Bài học từ cuộc chiến chống biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi

Bảo Hà |

Điều chúng ta đang chứng kiến là một màn ‘mèo vờn chuột’ giữa sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 và các nhà sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Bài học từ cuộc chiến chống biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi - Ảnh 1.

Người dân đứng xếp hàng nhận cứu trợ lương thực trong đại dịch COVID-19 tại ngoại ô Laudium, Pretoria, Nam Phi tháng 5/2020. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin NBC News, khi lô hàng vacicne ngừa COVID-19 đầu tiên của hãng dược phẩm AstraZeneca cập bến Nam Phi trong tháng này, Tổng thống Cyril Ramaphosa đã ca ngợi lô hàng như một chiếc chìa khóa “đảo ngược tình thế” cuộc chiến chống COVID-19.

Tuy nhiên, sự xuất hiện và lây lan của một biến thể virus SARS-CoV-2 nguy hiểm đã khiến phản ứng trước đại dịch của quốc gia châu Phi này trở nên nhiễu loạn và làm dấy lên lo ngại rằng các thể đột biến có khả năng khiến những loại vaccine hiện hành trở nên vô hiệu.

Devi Sridhar, Giáo sư sức khỏe cộng đồng toàn cầu tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là trò mèo vờn chuột giữa virus liên tục biến đổi và nỗ lực của các nhà sản xuất vacicne chạy theo đáp ứng những biến đổi đó. Bài học ở đây là chúng ta phải giữ cho số ca nhiễm thấp để chúng ta không nhìn thấy nhiều biến thể xuất hiện, từ đó khiến cho chương trình tiêm chủng trở nên khó khăn hơn”.

Những dấu hiệu đầu tiên xuất hiện vào tháng 10 năm ngoái, khi các bác sĩ nhận thấy số lượng ca mắc tăng đột biến, đặc biệt tại khu vực quan Vịnh Nelson Mandela.

Chỉ trong 5 tuần, các nhà khoa học đã nhận diện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 với các gai protein nguy hiểm hơn. Sự thay đổi này có thể làm “vô hiệu” kháng thể sản sinh ra từ vaccine ngừa COVID-19. Thể đột biến cũng làm cho những người trước đây đã mắc COVID-19 dễ bị tái nhiễm hơn.

Richard Lessells, trưởng nhóm nghiên cứu tại phòng thí nghiệm giải trình tự gen thuộc Trung tâm Đổi mới Nghiên cứu KwaZulu-Natal, lý giải: “Những người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trước đây đã tạo ra kháng thể với loại virus đó, nhưng những kháng thể đó có thể không nhận ra biến thể mới của virus vì những thay đổi về protein”.

Nam Phi là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất tại châu lục này khi hứng chịu làn sóng COVID-19 đầu tiên đạt đỉnh điểm vào tháng 7/2020. Chính phủ nước này đưa ra các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt, đóng cửa biên giới và thực hiện các lệnh giới nghiêm.

Đến cuối tháng 9/2020, số các ca mắc mới đã giảm và chính phủ thông báo nới lỏng các hạn chế, mở cửa trở lại đối với khách du lịch và doanh nhân. Tuy nhiên, sự tự do này đã mang khiến biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện, tạo ra làn sóng COVID-19 thứ hai tấn công mạnh hơn và nhanh hơn làn sóng đầu tiên.

Trên 48.000 người Nam Phi đã tử vong vì COVID-19 và biến thể Nam Phi đã được phát hiện ở hơn 40 quốc gia, trong đó có Mỹ.

Bài học từ cuộc chiến chống biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi - Ảnh 2.

Một nhà khoa học đang nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Đổi mới KwaZulu-Natal ở Nam Phi. Ảnh: KRISP

Các chuyên gia y tế khuyến cáo các nỗ lực tiêm chủng toàn cầu cần được đẩy mạnh để ngăn chặn sự xuất hiện của nhiều biến thể hơn. Tháng 1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành các biện pháp hạn chế đi lại để cấm hành khách đến từ Nam Phi nhập cảnh, trong nỗ lực kiểm soát sự lây lan của biến thể này.

Nhưng với số ca mắc vẫn còn cao ở các quốc gia khác và khả năng xảy ra làn sóng thứ ba và thứ tư, virus SARS-CoV-2 có thể tiếp tục đột biến và kháng lại các loại vaccine hiện hành.

Biến thể virus mới đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới kế hoạch tiêm chủng của Nam Phi. Một nghiên cứu trên khoảng 2.000 người đã chỉ ra rằng vaccine AstraZeneca kém hiệu quả trước biến thể mới. Các phát hiện đã khiến Chính phủ Nam Phi tạm dừng việc triển khai vaccine từ ngày 8/2.

Thay vào đó, chính phủ nhanh chóng chuyển hướng sang tập trung vào một loại vaccine khác: vaccine tiêm một liều của hãng Johnson & Johnson đã được thử nghiệm rộng rãi hơn ở Nam Phi và cho kết quả tốt hơn so với biến thể mới.

Tuy nhiên, một thách thức khác mà Nam Phi phải đối mặt hiện này là làm gì với hàng triệu liều vaccine AstraZeneca trong nước và dự kiến hết hạn vào cuối tháng 4.

Bộ trưởng Y tế Zweli Mkhize tuần này thông báo chính phủ đã đề nghị Liên minh châu Phi cung cấp các liều vaccine chưa sử dụng phân phối cho các quốc gia khác của châu lục không bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến thể virus Nam Phi.

Chính phủ Nam Phi cho biết họ cũng đã đạt được các thỏa thuận đối với vacicne Pfizer, mặc dù một nghiên cứu mới đây cũng đặt câu hỏi về hiệu quả của loại vacicne này đối với biến thể Nam Phi.

Trong khi đó, nhóm nghiên cứu của Đại học Oxford đã làm việc với AstraZeneca để nâng cấp phiên bản vaccine phù hợp với biến thể mới. Giáo sư Sarah Gilbert cho hay phiên bản vaccine mới sẽ sớm được đưa vào sử dụng vào mùa Thu.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags

covid

Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại