Không quân Thổ Nhĩ Kỳ "một lần nữa" có cơ hội trang bị F-35?
Ngày 17/7/2019, Mỹ tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn tham gia vào chương trình F-35 do nước này trang bị hệ thống phòng không S-400 của Nga,
Trước khi bị Mỹ "hất cẳng", Thổ Nhĩ Kỳ đang chịu trách nhiệm sản xuất hàng trăm chi tiết cho F-35, đầu tư hàng trăm triệu USD và lên kế hoạch mua sắm khoảng 100 chiếc F-35 để trang bị cho không quân nước này.
Năm 2017, Thổ đã lên kế hoạch chi 11 tỷ USD cho 100 chiếc F-35A CTOL (biến thể cất-hạ cánh thông thường), sau đó đã tăng lên con số 120 chiếc bao gồm biến thể F-35B STOVL (biến thể cất cánh đường băng ngắn và hạ cánh thẳng đứng) phục vụ cho tàu sân bay Anadolu.
Các công ty Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia sản xuất
Tuy nhiên cho tới nay mới chỉ có 14 chiếc F-35A đã chính thức ký hợp đồng, trong đó 4 chiếc đã được hoàn thiện và bàn giao tại căn cứ không quân Luke, Arizona phục vụ cho việc huấn luyện phi công Thổ Nhĩ Kỳ ngay ở Mỹ.
Vào đầu tháng 10/2019, theo tờ Star của Thổ Nhĩ Kỳ, chiếc F-35 thứ 5 đã được hoàn thiện, tuy nhiên quá trình vận chuyển toàn bộ 5 chiếc F-35 về Thổ Nhĩ Kỳ (dự kiến trong tháng 11/2019) hiện bị "đóng băng".
Hôm 8/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đăng một loạt tweet gây xôn xao, đề cập tới việc Ankara là một đối tác thương mại lớn của Mỹ, nhà cung cấp thép chính cho bộ khung của F-35 và cho biết sẽ chào đón ông Erdogan tại Nhà Trắng vào ngày 13/11.
Các hợp đồng cung cấp máy bay chiến đấu F-35 và hệ thống phòng không S-400 hiện là vấn đề nan giải nhất trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 11/11, tờ Middle East Eyes đưa tin TT Mỹ đã gửi một bức thư tới người đồng cấp Thổ.
Bức thư đi kèm thông điệp rằng Mỹ sẽ trừng phạt nếu Thổ không chịu ngưng mua thêm vũ khí Nga (được cho là phản ứng sau thông tin Thổ-Nga đàm phán về máy bay chiến đấu Su-35) và không kích hoạt hệ thống S-400.
Thông điệp còn "bổ sung" thêm về việc nếu Thổ thực thi theo đúng các cảnh báo, Mỹ sẽ cân nhắc về tư cách của Thổ trong chương trình F-35.
Ngày 12/11, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã lên đường sang Mỹ và dự kiến sẽ gặp người đồng cấp Hoa Kỳ ông Trump tại Nhà Trắng vào ngày 13/11. Nhiều khả năng TT Thổ Nhĩ Kỳ sẽ nhượng bộ ông Trump trong cuộc gặp nói trên.
Theo thông lệ sau các cuộc gặp, lãnh đạo hai nước sẽ đưa ra các thông báo được cho là liên quan tới hai vấn đề quan trọng được thảo luận, bao gồm tình hình Syria và thương vụ F-35.
Nếu Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục được Mỹ cho phép tham gia chương trình F-35, chương trình TF-X của nước này có thể "giải mã công nghệ" của F-35 hay không?
Tại sao Mỹ "kê cao gối ngủ" khi F-35 được bán khắp thế giới?
Vậy F-35 có thực sự là máy bay do Mỹ sản xuất? Và Mỹ không lo lắng về việc bị "đánh cắp công nghệ" khi các đối tác (Anh - Nhật Bản - Hàn Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ - Italia) đều đang có những chương trình máy bay tàng hình của riêng họ?
Câu trả lời có thể được lấy ví dụ như một chiếc điện thoại iPhone do Apple thiết kế, linh kiện được sản xuất tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan, được lắp ráp tại Trung Quốc và xuất khẩu ra toàn thế giới.
Nói cách khác, máy bay chiến đấu thế hệ 5 F-35 Lightning II (được ví von là iPhone của thị trường vũ khí) là một sản phẩm được nghiên cứu, phát triển và lắp ráp tại Mỹ với các chi tiết nhập khẩu từ các đồng minh.
F-22 Raptor là máy bay tàng hình chiếm ưu thế trên không do các nhà sản xuất vũ khí Mỹ nghiên cứu và chế tạo cho lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, ngược lại F-35 được nghiên cứu vừa để trang bị, vừa để xuất khẩu với sự tham gia chế tạo của các đồng minh nước ngoài.
Người Mỹ rút ra "bài học" từ F-22 khi chi phí nghiên cứu, phát triển và duy trì hoạt động khổng lồ trở thành "cái bẫy tài chính" và khiến máy bay bị "đội giá" tới mức các ưu thế của máy bay không cân bằng với số tiền bỏ ra (ước tính vào khoảng 216 triệu USD mỗi chiếc vào năm 2017).
Vào thập niên 1990, kế hoạch biến F-35 thành một máy bay chiến đấu đa quốc gia và bán cho các đồng minh nhằm bù đắp chi phí phát triển được cho là ý tưởng hợp lý.
Mỹ đang bán "vung vãi" máy bay tàng hình khắp thế giới với việc trang bị F-35 của 12 lực lượng không quân (Nguồn: Foreign Policy).
Ý tưởng này cũng thỏa mãn "tâm lý khách hàng" khi bỏ ra hàng tỷ USD và thu thập được một số công nghệ để sản xuất một số chi tiết máy bay trong nước. Để thực hiện điều đó, các công ty từ quốc gia tham gia chương trình sẽ có cơ hội đấu thầu trong các hợp đồng thầu phụ.
Theo nhà sản xuất Lockheed Martin, F-35 được thiết kế để chống lại việc "đánh cắp công nghệ". Nói cách khác, họ chỉ chia sẻ việc sản xuất các bộ phận cơ bản theo sau các thỏa thuận với các nhà thầu phụ, còn những công nghệ tối quan trọng (phần mềm điều khiển...) vẫn là "vùng cấm".
Mỗi máy bay được sản xuất đi kèm với các hệ thống theo dõi và hỗ trợ kỹ thuật bảo trì và bảo hành của Lockheed Martin, điều đó đồng nghĩa với việc các quốc gia sở hữu nó khó có thể tháo rời để nghiên cứu, hay "nếu bạn lấy đi một phần của F-35, họ (Lockheed) sẽ biết điều đó".
Ngược lại, F-22 Raptor không được thiết kế cho mục đích trên ngay từ đầu, chính vì vậy dòng tiêm kích chiếm ưu thế trên không đã bị ngừng sản xuất này không thể có cơ hội xuất khẩu như F-35 Lightning II.
F-35 Lightning II và F-22 Raptor trong một hoạt động diễn tập trên bầu trời nước Anh.