* Cập nhật...
Mỹ bổ sung thêm các triệu chứng Covid-19
Báo Tuổi trẻ đưa tin, Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ vừa tăng gấp 3 số triệu chứng mới của bệnh Covid-19 bao gồm cả đau cơ, đau đầu và mất khứu hoặc vị giác.
Trước đây, CDC chỉ liệt kê 3 triệu chứng chính có thể gặp phải khi mắc Covid-19 là khó thở, sốt và ho. Hiện tại, các biểu hiện như sốt, ho, khó thở, ớn lạnh, run rẩy, đau cơ, đau đầu, đau họng và mất vị giác hoặc khứu giác đều là các triệu chứng của căn bệnh do virus SARS-CoV-2 gây ra này, theo CDC.
Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ ngày thứ 2 đến ngày thứ 14 sau khi một người bị phơi nhiễm với virus corona chủng mới.
Thêm một vấn đề đáng lưu ý khác về virus corona là virus có thể gây tử vong ở một số bệnh nhân nhưng lại không gây ra triệu chứng nào ở một số người khác dù rằng họ vẫn có khả năng lây bệnh.
(Link bài gốc tại đây)
Đã có vắc xin ngừa Covid-19 bước vào giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng
Theo Zing.vn đưa tin, các nhà khoa học Trung Quốc đã bắt đầu bước vào giai đoạn 2 của thử nghiệm lâm sàng loại vắc xin bất hoạt phòng ngừa Covid-19.
Cả hai giai đoạn thử nghiệm vắc xin này đã được Cơ quan Quản lý Sản phẩm Y tế Quốc gia Trung Quốc phê duyệt và thử nghiệm lâm sàng bắt đầu vào ngày 12/4.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới WHO, vắc xin bất hoạt được sản xuất từ các vi sinh vật (virus, vi khuẩn...) đã bị tiêu diệt thông qua các quá trình vật lý hoặc hóa học. Vắc xin bất hoạt sử dụng phương pháp cấy virus corona đã chết vào bộ nhớ của tế bào miễn dịch trong cơ thể. Nhờ điều này, khi cơ thể bị chủng virus nguy hiểm này tấn công, các tế bào sẽ kịp thời có phản ứng miễn dịch.
Loại vắc xin bất hoạt này cũng sẽ trải qua giai đoạn thứ 3 của thử nghiệm lâm sàng và có thể mất khoảng một năm để hoàn thành.
(Link bài gốc ở đây)
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long: 3 khả năng về các trường hợp dương tính trở lại
GS.TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế cho biết trên báo Sức khoẻ và đời sống, từcác trường hợp dương tính trở lại có thể đặt ra 3 vấn đề chuyên môn:
Thứ nhất, người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ 2, là khả năng những người đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus nhưng ở dạng bất hoạt- xác virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ 3, là khả năng người lành mang trùng. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long (Ảnh: SKĐS)
Ông Long cho biết các trường hợp có xét nghiệm âm tính sau đó lại dương tính thì sẽ giao cho 2 labo tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển được thì chứng tỏ người đó chưa khỏi bệnh.
Ngoài ra, ngành y tế cũng xem xét tới khả năng kháng thể không thể tiêu diệt được virus bằng cách tiến hành lấy mẫu hết tất cả những trường hợp đã điều trị để xét nghiệm kháng thể trung hòa. "Có trường hợp chúng tôi dự đoán kháng thể đó không thể tiêu diệt được virus. Như vậy virus sẽ tồn tại ở một thời gian rất dài trong cơ thể"- Ông Long nói.
(Link bài gốc tại đây)
Mỹ khuyến cáo không dùng thuốc chữa sốt rét trong điều trị COVID-19
Hydroxychloroquine, một trong các loại thuốc chữa sốt rét, từng được tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi là "vũ khí" điều trị Covid-19, gây ra cơn sốt "càn quét" loại thuốc này ở nhiều nơi trên nước Mỹ và thế giới.
Tuy nhiên hôm qua 24/4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm của Mỹ (FDA) khuyến cáo không nên sử dụng hydroxychloroquine và chloroquine để điều trị Covid-19, vì có nguy cơ gây ra những vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim. Khuyến cáo đặc biệt nhấn mạnh đến các bệnh nhân điều trị Covid-19 tại nhà.
(Xem link gốc tại đây).
Việt Nam sẽ sớm sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19
Báo Hà Nội Mới đưa tin, trong cuộc họp Hội đồng chuyên môn nghiệm thu hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, cho biết hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa Covid-19.
Việc sử dụng huyết tương của những người bệnh đã khỏi đã truyền cho bệnh nhân Covid-19 cũng là một liệu pháp mà thế giới đang thử nghiệm.
Ông Lương Ngọc Khuê cho biết, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và lãnh đạo Bộ Y tế đã chỉ đạo, Việt Nam cần sớm triển khai hướng dẫn tạm thời về tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19.
(Xem link gốc tại đây)
Vẫn đang có nhiều nghiên cứu về nó virus Sars-CoV-2
Mùa hè, dịch bệnh Covid-19 sẽ giảm lây lan?
Thông tấn xã Việt Nam dẫn lời của ông William Bryan, cố vấn khoa học và công nghệ cho Ban thư ký Bộ An ninh nội địa Mỹ cho biết, các nhà nghiên cứu của Chính phủ Mỹ đã phát hiện virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 yếu đi nhanh chóng trong các điều kiện nhiệt độ, độ ẩm cao và có ánh sáng mặt trời.
Từ nghiên cứu này ông Bryan kết luận, những điều kiện như mùa hè sẽ tạo ra một môi trường có thể giảm lây lan dịch bệnh. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh, giảm lây lan không có nghĩa là xóa bỏ dịch bệnh hoàn toàn, do đó không thể dỡ bỏ toàn bộ các biện pháp giãn cách xã hội.
(Xem link gốc tại đây)