Cái tên "xấu hổ" được đặt do mỗi khi chạm vào, lá cây sẽ cụp rũ xuống. Xấu hổ là một cây nhỏ, mọc hoang ở hàng rào, bãi cỏ rộng, ven đường thành bụi lớn. Bộ phận dùng làm thuốc là rễ và cành lá. Rễ được đào quanh năm, thái mỏng, phơi hoặc sấy khô. Cành lá thu hái vào mùa hạ, dùng tươi hay phơi khô.
Trong cây xấu hổ có chứa alcaloid là minosin và crocetin còn có flavonosid, các loại alcol, acid amin, acid hữu cơ. Hạt chứa chất nhầy, lá chiết ra một chất tương tự adrenalin. Trong lá và quả đều có selen.
Các nhà khoa học trên thế giới đã có nhiều công trình nghiên cứu cây xấu hổ, kết quả cho thấy cây có rất nhiều tác dụng đáng chú ý: Chống nọc độc rắn, chống co giật, chống trầm cảm, lo âu, hạ đường trong máu…
Tuy nhiên trong số đó phải kể đến công dụng kỳ diệu khi sử dụng cây xấu hổ trị đau lưng, các bệnh xương khớp khác nhau.
Theo nhà khoa học, Lương y Đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt nam, Hội Đông y Hà Nội), có thể dùng rễ cây xấu hổ đem sao vàng hạ thổ sau đó ngâm với rượu sẽ có tác dụng trị bệnh đau nhức xương khớp rất tốt. Đây là một vị thuốc quý được dân gian sử dụng từ lâu làm thuốc điều trị bệnh đau nhức xương khớp, thoái hóa cột sống.
Ngoài ra, lương y Bùi Đắc Sáng cũng đưa ra một số bài thuốc trị xương khớp từ cây xấu hổ như sau:
Chữa phong thấp, đau lưng, đau nhức xương khớp, chân tay tê bại
Bài 1: Chuẩn bị 20g rễ xấu hổ sao, 20g rễ bưởi bung sao, 20g rễ cúc tần, 10g cam thảo tây, 20g dây đau xương, 20g kê huyết đằng (máu gà), 20g rễ đinh lăng. Sắc uống 1 thang/ngày hoặc ngâm rượu uống.
Bài 2: Chuẩn bị rễ xấu hổ sao, hy thiêm thảo chế mật, thiên niên kiện, tục đoạn, dây gắm, dây đau xương, gai tầm xoọng, kê huyết đằng (máu gà), mỗi thứ 12g. Cùng 16g thổ phục linh, 4g cam thảo. Sắc uống 1 thang/ngày.
Bài 3: Hỗ trợ điều trị và dự phòng tái phát đau xương, thấp khớp, tê thấp.
Chuẩn bị 20g rễ xấu hổ sao khô, 20g toàn cây lá lốt đem đi sắc uống 1 thang/ngày.
Ngâm, xông, tắm chữa khớp
Bài 1: Thuốc tắm chữa viêm khớp:
Chuẩn bị rễ xấu hổ, lá long não, tía tô, đơn tướng quân, toàn cây lá lốt, mỗi thứ 40g. Cùng với quế chi, hoắc hương, hy thiêm thảo, ngải cứu, mỗi thứ 20g.
Cho tất cả vào nồi, thêm nước xâm xấp đun sôi, tới khi có mùi thơm tỏa ra trùm vải kín để hơi nước thuốc ngấm vào bộ phận bị bệnh, xông khoảng 10 - 15 phút mỗi ngày. Tới khi mồ hôi ra toàn thân thì dừng lại. Nên xông hoặc tắm hơi ngày 01 lần. Mỗi liệu trình 2 tuần, sau đó nghỉ 1 tuần rồi làm tiếp liệu trình khác.
Bài 2: Dự phòng tái phát đau xương, thấp khớp, tê thấp
Dùng 40g rễ xấu hổ sao khô, 40g toàn cây lá lốt đem đi sắc, cho thêm chút muối ăn. Dùng nước này để ngâm các khớp bị bệnh chừng 20-30 phút khi nước còn ấm.
Lưu ý khi sử dụng cây xấu hổ trị bệnh xương khớp
Theo lương y Sáng, dù cây xấu hổ có tác dụng rất tốt trong việc điều trị xương khớp, tuy nhiên trong quá trình sử dụng bệnh nhân cần lưu ý 2 điều sau để tránh tác dụng phụ:
- Cây có độc tính liều nhẹ nên không nên sử dụng số lượng lớn và liên tục. Tuyệt đối không sử dụng cho phụ nữ có thai.
- Gai xấu hổ có kích thước lớn nên rất ít gặp phải trường hợp uống phải gai xấu hổ khi sắc uống.