1. Nguyên nhân gây lão hóa da , khô da
Cái "nền" của làn da gồm có các mô liên kết và các sợi đàn hồi nằm trong lớp dưới da, mất dần tính đàn hồi theo thời gian. Các tuyến mồ hôi và các tuyến nhờn bài tiết ít đi. Kết quả là da bị khô, mỏng và teo dần theo tuổi tác. Các vết nhăn (ở khóe mắt, ở trán...) và quầng thâm dưới mắt xuất hiện.
Ánh nắng mặt trời giúp da tổng hợp vitamin D mà sự thiếu hụt sẽ làm con người bị bệnh còi xương , nhưng nắng cũng làm tăng tốc độ lão hóa của da. Cứ đem so sánh da chỗ hở (như da mặt, da mu tay) với da chỗ kín (da mông, da bên trong đùi) thì thấy rõ ràng là ánh sáng nói chung làm da già nhanh. Các tia cực tím (A và B) trong ánh nắng làm xáo trộn cơ cấu của các mô liên kết và các sợi đàn hồi. Chúng là nguyên nhân chính của sự lão hóa, của các vết nhăn và của các loại ung thư da.
Không khí ô nhiễm làm tăng tốc độ lão hóa của da vì kích thích sự cấu tạo các gốc tự do trong lớp da. Các gốc tự do này "oxy hóa" các màng tế bào, làm chúng bị tổn thương và mau già, gây nên các vết nhăn. Các gốc tự do cũng có thể thay đổi cơ cấu của các gen trong nhân tế bào và biến chúng thành tế bào ung thư...
Thiếu ngủ kinh niên ảnh hưởng tới sức khỏe, tới trí nhớ và tới nước da...
Trong một số trường hợp bị xuống cân nhanh vì đau ốm hay vì chế độ ăn kiêng , lớp mỡ dưới da tiêu đi, làm da bị thừa ra, nhăn lại hay xệ xuống.
2. Bài thuốc dưỡng da, điều trị da khô
Theo y học cổ truyền, các thuốc có công dụng làm đẹp được chia làm nhiều nhóm khác nhau, trong đó có nhóm thuốc làm nhuận và trắng da.
2.1. Thành phần bài thuốc ngừa lão hóa da
Bạch chỉ 30g, bạch cập 4,5g, bạch truật 30g, bạch phụ tử (sống) 9g, bạch liễm 30g, bạch tế tân (bỏ lá, đất) 9g, bạch linh (bỏ vỏ) 9g.
7 vị thuốc nghiền bột mịn, trộn với lòng trắng trứng gà, làm thành viên to bằng hạt ngô đồng, phơi khô trong bóng râm.
Mỗi đêm trước khi đi ngủ, rửa mặt thật sạch, lấy 1 viên thuốc hòa với nước ấm (nếu có nước vo gạo ấm thì càng tốt) rồi xoa nước này lên mặt, để qua đêm sáng hôm sau rửa sạch.
2.2 Công dụng bài thuốc
Nhuận da, làm da tươi sáng có thể sử dụng để dưỡng da đối với da bình thường và để điều trị các trường hợp da khô, da thô, da nhiều nếp nhăn và có sắc tố.
Trong kinh nghiệm của y học cổ truyền, bài thuốc được chế từ 7 vị thuốc cùng có chữ "bạch" đứng đầu trong tên gọi, hàm nghĩa là làm trắng, làm sáng làn da, giúp da dẻ tươi nhuận. Hầu hết những vị thuốc này đều lấy các cây cỏ trong thiên nhiên làm nguyên liệu, được kiểm nghiệm và sử dụng lâu đời trên lâm sàng cho nên chúng không có những phản ứng độc hại và rất đáng tin cậy.
Bài thuốc đã được Hứa Quốc Trinh, y gia trứ danh đời Nguyên (Trung Quốc) chế ra và được ghi trong cuốn "Ngự dược viện phương" nổi tiếng của ông.
Cây và vị thuốc bạch chỉ lợi huyết mạch, dưỡng da/
3. Phương giải bài thuốc và vị thuốc trong bài
- Bạch chỉ: Vị cay ấm, vào hai kinh thận và bàng quanh là vị thuốc được dùng nhiều nhất trong các mỹ phẩm của YHCT. Hầu hết các kem bôi, cao xoa và nước rửa mặt cũng như các bài thuốc làm thơm tóc, sạch miệng, trắng răng đều dùng đến vị thuốc này. Nó còn được sử dụng để điều trị các bệnh lý có liên quan đến thẩm mỹ như tàn nhang, mụn cơm, trứng cá, bạch biến, miệng hôi, viêm răng lợi.
Để làm trắng da, chỉ cần dùng bạch chỉ tán bột trộn với mỡ lợn, bôi mặt mỗi ngày 2 lần cũng có hiệu quả (Thiên kim yếu phương). Sách "Bản thảo kinh bách chủng lục" viết: Bạch chỉ rất thơm có thể khu phong táo thấp, lại rất trơn nhuận làm lợi huyết mạch mà không khô ráo, dùng có lợi mà không có hại.
- Bạch truật: Tính ấm, vị đắng ngọt, vào hai kinh kỳ và vị có công dụng kiện tỳ ích khí, táo thấp lợi thủy, nhuận sáng bì phu, là vị thuốc hay dùng để chữa các bệnh có liên quan đến thẩm mỹ như béo phì (thể đàm thấp), tàn nhang, sắc mặt vàng nhợt do tỳ vị hư nhược. Theo "Dược tính luận": Bạch truật làm sắc mặt tươi sáng, gìn giữ nhan sắc và trừ được các vết thâm đen.
- Bạch linh: Tính bình vị nhạt, vào ba kinh tâm, tỳ và phế, có công dụng kiện tỳ an thần, lợi thủy thẩm thấp, nhuận da, làm mọc tóc, cũng là một vị thuốc thường dùng trong các mỹ phẩm của YHCT.
Trong các đơn thuốc làm đẹp nổi tiếng như "Bạch linh dan", "Mỹ dung diện cao", "Tiêu ban phương".. đều có mặt vị thuốc này. Ngoài ra, bạch linh còn có tác dụng hỗ trợ trị béo phì, chống lão hóa và kéo dài tuổi thọ.
Vị thuốc bạch linh chống lão hóa, kéo dài tuổi thọ.
- Bạch cập: Tính hơi lạnh, vị đắng ngọt, vào ba kinh phế, can và vị, có công dụng làm sáng da, tiêu thũng, sinh cơ, nhuận cơ, là vị thuốc thường dùng để bảo vệ da, làm trơn da, trị tàn nhang, trứng cá, các vết loét và vết bỏng.
Với sự phối hợp của các vị thuốc trên, bài thuốc không những có tác dụng dưỡng da, làm đẹp da, tiêu trừ các bệnh lý về da mà còn cải thiện rõ rệt trạng thái chức năng của cơ bắp, tóc, móng cũng như tình trạng toàn thân nói chung, góp phần làm cho làn da của cơ thể được nhu nhuận và tươi sáng.
Các vị thuốc trong bài đều rất dễ kiếm, dễ dùng, nếu kiên trì sử dụng chắc chắn sẽ đạt hiệu quả ở các mức độ khác nhau.
Y học hiện đại đã chứng minh bạch cập có tác dụng nâng cao sức đề kháng của cơ thể, kích thích quá trình tăng sinh của tổ chức, ức chế sự phát triển của liên cầu khuẩn và tụ cầu khuẩn, chống xuất huyết, có lợi cho quá trình làm lành các vết thương.
- Bạch phụ tử: Tính ấm, vị cay ngọt, vào hai kinh tỳ và vị, có công dụng nhuận dưỡng bì phu, là vị thuốc thường dùng để chữa các bệnh có liên quan đến sắc đẹp như sạm da, viêm dây thần kinh mặt, bạch biến tàn nhang, da nhăn, trứng cá... Theo "Bản thảo tùng tân", Bạch phụ tử có thể đưa thuốc lên trên, trị được trăm bệnh ở mặt, trừ chứng rụng tóc, làm mặt trơn nhuận, hết ban, trừ phong đàm.
- Bạch liễm và bạch tế tân: Đây là hai vị thuốc có công dụng khứ phong chỉ dương, tiêu tán thường được dùng để điều trị các thương tổn ở đầu, mặt.