Bậc thầy Yoga Ấn Độ: Một điều cần hiểu ra để an vui, hạnh phúc cả đời

Trung Hạ |

Có khi nào buổi sáng thức dậy, nằm trên giường, bạn tự hỏi: “Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Mình đang sống trọn vẹn chứ?”.

Thắc mắc này thật khó trả lời vì mỗi người trên thế giới này đều có một trạng thái cuộc sống khác nhau, do đó đáp án cũng không giống nhau.

Vật lộn giữa thời đại vội vã ngày nay thật sự dễ khiến người ta hoài nghi nhân sinh, lầm đường lạc lối. Việc nhanh chóng cho mình câu trả lời rất cần thiết để tìm lại ý nghĩa cuộc sống, hiểu rõ bản thân đang phấn đấu cho cái gì.

Cùng chiêm nghiệm qua màn đối thoại giữa bậc thầy Yoga Ấn Độ Sadhguru và người dẫn chương trình trong một buổi tọa đàm dưới đây:

Bậc thầy Yoga Ấn Độ: Một điều cần hiểu ra để an vui, hạnh phúc cả đời - Ảnh 1.

Người dẫn chương trình: “Sadhguru, theo ông, chúng ta nên sống như thế nào đây? Cách sống tốt nhất là gì? Hãy nói với chúng tôi bằng những lời đơn giản nhất”.

Sadhguru: “Bạn chỉ cần quan sát nhiều hơn. Mọi người nên bỏ ra một chút nỗ lực, dành một chút thời gian cho cuộc sống của mình. Không phải cho gia đình, không phải cho sự nghiệp, không phải cho bất cứ điều gì khác, chỉ cho cuộc sống hiện tại. Hãy cho nó một chút thời gian, bởi vì cuộc sống này là quan trọng nhất. Không phải sao?”.

Người dẫn chương trình: “Đúng vậy”.

Sadhguru: “Ngay cả khi bạn yêu ai đó, đây vẫn là cuộc sống quan trọng nhất, phải không? Vì vậy, hãy để tâm đến cuộc sống này, xem nó đang diễn ra như thế nào? Tại sao bạn xem nó như lẽ dĩ nhiên? Tin tôi đi, bạn sẽ không ở đây mãi mãi đâu. Tôi chúc bạn sống lâu trăm tuổi, nhưng rồi cũng có một ngày bạn cũng phải ra đi. Đúng chứ?”.

Người dẫn chương trình: “Đúng”.

Sadhguru: “Vì vậy, đừng bao giờ xem SỐNG là một điều hiển nhiên. Nếu bạn có thể thức dậy vào một buổi sớm mai, đó chính là phúc của bạn. Nhưng tôi muốn bạn biết rằng bạn đã hơn rất nhiều người ngủ tối nay mà không thức dậy vào sáng hôm sau. Do đó, ngày mai bạn vẫn thức dậy như thường lệ, đây không phải là điều rất tuyệt vời sao?

Khi đó, bạn nên nhìn lên trần nhà và mỉm cười, bạn vẫn còn thức dậy, vẫn còn tồn tại, vẫn đang sống. Thế nhưng nhiều người ngoài kia thức dậy, mà người thân bên cạnh họ vẫn nằm im, không thể tiếp tục được sống. Vậy thì nếu ngày mai bạn thức dậy, những người quan trọng xung quanh bạn cũng thức dậy, đó không phải là một ngày tuyệt vời sao? Anh có nghĩ như tôi không?”.

Người dẫn chương trình: “Vâng, có”.

Bậc thầy Yoga Ấn Độ: Một điều cần hiểu ra để an vui, hạnh phúc cả đời - Ảnh 2.

Sadhguru: “Bạn có thể không nghĩ như vậy, vì vấn đề chỉ là bạn nghĩ rằng bản thân sẽ không chết. Nếu bạn không bao giờ ý niệm ai rồi cũng sẽ ra đi trong lòng, vậy thì một nơi nào đó trong trái tim bạn nghĩ rằng bản thân luôn trường tồn, có phải không?

Có bao nhiêu khoảnh khắc trong ngày bạn có thể nhận ra rằng bạn sẽ nằm xuống? Nếu bạn nhận ra, liệu bạn có từ từ chậm rãi với đời như hiện tại không? Còn thời gian tranh đấu, kỳ kèo với người khác không? Có còn phí hoài cuộc sống của mình cho những chuyện vô nghĩa nữa không?

Nếu có thể hiểu ra, có lẽ bạn chỉ tập trung vào những gì quan trọng nhất cho cả mình và người thân thương. Nếu bạn đã ý thức được điều này, vậy tiếp theo hãy nhắc nhở bản thân, rằng cái chết không phải chuyện gì quá xấu xa. Nó chỉ là một kết cục cho hành trình sống của bạn. Nhưng hãy nghĩ xem, nếu cứ sống mãi trên thế giới này, liệu bạn có thể chịu đựng nổi?”.

Người dẫn chương trình: “Đúng, đúng vậy”.

Sadhguru: “Do đó, ý niệm 'ai rồi cũng ra đi' không hề tiêu cực hay xui xẻo. Đáng sợ nhất chính là ý nghĩ ‘hôm nay tôi sẽ chết’. Thay vì nghĩ như vậy, hãy tin rằng mình sẽ sống lâu nhất có thể.

Từng khoảnh khắc, từng ngày trôi qua, hãy nhắc nhở chính mình rằng, cuộc sống này quá ngắn ngủi. Rồi sẽ đến một ngày diễn ra kết cục của đời mình. Do đó sống trọn từng phút từng giây, sống cho hiện tại. Thử tập nghĩ như vậy vài ngày xem, nội tại của bạn chắc chắn trở nên tích cực phi thường. Đời là như vậy đó”.

Người dẫn chương trình: “Ồ, hóa ra cuộc sống lại đơn giản như vậy”.

Sadhguru: “Đó là điều duy nhất cần làm. Nếu bạn muốn biết giá trị cuộc sống nằm ở đâu, chỉ cần hiểu nó ngắn ngủi như thế nào”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại