng nghỉ một chút cho ráo hơi nước rồi bóc bánh ra thưởng thức.
Lưu ý không để bánh chưng hấp quá lâu, tránh làm cho bánh bị nở và mất dạng.
Có thể nói, bánh chưng rất dễ bị mốc nếu như bảo quản không đúng cách. Nếu bảo quản bánh ở nhiệt độ phòng, mọi người không nên để bánh quá lâu. Khi bánh có dấu hiệu nấm mốc thì nên vứt ngay, không nên cắt bỏ phần mốc và ăn phần còn lại, vì nấm mốc sinh ra có thể xâm nhập vào phần bánh chưa hỏng, khiến bạn có nguy cơ bị ngộ độc khi ăn.