Bạch hầu dịch chuyển sang người lớn, tăng miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin

Minh Hòa |

Năm 2020, nước ta mở rộng tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi tại 35 tỉnh/thành phố nguy cơ cao và khuyến cáo người lớn cần tiêm nhắc lại vắc-xin Td.

Miễn dịch bệnh bạch hầu giảm dần theo thời gian

TS. Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ TW cho biết, trong những năm qua, nhờ triển khai tiêm chủng tốt cho trẻ em dưới 1 tuổi, nước ta cơ bản đã khống chế được bệnh bạch hầu. Đặc biệt từ năm 2010, Việt Nam bắt đầu triển khai tiêm nhắc lại vắc-xin bạch hầu mũi 4 cho trẻ 18 tháng tuổi, nhờ đó mà số ca mắc bệnh bạch hầu giảm đáng kể.

Theo số liệu mới nhất từ Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia, tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi trong 5 tháng đầu năm 2020 thấp hơn cùng kỳ năm 2019 (37,2%) và chưa đạt tiến độ yêu cầu là khoảng 40%.

Tỉ lệ tiêm vắc-xin sởi - Rubella, DPT4 cho trẻ 18 tháng tuổi lần lượt là 31,2% và 28,9%, thấp hơn 5 tháng đầu năm 2019. Riêng tỷ lệ tiêm chủng phòng bệnh bạch hầu ở những địa phương đang diễn biến dịch bệnh bạch hầu phức tạp chưa tới 50%.

Những năm gần đây đều ghi nhận các ca mắc bạch hầu ở trẻ lớn và người lớn, hầu hết người mắc bệnh là trẻ hơn 10 tuổi và người lớn. Đa phần ca mắc là những trường hợp không tiêm hoặc tiêm không đủ mũi vắc-xin phòng bệnh. Trong đó, có những trường hợp đã tiêm 3-4 mũi những vẫn mắc bệnh.

Theo TS. Dương Thị Hồng, vi khuẩn bạch hầu có khả năng đề kháng cao và tồn tại không chỉ ở người mắc bệnh mà cả người lành mang vi khuẩn, nên bệnh có thể xảy ra ở nơi chưa từng xuất hiện bệnh trước đó. Khi chưa có kháng thể bảo vệ, mọi lứa tuổi đều có thể bị bệnh bạch hầu, khi tiếp xúc với nguồn lây. Do đó, ở những vùng tỉ lệ tiêm chủng thấp, những trẻ nào tiêm chủng không đủ mũi, đúng lịch đều có nguy cơ mắc bệnh.

Một điểm đáng chú ý nữa là, miễn dịch đối với bệnh bạch hầu giảm dần theo thời gian, nên đối tượng người lớn và trẻ lớn mặc dù có tiền sử tiêm đủ mũi vắc-xin phòng bệnh bạch hầu trước đó khoảng 5-10 năm, mà không được tiêm nhắc lại, thì vẫn có khả năng mắc bệnh.

Bạch hầu dịch chuyển sang người lớn, tăng miễn dịch cộng đồng bằng tiêm vắc-xin - Ảnh 1.

Các chuyên gia khuyến cáo: phụ huynh hãy đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch để phòng bệnh bạch hầu. Ảnh: Sở Ytế tỉnh Đăk Lăk

Củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu bằng mũi vắc-xin thứ 5

Để khống chế bệnh bạch hầu, nước ta đang nỗ lực duy trì tỷ lệ tiêm vắc-xin DPT-VGB-Hib cho trẻ dưới 1 tuổi và tiêm vắc-xin DPT cho trẻ 18 tháng tuổi trong tiêm chủng thường xuyên.

Trước tình hình bệnh có dấu hiệu đang tăng và dịch chuyển sang đối tượng trẻ lớn và người lớn, từ năm 2019, Dự án Tiêm chủng mở rộng đã triển khai tiêm bổ sung vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi tại 30 tỉnh/thành phố nguy cơ cao.

Chương trình triển khai tiêm nhắc vắc-xin bạch hầu cho trẻ lớn và người lớn để mở rộng hàng rào miễn dịch cộng đồng, có thể giúp tăng đối tượng tiêm nhắc lại phòng bệnh. Hoạt động này đã được triển khai tại 30 tỉnh, thành phố nguy cơ cao trong năm 2019 và mở rộng sang 35 tỉnh, thành phố trong năm 2020.

Tiến tới, năm 2022, hoạt động tiêm bổ sung vắc-xin phòng bạch hầu cho trẻ 7 tuổi sẽ được triển khai trong phạm vi toàn quốc. Đây là mũi vắc-xin bạch hầu thứ 5 để củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho trẻ ở lứa tuổi lớn hơn.

Để phòng bệnh bạch hầu, trẻ cần được tiêm 3 mũi vắc-xin 5 trong 1 phòng 5 bệnh bạch hầu - ho gà - uốn ván - viêm gan B - viêm phổi/viêm màng não do Hib lúc 2, 3, 4 tháng tuổi và tiêm nhắc 1 mũi vắc-xin bạch hầu - ho gà - uốn ván lúc 18 tháng tuổi.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo người dân cần tiêm đủ 5 mũi phòng bệnh bạch hầu để bảo đảm hiệu quả miễn dịch. WHO cũng khuyến cáo, khoảng 7 tuổi, nên cho trẻ đi tiêm nhắc lại, 9-15 tuổi nhắc lại mũi nữa.

Việc tiêm nhắc lại cho trẻ lớn (giai đoạn 7 tuổi) cũng như tiêm vắc-xin cho người lớn là rất quan trọng. Do đó, cần tuyên truyền cho người dân hiểu việc đi tiêm vắc-xin là những biện pháp bảo đảm đầy đủ để khống chế được tốt bệnh bạch hầu trong thời gian tới.

Đối với các địa phương đang có dịch bạch hầu, để phòng chống dịch bùng phát, địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân hiểu, ủng hộ và thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Tổ chức tiêm chủng vắc-xin cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Hiện nay, tại một số vùng nguy cơ cao, Chương trình Tiêm chủng mở rộng còn triển khai tiêm bổ sung 1 mũi vắc-xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (Td) cho trẻ 7 tuổi để củng cố miễn dịch phòng bệnh bạch hầu cho trẻ lớn. Các bà mẹ cần đưa con đi tiêm chủng đúng lịch, đủ mũi để chủ động phòng bệnh cho con mình.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại