Ảnh minh họa.
Bác sĩ Việt Nam cấp cứu hành khách Úc
Mới đây, trên mạng xã hội xuất hiện thông tin bác sĩ Việt Nam đã cứu một người đàn ông nước ngoài trên một chuyến bay vừa cất cánh. Cộng đồng mạng liên tục bình luận khen ngợi "
"bác sĩ Việt Nam giỏi chuyên môn, hết lòng giúp bệnh nhân".
Liên quan tới thông tin này, GS.TS.BS Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết chính ông và một số bác sĩ trong đoàn đã cấp cứu cho nam bệnh nhân trên máy bay. Sự việc xảy ra cách đây khoảng hai tuần, khi giáo sư Thành và đoàn công tác của Trường Đại học Y Dược và Bệnh viện E sang Pháp. Khi máy bay vừa cất cánh, một nam hành khách (57 tuổi, quốc tịch Úc) đột ngột khó thở và gục xuống.
Tổ bay thông báo có người cần hỗ trợ y tế. Ngay lập tức, giáo sư Thành và một số bác sĩ đã tới vị trí theo hướng dẫn của tiếp viên.
Khi đó, nam hành khách này đã gục xuống, khó thở, loạn mạch. Máy bay không có phương tiện cấp cứu và chẩn đoán. Do đó, các bác sĩ cho người bệnh thở oxy và nằm yên theo dõi.
Giáo sư Thành cho biết: "Theo đánh gia ban đầu, chúng tôi nghĩ có thể bệnh nhân gặp cơn nhồi máu cơ tim và cần được cấp cứu ngay. Khi máy bay hạ cánh, có người nêu ý kiến đưa hành khách này đến Bệnh viện Nam Thăng Long gần sân bay nhất, nhưng tôi nêu ý kiến đưa tới Bệnh viện E (Hà Nội) sẽ có đủ phương tiện cấp cứu hơn".
Sau khi máy bay hạ cánh khẩn cấp, xe cấp cứu đã đưa nam hành khách về Bệnh viện E. Đoàn công tác của giáo sư Thành tiếp tục chuyến bay sang Pháp lúc 4h sáng.
Giáo sư Thành cho biết khi tới Bệnh viện E, bệnh nhân được cấp cứu và ra viện ngay hôm sau. Kết quả khám xét nghiệm cho thấy bệnh nhân không bị nhồi máu cơ tim mà có các triệu chứng trên do uống thuốc quá liều. Bệnh nhân có nhiều bệnh lý nền mắc cùng một lúc.
Lưu ý khi cấp cứu trên không
Gần 40 năm công tác trong ngành y và đã đi nhiều chuyến bay nhưng đây là lần đầu tiên giáo sư Thành gặp ca bệnh cần cấp cứu trên không. Trong tình huống này, giáo sư Thành lưu ý hai vấn đề:
- Cách sơ cứu ban đầu phải đúng và kịp thời hỗ trợ hô hấp tới khi bệnh nhân xuống mặt đất.
- Cần đưa bệnh nhân bệnh viện có chuyên khoa về tim mạch, nhờ đó bệnh nhân đã an toàn xuất viện ngay trong ngày hôm sau.
Qua sự việc hy hữu trên, giáo sư Thành cũng khuyến cáo các đơn vị đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu cho tiếp viên hàng không cần trang bị thêm việc lựa chọn cơ sở cấp cứu ban đầu để người bệnh được điều trị hiệu quả nhất trong các tình huống khẩn cấp.
Trước đó, vào tháng 8/2023, trong chuyến bay khởi hành từ Hà Nội tới Delhi (Ấn Độ), Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cũng tham gia cấp cứu một bệnh nhân bị khó thở, tăng nhịp tim khi máy bay vừa cất cánh được 30 phút. Nhờ đó, nữ hành khách đã an toàn trong suốt chuyến bay.