"Hòn bấc ném qua, hòn chì ném lại"
Việc phân chia lại một lần nữa lãnh thổ bắc Syria vừa mới kết thúc, khi Mỹ phải dùng tới những lời đe doạ, từ trừng phạt kinh tế cho tới các hành động quân sự đối với Thổ Nhĩ Kỳ, thì cũng là lúc Ankara đưa ra một cái bắt tay hoà hoãn cho Washington. Đây có phải là "nhát dao đâm sau lưng" mới đối với Moscow hay không?
Xin lưu ý rằng "con mèo" đã chạy ngang qua hai cường quốc mạnh nhất thế giới cùng nằm trong khối NATO, đó là khi Tổng thống Erdogan mong muốn mua các tổ hợp tên lửa phòng không S-400 của Nga thay vì của Mỹ.
Để đáp trả, ông Donald Trump đã loại bỏ các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình chế tạo chiếc tiêm kích F-35 thế hệ thứ 5.
Mối quan hệ giữa hai nước xấu đi trông thấy sau chiến dịch quân sự dưới tên gọi "Mùa xuân hoà bình" của Thổ Nhĩ Kỳ mở màn, nhằm chống lại những người Kurd Syria – đồng minh của Mỹ.
Ông Trump đã sử dụng những lời lẽ hết sức gay gắt trong tuyên bố chính thức gửi người đồng cấp Erdogan, với thông báo về các biện pháp trừng phạt đối với Ankara và việc Washington thừa nhận hành động thảm sát người Armenia của Thổ Nhĩ Kỳ, như dầu đổ thêm vào lửa.
Những diễn này xảy ra đúng thời điểm có sự rạn nứt nghiêm trọng bên trong nội bộ NATO và khả năng Thổ Nhĩ Kỳ rút khỏi liên minh này.
Tuy nhiên, Phương Đông là vấn đề tế nhị. Khi đã có được thứ mình muốn trong vấn đề Syria, Ankara đã đi một nước cờ nhượng bộ với Mỹ.
Nga đã chuyển giao cho Thổ Nhĩ Kỳ lô tên lửa S-400 đầu tiên.
Người Thổ "chăn dắt" Mỹ và Nga
Đại diện ngành công nghiệp quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ, ông Ismail Demir, đã đưa ra tuyên bố cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không coi đề tài liên quan tới việc tham gia của họ vào dự án tiêm kích F-35 của Mỹ đã khép lại.
Đồng thời, quan chức cấp cao này cũng công khai bóng gió rằng, Ankara có phương án đối với tiêm kích của Nga: "Chúng tôi có đề xuất của phía Nga, và chúng tôi đang đánh giá đề xuất này. Nó cần được đánh giá từ quan điểm tài chính, kỹ thuật và chiến lược".
Như người ta vẫn nói, đây là kiểu "kinh doanh chợ búa" đúng nghĩa. Người Thổ "chăn dắt" Mỹ và Nga để giành lấy những điều kiện tốt nhất khi tham gia vào quá trình nghiên cứu chế tạo tiêm kích thế hệ thứ 5.
Ankara rất quan tâm tới chiếc máy bay này, thậm chí còn cố gắng triển khai dự án tương tự bằng nguồn lực tự có, nhưng đang gặp phải những vấn đề liên quan tới kinh nghiệm và trình độ.
Tiêm kích F-35 do Mỹ chế tạo.
Việc loại bỏ Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 là một cú tát đau. Lời mời chào Su-57 của Tổng thống Nga Putin có thể là sự thay thế đối với các tiêm kích của Mỹ, nhưng bản thân Erdogan cần chính là các công nghệ.
Hiện giờ, tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, khi nhận thấy ý nghĩa của đất nước mình đối với các đồng minh trong khối NATO, lẫn đối với Moscow trong việc vận chuyển khí đốt tới châu Âu, đang đẩy các đối thủ cạnh tranh vào thế tranh giành lẫn nhau.
Họ cũng "chăn dắt" Điện Kremlin theo kiểu tương tự đối với S-400. Xin lưu ý rằng giai đoạn 1 của kế hoạch bàn giao đã hoàn tất. Những tổ hợp phòng không đã được bán bằng vốn tín dụng của chính Nga và nhanh chóng được vận chuyển cho Thổ Nhĩ Kỳ bằng các máy bay vận tải hạng nặng An-124 Ruslan.
Nhưng giờ đây, Ankara lại nghĩ tới việc lùi thời hạn tiếp nhận giai đoạn 2: "Hoạt động hợp tác sản xuất có thể thay đổi chút ít lộ trình đã định sẵn, khi đẩy thời hạn, có thể, xuống cuối năm 2020".
Đây là vấn đề liên quan tới việc nội địa hoá một phần hoạt động sản xuất các hệ thống phòng không tại Thổ Nhĩ Kỳ. Nói một cách thẳng thắn, việc chuyển giao toàn bộ những công nghệ tương tự cho quốc gia thành viên NATO không phù hợp với lợi ích quốc gia của Nga.
Nhưng sự phụ thuộc của Moscow vào "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" lớn tới mức bậc thầy về kinh doanh – Tổng thống Erdogan khó có thể để vuột khỏi tay cơ hội giành được những điều kiện tốt nhất cho mình.
Tạm thời, nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ đang nối nhịp một cách cẩn trọng với Washington, nhằm chờ đợi ai sẽ là người giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử tổng thống tại Mỹ vào năm tới.