Nguyên nhân do nhiệt tà làm tổn thương phế, phế lạc bị tổn hại, dần dà lan tỏa tới thận mà biến thành chứng phế thận âm hư. Hoặc do phế kim không sinh thận thủy (bệnh mẹ liên lụy đến con) dẫn đến phế thận âm cùng hư.
Do táo nhiệt phạm phế, hoặc do tinh khí suy tổn, thận âm bị tổn hao, phế mất chức năng trị tiết, sự nhiếp nạp của thận không bền, mất tác dụng co thắt, thủy dịch dồn thẳng xuống mà sinh bệnh.
Do phế thận âm hư sinh chứng khái thấu
Triệu chứng: Bệnh nhân khái thấu ít đờm hoặc trong đờm có lẫn máu ngũ tâm phiền nhiệt, bệnh thường nặng về đêm, họng khô, tai ù, miệng ráo, choáng váng, cơ thể gầy còm, lưỡi đỏ ít rêu, mạch tế sác.
Phép trị: Tư dưỡng thận âm, nhuận phế chỉ khái.
Bài thuốc: “Nguyệt hoa hoàn” thiên môn 40g, mạch môn 40g, sinh địa 40g, a giao 40g, cúc hoa 80g, bách bộ 40g, sa sâm 40g, phục linh 20g, tam thất 20g, tang diệp 80g, hoài sơn 40g. Tán bột mịn làm viên hoàn mật, mỗi viên 5g, ngày uống 3 lần, mỗi lần 2 viên với nước đun sôi để ấm. Nếu làm thuốc sắc thì tùy chứng trạng của bệnh nhân mà dùng liều lượng và gia giảm cho thích hợp. Ngày uống 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày.
Vị thuốc đương quy trong bài thuốc dưỡng thận bổ phế.
Do phế thận âm hư sinh hen suyễn
Triệu chứng: Bệnh nhân suyễn gấp, hễ lao động thì bệnh tăng, tinh thần mệt mỏi.
Phép trị: Bổ phế chế thủy.
Bài thuốc “Sinh mạch tán” phối hợp với bài “Thất vị đô khí hoàn”.
Bài Sinh mạch tán gồm: nhân sâm 20g ngũ vị tử 12g, mạch môn 12g.
Bài Thất vị đô khí hoàn gồm: thục địa 12g, sơn thù 8g, hoài sơn 12g, ngũ vị tử 6g, phục linh 12g, đan bì 8g, trạch tả 12g.
Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, trước khi ăn.
Do phế thận âm hư sinh chứng thất âm (mất tiếng)
Triệu chứng: Bệnh nhân thường khàn tiếng, họng ráo, ho khan ít đờm, hư phiền ngủ kém, lòng bàn tay lòng bàn chân nóng, lưng đùi yếu, lưỡi đỏ mạch tế sác.
Điều trị: Dưỡng âm nhuận phế, hóa đờm.
Bài thuốc “Bách hợp cố kim thang”: sinh địa 16g, mạch môn 12g, đương quy 12g, huyền sâm 12g, bối mẫu 8g, thục địa 24g, bách hợp 20g, bạch thược 12g, cát cánh 8g, cam thảo 4g. Ngày 1 thang, sắc uống 3 lần. Tùy chứng trạng của bệnh nhân có thể gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp.
Do hư lao xuất hiện chứng phế thận âm hư
Triệu chứng: bệnh nhân thường có chứng mỏi lưng, triều nhiệt vãng lai, váng đầu, ù tai, họng ráo, ho khan, khạc ra huyết, lưỡi sáng, ít tân dịch, mạch tế sác.
Điều trị: Dưỡng âm nhuận phế, tư thận ích tinh.
Bài thuốc: “Chững âm lý lao thang”phối hợp với bài “Bổ nguyên tiễn”.
Bài Chững âm lý lao thang gồm: đan bì 8g, đương quy 8g, cam thảo 4g, liên tử12g, mạch môn 8g, quất bì 8g, ý dĩ 12g, bạch thược 6g, ngũ vị tử 6g, sinh địa 12g, nhân sâm 12g, đại táo 3 quả.
Bài Đại bổ nguyên tiễn gồm: hoài sơn 8g, thục địa 20g, sơn thù nhục 4g, đỗ trọng 12g, cẩu kỷ tử 8g, đương quy 8g. Tùy triệu chứng của bệnh nhân mà gia giảm. Ngày 1 thang sắc uống 3 lần, uống trước khi ăn.
Do phế thận âm hư sinh bệnh tiêu khát (tiểu đường)
Triệu chứng: Bệnh nhân tiểu tiện nhiều lần trong ngày mà sinh ra chứng tiêu khát.
Phép trị: Nhuận phế tư thận, sinh tân trừ khát.
Bài thuốc Nhị đông thang phối hợp với bài Lục vị địa hoàng hoàn gia giảm: thiên môn 8g, mạch môn 12g, thiên hoa phấn 12g, cam thảo 2g, hoàng cầm 8g, tri mẫu 8g, nhân sâm 4g, hà diệp 8g. Tùy chứng trạng của bệnh nhân mà gia giảm và dùng liều lượng cho thích hợp. Ngày 1 thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống trước khi ăn.