Bàn chân luôn bị lạnh mặc dù thời tiết ấm là dấu hiệu của bệnh gì?

MH |

Tình trạng bàn chân lạnh tuy không quá nguy hiểm, ít gây biến chứng cho sức khỏe, song ảnh hưởng tâm lý, thói quen sinh hoạt và có thể là dấu hiệu cảnh báo một số bệnh tiềm ẩn.

Thời tiết miền Bắc đang ấm dần lên, nhưng chị Minh Ngọc (Hà Nội) vẫn luôn phải đi tất dày ở chân kể cả lúc ngủ. Chị cho biết, từ sau khi bị nhiễm COVID-19 , chị luôn cảm thấy ớn lạnh, tay chân lạnh buốt, đi tất và mặc đồ ấm vẫn không đỡ hơn. Chị lo lắng bất an vì nếu tình trạng này cứ kéo dài sẽ không ổn, không chỉ về sức khỏe mà còn bất tiện khi muốn diện đồ thời trang mà chị yêu thích.

Theo chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga (Hà Nội), ông đã gặp và tư vấn nhiều cho bệnh nhân gặp phải hiện tượng này. Đây là một trong những rối loạn cơ thể sau khi khỏi COVID-19.

Giải thích về hiện tượng này, các chuyên gia cho biết nguyên nhân là do tình trạng vi huyết khối gây tắc mạch ở các mao mạch nhỏ, khiến máu lưu thông kém. Ngoài ra, có thể người bệnh gặp tình trạng rối loạn thần kinh thực vật sau COVID-19 gây ra do căng thẳng, stress dẫn đến rối loạn co thắt mạch máu.

Tình trạng này không quá nguy hiểm, ít gây biến chứng cho sức khỏe, song có thể ảnh hưởng tâm lý, thói quen sinh hoạt và làm việc. Một số trường hợp nếu không giữ ấm tốt dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến các bệnh về đường hô hấp.

Để cải thiện tình trạng này, bạn nên thường xuyên vận động nhẹ nhàng là cách giúp cơ thể tăng nhiệt, ăn các đồ ăn có tính ấm nóng, dùng trà gừng, quế... và luôn giữ ấm cơ thể. Bạn nên mang theo bình nước ấm bên người, vài viên kẹo ngọt... để khi thấy hơi mệt, cảm giác lạnh, có thể sử dụng để triệu chứng sớm qua.

Trong trường hợp sử dụng mọi biện pháp nhưng các triệu chứng không cải thiện, tốt nhất nên khám bác sĩ chuyên khoa. Bởi ngoài nguyên nhân do hậu COVID-19, chứng bàn chân lạnh còn là dấu hiệu cảnh báo bệnh sau:

Bàn chân luôn bị lạnh mặc dù thời tiết ấm là dấu hiệu của bệnh gì? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Xơ vữa động mạch

Những người có nguy cơ cao dễ bị xơ vữa động mạch là những người hút thuốc lá, mắc cao huyết áp, nồng độ cholesterol cao và lớn tuổi. Khi bị xơ vữa động mạch, các mảng bám cholesterol tích tụ bên trong thành động mạch làm tắc nghẽn lưu thông máu. Nếu các mảng xơ vữa xuất hiện ở động mạch dẫn đến bàn chân thì có thể khiến chân bị thường xuyên bị lạnh.

Mắc bệnh tiểu đường, thận

Người bị tiểu đường thường lưu thông máu kém. Đường huyết cao trong thời gian dài sẽ làm tổn thương niêm mạc các mạch máu, khiến mạch máu bị thu hẹp và cứng. Kết quả là làm giảm lưu thông máu đến chân, gây lạnh bàn chân. Ngoài tiểu đường, những vấn đề sức khỏe như bệnh gan, thận hay tiền sử gia đình cũng là nguyên nhân khiến bàn chân luôn bị lạnh hơn so với người khác.

Thiếu máu

Thiếu máu là tình trạng mà cơ thể tạo ra ít hồng cầu hơn bình thường. Nguyên nhân thường gặp là do thiếu sắt vì sắt là khoáng chất cần thiết để tạo ra hồng cầu. Hồng cầu có chức năng đưa ô xy đi khắp cơ thể. Khi lượng hồng cầu trong máu giảm thì bàn chân và nhiều cơ quan khác sẽ không nhận đủ ô xy. Do đó, thiếu máu có thể dẫn đến hàng loạt vấn đề sức khỏe, trong đó có cả bàn chân lạnh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại