Cán bộ nhà trường hướng dẫn học sinh trước khi tiêm vắc xin COVID-19 - Ảnh: X.M.
Hơn nửa ngày sau tin "Tại sao TP.HCM tìm tên 579 nhân viên y tế không cho con chích vắc xin COVID-19?" đăng trên Tuổi Trẻ Online, rất nhiều bạn đọc bày tỏ ý kiến không đồng tình với cách làm việc "răn đe, cảm tính" của Sở Y tế TP.HCM, bên cạnh số ít ủng hộ và cho rằng con nhân viên y tế thì phải tiêm liều vắc xin để làm gương.
Bạn đọc Anh Quân nêu bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 dần ổn định, cuộc sống cũng dần trở lại trạng thái bình thường nhưng đã có hàng ngàn bác sĩ và nhân viên y tế nghỉ việc. "Vậy Sở Y tế TP.HCM muốn gì khi "kết hợp" với Sở Giáo dục và Đào tạo TP tìm 579 nhân viên y tế này? Sau đó hệ lụy sẽ là gì?", anh đặt câu hỏi.
Còn anh Nguyễn Trung Kiên cho rằng, hiện tại luật vẫn quy định tiêm vắc xin COVID-19 là tự nguyện. Vậy Sở Y tế TP.HCM đã dựa vào điều gì để "truy vết" các phụ huynh là nhân viên y tế chưa cho con của họ tiêm phòng COVID-19? "Việc này có hợp pháp hay không?", anh Kiên đặt vấn đề.
Nhiều bạn đọc cũng cho rằng dù là nhân viên y tế đi nữa thì họ vẫn là con người, việc tiêm vắc xin cho con em họ vẫn dựa trên tinh thần tự nguyện. Với văn bản trên thì đã xâm phạm quyền cá nhân của họ.
"Tiêm hay không tiêm vắc xin phòng COVID-19 là quyền công dân. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con em họ. Dù là nhân viên y tế hay bất cứ ai thì cũng như nhau. Dùng văn bản này chẳng khác nào gây áp lực, ép buộc họ phải cho con em họ tiêm vắc xin", bạn đọc tên Phúc nêu ý kiến.
Tương tự, chị Mai cho rằng nhân viên y tế cũng có quyền chọn lựa cho con họ. Ngành y tế nên kêu gọi, vận động, chứ không được ép buộc.
Bạn đọc với nickname Hừng Đông mạnh dạn đề nghị các sở liên quan tôn trọng quyết định của công dân. Nhân viên y tế cũng là một công dân và bình đẳng với mọi công dân ngành nghề khác, đừng áp đặt.
Với phần đầu bạn đọc không đồng tình văn bản của Sở Y tế TP.HCM, thì bạn đọc tên Hưng cho rằng sở làm như vậy là chính xác, con em trong ngành y tế thì phải gương mẫu.
Phản hồi ý kiến bạn đọc tên Hưng, anh Kiên nêu quan điểm: "Tùy cái làm gương chứ bạn. Sức khỏe là của mình được tự do quyết định. Cả nhà tôi tiêm vắc xin đầy đủ nhưng tôi cũng chẳng phản đối ai không tiêm".
Trước nhiều ý kiến không đồng tình với văn bản yêu cầu của Sở Y tế TP.HCM, đại diện sở này giải thích: "Đây là công việc nội bộ cần làm rõ. Khi Sở Giáo dục và Đào tạo có công văn 3410 trao đổi với Sở Y tế, trong công văn này có con số 579 phụ huynh là nhân viên y tế chưa đồng thuận hoặc không đồng thuận cho con em mình tiêm. Để kiểm tra con số này có đúng không thì Sở Y tế có công văn 6890 như trên, chứ không áp đặt con của nhân viên y tế là bắt buộc phải tiêm vắc xin", vị này chia sẻ.
Trong thời điểm đỉnh dịch COVID-19 tại TP.HCM vào tháng 8-2021, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Dương Anh Đức đã nhấn mạnh, chính sách của Nhà nước Việt Nam là tiêm vắc xin COVID-19 hoàn toàn miễn phí và dựa trên tinh thần tự nguyện toàn dân.
Trước đó, ngày 20-9, Sở Y tế TP.HCM có nhận được công văn số 3410 của Sở Giáo dục và Đào tạo về kết quả khảo sát nhanh có 579/879 phụ huynh là nhân viên y tế không đồng thuận cho con tiêm vắc xin COVID-19.
Nhằm tiếp tục truyền thông, vận động đúng đối tượng đích và có cơ sở làm việc với các đơn vị trong toàn ngành, ngày 29-9, Sở Y tế có công văn 6890 gửi đến Sở Giáo dục và Đào tạo, đề nghị sở này cung cấp danh sách trẻ chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ vắc xin COVID-19 có phụ huynh là nhân viên y tế, đặc biệt là những phụ huynh không đồng thuận tiêm.
Theo báo cáo Bộ Y tế, TP.HCM vẫn là một trong 5 địa phương có tỉ lệ tiêm vắc xin COVID-19 mũi 3 cho trẻ từ 12-17 tuổi, mũi 1 và 2 cho trẻ từ 5-11 tuổi thấp nhất cả nước.
Theo tìm hiểu, một trong những lý do khiến tỉ lệ trẻ tiêm vắc xin COVID-19 ở TP.HCM thấp là do TP không còn nguồn vắc xin phù hợp để tiêm cho trẻ, vẫn đang chờ đợi Bộ Y tế phân bổ.