Vì đã tiêm vaccine nên chỉ mắc COVID-19 nhẹ
Vừa chợp mắt sau nhiều giờ đồng hồ tư vấn cho bệnh nhân COVID-19 tại nhà, bác sĩ Nguyễn Mạnh Khiêm (26 tuổi, công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương) lại cầm máy nhận tin nhắn của các bệnh nhân F0 khác. Hiếm lúc nào bác sĩ sĩ Khiêm rời tay khỏi điện thoại, sẵn sàng nghe máy bất cứ lúc nào.
Từng là F0 nên bác sĩ Khiêm hiểu được những gì bệnh nhân F0 đang phải trải qua. Bác sĩ Khiêm kể tháng 6 vừa qua, anh nhận công tác tại Bệnh viện dã chiến Cần Giờ trong vòng 1 tháng. Sau khi hoàn thành cách ly, về bệnh viện công tác thì vô tình nhiễm COVID-19.
"Một tuần sau khi về bệnh viện thì tôi mới phát hiện mình bị nhiễm COVID-19. Sau đó tôi được cách ly tại Bệnh viện dã chiến số 5 (Hoàng Kiều Plaza). Trong khoảng thời gian ấy, tôi lại nhận được thông tin người thân là bố mẹ sống cùng nhà cũng trở thành F0, đến ngày thứ 5 thì bố mẹ có triệu chứng, tôi vừa điều trị cho mình vừa tiến hành điều trị từ xa cho bố mẹ. Khoảng thời gian ấy khá vất vả cho gia đình", bác sĩ Khiêm cho hay.
Mỗi ngày, anh đều gọi điện hỏi thăm sức khỏe các thành viên, nhắn toa thuốc nhờ người thân mua và gửi về nhà giúp.
Trong những ngày bác sĩ Khiêm còn là F0, anh xuất hiện đầy đủ các triệu chứng rõ rệt, từ ho, sốt, mất vị giác, mất khứu giác, hụt hơi…Bác sĩ Khiêm cho biết, mặc dù đã tiêm 2 liều vaccine nhưng anh vẫn bị mắc. Tuy nhiên, triệu chứng có phần nhẹ hơn mọi người khá nhiều.
"Trong khoảng thời gian những ngày đầu tôi mắc COVID-19, bố mẹ trở thành F1, gia đình tôi đã bị phong tỏa luôn, tôi đã yêu cầu bố mẹ vận động, tập thở ngay để nếu có bị nhiễm thì có sức đề kháng tốt hơn. Mặc dù trái ngành, nhưng qua tìm hiểu thông tin sách vở, bạn bè đồng nghiệp, lúc ấy tôi biết thế nào là tốt nhất cho bản thân và bố mẹ. Kể cả tôi mặc dù mệt nhưng vẫn cố gắng vận động và tập thở để bản thân khỏe hơn", bác sĩ Khiêm kể.
Và chỉ trong 11 ngày, bác sĩ Khiêm đã có xét nghiệm âm tính và được trở về nhà. Khi về nhà anh tiếp tục điều trị cho bố mẹ.
Mẹ anh khỏe hơn bố nên chỉ sau vài ngày có thể đi lại. Còn bố anh vốn mắc nhiều bệnh nền nên sốt cao liên tục 4 ngày, chỉ số SpO2 xuống thấp, anh đã can thiệp bằng thuốc sốt cũng như phải theo dõi liên tục.
Cơ duyên hỗ trợ gần 60 bệnh nhân
Cũng từ đó, anh Khiêm nhận hỗ trợ điều trị cho những người quen, dần dần anh nhận thêm những người "chưa quen".
"Người bệnh cần giúp đỡ thì họ mới tìm đến mình, huống chi COVID-19 lại chuyển biến nhanh chóng, khó lường. Tôi không thấy phiền hà, chỉ cố gắng hỗ trợ bệnh nhân", anh nói.
Vốn quen cầm dao phẫu thuật, chưa có cơ hội tiếp xúc với quá trình điều trị F0, anh khó tránh khỏi cảm giác hoang mang ban đầu. Do vậy, anh phải liên tục nghiên cứu, học hỏi, tự tìm tòi để trau dồi kiến thức để hỗ trợ bệnh nhân tốt nhất.
Với mỗi bệnh nhân, anh thường hỏi kỹ về các triệu chứng, tình trạng sức khỏe, loại thuốc họ đang sử dụng và tư vấn về quá trình điều trị.
Nhiều bệnh nhân 1-2h đêm nhắn tin, bác sĩ Khiêm vẫn nhiệt tình trả lời.
"Toa thuốc tôi sử dụng chỉ có một, nhưng mỗi bệnh nhân cần uống loại nào, trong bao lâu thì phải kê riêng theo trạng thái từng người. Ngoài thuốc men, tôi cũng hướng dẫn các F0 tự coi sóc sức khỏe, vận động nhẹ, ăn uống hợp lý để nâng cao đề kháng", bác sĩ cho biết.
Hơn một tháng qua, danh sách bệnh nhân mà anh nhận theo dõi tăng lên gần 60 người. Anh phải lập bảng Excel theo dõi, ghi rõ họ tên, thuốc và tình trạng hàng ngày của từng người.
"Nếu chỉ tư vấn 1-2 ca như trước đây, tôi có thể nhớ rõ quá trình điều trị. Nhưng giờ số lượng vượt quá 20, tôi khó có thể nhớ cụ thể ai đang uống thuốc gì, triệu chứng ra sao. Tôi lập bảng theo dõi như vậy nhằm tránh đi sai chiến lược điều trị", anh Khiêm nói.
Từ khi nhận tư vấn online cho F0, điện thoại của anh hiếm khi nào ngớt tiếng chuông báo. Do không đặt khung thời gian cố định, anh sẵn sàng nhận tin nhắn, cuộc gọi của người bệnh bất cứ lúc nào, kể cả nửa đêm hay tờ mờ sáng. "Bệnh nhân trở nặng gọi gấp lúc 1-2h là chuyện bình thường", bác sĩ Khiêm cười chia sẻ.
Vừa mới tối qua, lúc 2h sáng, anh phải tư vấn gấp cho một bệnh nhân trong gia đình có 5 người F0, bệnh nhân nữ 60 tuổi, tinh thần không được minh mẫn, và có thể trạng béo phì.
"Lúc ấy bệnh nhân lên cơn khó thở và hoảng loạn, người nhà gọi gấp cho tôi, thấy vậy tôi cũng cầm máy lên luôn. Tôi cố gắng ổn định tinh thần họ trước khi đánh giá tình hình. Tôi hướng dẫn người nhà giúp bệnh nhân nằm sấp và tập thở. Tuy nhiên do bệnh nhân béo phì và không được minh mẫn nên khá vất vả. Phải hơn 1 tiếng sau, tình trạng bệnh nhân mới ổn định, lúc ấy mới tôi mới thở phào nhẹ nhõm", bác sĩ Khiêm chia sẻ.
Theo bác sĩ Khiêm, COVID-19 có thể chuyển biến bất chợt nên anh luôn dặn người bệnh có thể liên lạc ngay hễ thấy cơ thể có biểu hiện lạ.
Mỗi ngày, bác sĩ Khiêm và các bệnh nhân sẽ nhắn tin, gọi điện trao đổi về tình hình sức khỏe qua điện thoại vào bất cứ khoảng thời gian nào.
Vốn quen làm việc cường độ cao, anh Khiêm cho biết anh không cảm thấy áp lực, mệt mỏi khi liên tục "thăm khám online". Ngược lại, hình thức này giúp anh có thể hỗ trợ nhiều F0 một lúc mà không mất công di chuyển, hạn chế lây nhiễm.
Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn nằm ở khâu khám và phát hiện triệu chứng. Do không thể quan sát trực tiếp, chỉ nắm bắt tình huống qua video call và mô tả của bệnh nhân nên đôi lúc, anh vẫn cảm thấy không yên tâm.
Với những trường hợp cần chú ý như vậy, anh Khiêm sẽ chủ động nhắn tin hỏi thăm vài lần mỗi ngày.
"Tới giờ, tôi đang hỗ trợ theo dõi cho 3 bệnh nhân nặng, 16 bệnh nhân cần uống thuốc, 2 ca không triệu chứng, còn lại đều đã 'xuất viện tại nhà'. Nhận tin nhắn báo âm tính từ mọi người, tôi mừng lắm. Nhiều bệnh nhân sau khi khỏi bệnh có hẹn đi ăn để cảm ơn nhưng tôi làm việc này chỉ mong mọi người khỏe lại là vui lắm rồi", anh Khiêm chia sẻ.
Mỗi lần nhận được tin nhắn âm tính của bệnh nhân, anh Khiêm rất vui mừng.
Hiện, gia đình Mạnh Khiêm đều khỏi bệnh, anh cũng quay lại công tác tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và tiếp tục hoạt động tư vấn trực tuyến.
Với anh, trải nghiệm từ lúc tham gia chống dịch, mắc COVID-19 cho tới điều trị online cho các F0 đem lại bài học quý giá cho sự nghiệp.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tham gia điều trị COVID-19, nhưng mình tốt nghiệp bác sĩ đa khoa nên mỗi thứ đều nên biết. Tôi nghĩ cuộc chiến chống dịch không phải của riêng ai, rất nhiều đồng nghiệp cũng đang cống hiến hết mình như vậy. Hy vọng một ngày không xa ‘Sài Gòn’ rồi cũng sẽ ổn thôi", anh tâm sự.